Đào tạo nhân lực địa phương: Vẫn còn nhiều vướng mắc

Chủ trương đào tạo nhân lực cho các địa phương cho đến thời điểm này vẫn còn nhiều vướng mắc cần được giải quyết.

Chưa biết thực hiện thế nào

Ngày 20.9 vừa qua, Bộ GD-ĐT ban hành công văn gửi UBND tỉnh thành thuộc các khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ và các cơ sở giáo dục ĐH về kế hoạch tuyển sinh năm 2013 cho khu vực này.

Theo đó, riêng trình độ ĐH nhóm ngành sức khỏe, khoa học giáo dục - đào tạo giáo viên, luật và báo chí, năm nay Bộ đã giao 760 chỉ tiêu cho 10 trường ĐH và học viện. Bên cạnh đó, hàng loạt trường ĐH cũng được giao nhiệm vụ đào tạo các ngành khác, như: Lâm nghiệp, Thương mại, Văn hóa TP.HCM, Kinh tế TP.HCM, Học viện Tài chính... Lần này có thêm nhiều trường so với năm 2012.

   

Là năm đầu tiên được giao nhiệm vụ đào tạo cho 3 khu vực này, đại diện Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tỏ ra khá bối rối. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết đến thời điểm này trường vẫn chưa nhận được chỉ đạo chính thức từ Bộ, các địa phương cũng chưa có phản hồi gì. Bộ cũng không quy định mốc thời gian tuyển sinh cụ thể nên việc triển khai muộn như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến quá trình đào tạo của các trường.

Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay đây là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đào tạo này. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có thông tin cụ thể. ĐH này dự kiến chỉ tuyển sinh một số ngành ở 3 trường thành viên gồm: Kinh tế - Luật, Bách khoa, Khoa học xã hội và nhân văn.

 Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tài chính - Marketing
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tài chính - Marketing. Năm nay lần đầu tiên trường này đào tạo nhân lực cho khu vực Tây nguyên và Tây Nam bộ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sợ không có nguồn tuyển

Điều các trường lo ngại nhất hiện nay chính là nguồn tuyển. Theo thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, ngay khi biết thông tin này trường đã liên lạc với các sở GD-ĐT nhưng chưa có sở nào triển khai. Ông Lê Quang Hảo, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau, cũng đồng quan điểm: “Việc tuyển sinh đào tạo nhân lực thời điểm này quá chậm trễ. Dù chưa hết thời gian xét tuyển nhưng những thí sinh có điểm trên sàn hầu hết đã trúng tuyển và nhập học vào các trường khác. Do vậy, tôi nghĩ làm gì còn thí sinh có điểm thi thấp hơn 2 điểm so với điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 các ngành để xét tuyển”.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho biết đến nay chưa thấy địa phương nào gửi danh sách thí sinh. Theo thạc sĩ Đương: “Năm 2012 trường được Bộ giao nhiệm vụ đào tạo 50 chỉ tiêu khu vực Tây nguyên nhưng cuối cùng không có địa phương nào gửi danh sách!”.

Có ràng buộc khi tốt nghiệp?

Thực chất đây là cách thức tuyển sinh và đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Năm 2011, theo văn bản hướng dẫn của Bộ, hình thức đào tạo này áp dụng cho các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số. Đến năm 2012, việc tuyển sinh và đào tạo này chỉ dành riêng cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ.

Điểm khác biệt lớn nhất trong đào tạo này so với trước kia là kinh phí đào tạo. Nếu trước đây, người được cử đi học sẽ được địa phương hỗ trợ kinh phí đào tạo thì nay chi phí đào tạo do địa phương và người học chi trả trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan. Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2012 và 2013 của nhiều tỉnh như: Tuyên Quang, Đồng Tháp, Cà Mau..., người đi học sẽ phải đóng toàn bộ kinh phí. Mức học phí theo diện này tính theo ngoài ngân sách nên khá cao. Chẳng hạn năm 2012, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ là 21 triệu đồng, năm 2013 Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM là 28 triệu đồng...

Điều đáng nói chính là trách nhiệm của người học sau khi tốt nghiệp. Theo quy định, đối tượng tuyển sinh trình độ ĐH, CĐ phải có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên tại các tỉnh thành trong khu vực, có nguyện vọng và cam kết sau khi tốt nghiệp về làm việc tại địa phương. Tuy nhiên, lãnh đạo một địa phương cho biết người học đóng kinh phí mà số tiền này lớn hơn nhiều so với học phí bình thường theo quy định của nhà nước nên dù được tỉnh cử đi học, nhưng nếu người học không làm việc theo công việc được bố trí cũng không bị ràng buộc.

Nếu thực tế diễn ra đúng như vậy, thì sẽ có những người được hưởng ưu đãi đầu vào tuyển sinh và hỗ trợ trong đào tạo để về phục vụ địa phương có thể sẽ không quay về địa phương làm việc. Như vậy, việc tuyển sinh đào tạo nhân lực cho khu vực sẽ không còn ý nghĩa.

Đó là chưa kể đến nỗi lo về chất lượng của những đối tượng này. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương nói: “Sinh viên được ưu tiên đầu vào nhưng ra trường nhất thiết phải theo mặt bằng chung. Nếu đầu vào thấp, người học sẽ rất khó khăn để có thể tốt nghiệp”. Vì thế, nhiều người vẫn cho rằng hình thức đào tạo này không nên thực hiện ở các ngành như: y dược, sư phạm, kiến trúc.

Đầu vào thấp hơn 2 điểm

Đối tượng tuyển sinh là thí sinh đã tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy do Bộ tổ chức, có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên tại các tỉnh thành trong khu vực, có nguyện vọng và cam kết sau khi tốt nghiệp về làm việc tại địa phương, ưu tiên xét tuyển những thí sinh thuộc diện chính sách. Điểm tối thiểu đăng ký xét tuyển thấp hơn 2 điểm so với điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 của ngành học nhưng không thấp hơn điểm sàn (riêng ngành y đa khoa tối thiểu 22 điểm). Các trường tham gia đào tạo được bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh tối đa là 5% tổng chỉ tiêu chính quy đã xác định, trong đó mỗi ngành không vượt quá 10%.

Theo ThanhNien

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Từ khóa: tuyen sinh 2013

Viết bình luận: Đào tạo nhân lực địa phương: Vẫn còn nhiều vướng mắc

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH