Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải đáp thắc mắc về kỳ thi THPT quốc gia 2015

Sáng nay (23/9), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phạm Vũ Luận đã giải đáp những băn khoăn về một kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 với thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Chỉ đăng ký thi tốt nghiệp vẫn có cơ hội vào đại học

Ông Luận cho biết: kế thừa những ưu điểm của việc tổ chức thi theo cụm của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức “3 chung”, việc coi thi, chấm thi của kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức theo cụm do các trường đại học đủ năng lực chủ trì nhưng mở rộng hơn so với năm 2014 để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Các trường đại học chủ trì cụm thi, phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo, trường đại học trên địa bàn cũng như các sở, ban ngành khác của địa phương để tổ chức tốt kỳ thi, đảm bảo cho kỳ thi nghiêm túc, kết quả đủ tin cậy để các trường đại học, cao đẳng yên tâm sử dụng vào tuyển sinh.

Theo ông Luận, nếu như năm 2014 có 4 cụm thi đại học thì năm 2015, theo tính toán sơ bộ của Bộ Giáo dục - Đào tạo, cả nước sẽ có khoảng 20 cụm thi vừa để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng do các trường đại học chủ trì. Tuy nhiên, từng cụm thi cụ thể thì chưa có quyết định chính thức.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, không đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì để tổ chức một số cụm thi do Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trì. Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra để các cụm thi địa phương được tổ chức nghiêm túc.

Bo truong Bo GD&DT giai dap thac mac ve ky thi THPT quoc gia 2015

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình về kì thi quốc gia

Mặc dù vậy, nhiều đại biểu vẫn đặc biệt quan tâm và băn khoăn về quy định có hai loại cụm thi. Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng việc tổ chức cụm thi dành cho học sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, có những hệ lụy như: làm thế nào để đảm bảo thi hai nơi có mặt bằng chất lượng như nhau? Thực tế các năm trước cho thấy, thi tốt nghiệp thì kết quả rất cao nhưng thi đại học thì kết quả rất thấp. Hệ lụy nữa là học sinh thi theo cụm ở địa phương nhưng sau đó rất muốn thi đại học thì liệu cụm thi này có lấy mất cơ hội vào đại học của các cháu? Bộ trưởng nghĩ như thế nào về điều này?

Ông Luận chia sẻ lo lắng của đại biểu Hùng về mặt bằng chất lượng giữa hai cụm thi, có thể xảy ra tình huống chỗ này thì nghiêm, chỗ kia thì không nghiêm thì không công bằng. “Nếu không tổ chức thi như thế này thì cũng phải đặt vấn đề về đảm bảo nghiêm túc. Độ tin cậy là do cách thi, do cách chấm, do cách quản lý chứ không dựa vào kết quả. Kết quả của kỳ thi THPT cao là vì kỳ thi này chỉ để đánh giá đủ điều kiện tốt nghiệp còn kỳ thi đại học tuyển theo đúng chỉ tiêu, có loại trừ nên không thể kết quả giống nhau được. Những tỉnh miền núi, đặc biệt là miền núi phía Bắc mà các cháu không có nhu cầu thi ĐH mà bắt các cháu đi lại quá xa để thi chung là không cần thiết", ông Luận nói.

Để trấn an thêm lo lắng của đại biểu về tính nghiêm túc ở cụm thi do địa phương chủ trì, ông Luận cho biết: "Chưa loại trừ việc chúng tôi có thể mời các trường đại học cùng tham gia cụm thi ở địa phương cùng với tăng cường giám sát của Bộ. Không đặt giả thiết chấp nhận cụm thi này thì nghiêm, cụm kia không nghiêm”.

Về cơ hội vào đại học của những học sinh chỉ thi theo cụm do địa phương chủ trì, theo ông Luận: "Cơ hội với các cháu thi cụm ở địa phương không đóng lại vì có những trường đại học tuyển sinh riêng có quyền dùng kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển và Bộ không ngăn cấm điều này. Cơ sở giáo dục đại học nào dùng kết quả thi cụm địa phương thì chúng tôi sẽ công bố công khai".

Không bắt các trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi

Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu kết luận phiên giải trình: "Kỳ thi này thực chất là kỳ thi tốt nghiệp THPT và nhiệm vụ đặt ra là phải làm tốt để các trường đại học có thể sử dụng kết quả ấy".

Ông Thi cũng khẳng định: "Ý kiến cho rằng các trường đại học buộc phải sử dụng kết quả kỳ thi này là không đúng, vì các trường tuyển sinh để đáp ứng phù hợp yêu cầu ngành nghề đào tạo. Luật Giáo dục Đại học cũng giao quyền tự chủ cho các cơ sở đại học. Chúng tôi khẳng định kỳ thi này chỉ bắt buộc với mục đích tốt nghiệp THPT chứ không bắt buộc với tuyển sinh đại học nên các trường đại học có theo thì cũng là tự nguyện và tự chủ của họ. Nếu coi đây là pháp lệnh và bắt các trường phải theo là không đúng với luật Giáo dục Đại học và nghị quyết 29”.

Giáo sư Thi cũng đề nghị, Bộ Giáo dục - Đào tạo phải cân nhắc sẽ xảy ra tình huống lách vào đại học bằng con đường tránh cụm thi do đại học chủ trì, chỉ thi ở cụm thi địa phương và sau đó dùng kết quả này để xét tuyển vào các trường đại học. “Bộ cần loại trừ hoàn toàn những trường đại học đã dùng kết quả cụm thi do trường đại học chủ trì, thì tuyệt đối không được xét kết quả cụm thi địa phương tổ chức nữa”, ông Thi nêu rõ.

Ông Thi cũng nhận định việc có thêm một loại cụm thi do Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trì chỉ nhằm mục đích công nhận tốt nghiệp THPT là “điểm yếu” mà Bộ cần phải nghiên cứu các giải pháp khắc phục tối đa. “Nếu tổ chức cụm thi địa phương chỉ nhằm tạo điều kiện cho học sinh miền núi khó khăn thì tại sao không khoanh vùng vào đối tượng này thôi mà lại mở rộng ra toàn quốc. Tôi đề nghị cho những học sinh này thi ngay ở địa phương, sao phải bắt đi thêm hàng trăm km để thi ở cụm nữa để làm gì", ông Thi nêu vấn đề.

Nguồn: Theo Thanh niên

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

8 bình luận: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải đáp thắc mắc về kỳ thi THPT quốc gia 2015

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH