Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn 2015 THPT Hàn Thuyên (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn 2015 THPT Hàn Thuyên (Lần 2), có đáp án. Các em tham khảo bên dưới:

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn 2015 THPT Hàn Thuyên (Lần 2)

Câu 1: (2 điểm)
          “... Với một tốc độ truyền tải như vũ bão, Internet nói chung, Facebook nói riêng   hàm chứa nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí độc hại. Vì thế,   nó cực kì nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng xấu đến chính trị, kinh tế, đạo đức … và nhiều mặt của đời sống, có thể gây nguy hại cho quốc gia, tập thể hay các cá nhân. Do được sáng tạo trong môi trường ảo, thậm chí nặc danh nên nhiều “ngôn ngữ mạng” trở nên vô trách nhiệm, vô lương tâm và vô văn hóa… Không ít kẻ tung lên Facebook những ngôn ngữ tục tĩu, bẩn thỉu nhằm nói xấu, đả kích, thóa mạ người khác. Chưa kể đến những hiện tượng xuyên tạc tiếng Việt, viết tắt, kí hiệu đến kì quặc, tùy tiện đưa vào văn bản những chữ z, f, w vốn không có trong hệ thống chữ cái tiếng Việt, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt…

         Facebook kết nối thế giới ảo nhưng lại làm xói mòn và ảnh hưởng đến cách con   người giao tiếp, thể hiện tình cảm. Nhiều bạn trẻ mải nói chuyện với người trên mạng mà quên giao tiếp với người thân, chỉ đắm chìm trong thế giới ảo mà thờ ơ, dửng dưng với mọi người, không muốn và không biết cách giao tiếp, thậm chí mất niềm tin nơi cuộc đời thực, có khi dẫn đến mặc cảm trong cô đơn, thu mình lại. Nhiều ông bà, cha mẹ thấy cô đơn khi con cháu họ chỉ “ôm” điện thoại, laptop…”

(Trích “Bàn về Facebook với học sinh”, Lomonoxop. Edu.vn>Tin tức)


a) Đoạn văn bản trên được viết theo phương thức biểu đạt nào là chính?
b) Đoạn văn bản đề cập đến những tác hại nào của mạng xã hội Facebook?
c) Bên cạnh tác hại khó lường, Facebook cũng có những tác dụng hữu ích.   Anh/chị hãy tưởng tượng mình là tác giả bài viết trên để viết tiếp một đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) bàn về việc sử dụng mạng xã hội Facebook sao cho hiệu quả.

Câu 2: (3 điểm)

Các bạn học sinh lớp 12 khi được hỏi “sẽ chọn nghề gì để làm hồ sơ dự thi vào
các trường đại học?”, có bạn trả lời: “Mình sẽ chọn nghề mà sau này có thể kiếm được
thật nhiều tiền”, bạn khác lại cho rằng: “Sẽ chọn nghề mà mình yêu thích”.
Anh/chị có suy nghĩ gì trước những ý kiến trên? Hãy trình bày quan điểm của  mình bằng một bài văn ngắn.

Câu 3: (5 điểm)
Đã từng có ý kiến cho rằng: Bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu vừa là khúc tìnhca ca ngợi nghĩa tình cách mạng sâu nặng, sắt son; vừa là bản hùng ca tráng lệ về một Việt Bắc anh hùng trong kháng chiến.
Qua đoạn trích học, anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

-----------Hết-----------

Đáp án Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn 2015 THPT Hàn Thuyên (Lần 2)

Câu 1: (2 điểm)

*) Yêu cầu chung:
- Thí sinh cần thể hiện năng lực đọc - hiểu một đoạn văn bản thuộc loại văn   bản nhật dụng.
- Đề chỉ yêu cầu đọc - hiểu một số khía cạnh của đoạn văn bản. Cảm nhận   của học sinh có thể phong phú nhưng cần nắm bắt được yêu cầu của câu hỏi và vận dụng vào tình huống thực tế.
*) Yêu cầu cụ thể:
a) Đoạn văn bản viết theo phương thức lập luận (còn gọi: nghị luận) là   chính. 0.5đ
(Lưu ý: Đoạn văn bản sử dụng kết hợp phương thức lập luận và biểu cảm nhưng lập luận
là phương thức chính. Thí sinh nêu chính xác, GK mới cho điểm)
b) Đoạn văn bản đề cập đến những tác hại của mạng xã hội Facebook: 0.5đ
- Facebook chứa nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật gây  nguy hại đến nhiều mặt đời sống của quốc gia, tập thể hoặc cá nhân.
- Gây ảnh hưởng xấu đến sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt.
- Mở rộng giao tiếp ảo và khiến giao tiếp thực tế bị thu hẹp, làm ảnh hưởng   đến đời sống tâm lí của con người.
c) HS thể hiện kĩ năng viết đoạn văn: diễn đạt theo kiểu diễn dịch (hay quy   nạp, tổng phân hợp …) và trình bày ngắn gọn suy nghĩ của mình theo hướng: 0.5đ
- Tuổi trẻ cần nhận thức rõ mặt lợi, hại của Facebook để luôn là người   dùng thông minh, hiệu quả, hướng đến cái đẹp, lành mạnh, có ích.
- Chỉ dùng Facebook một cách có mức độ cần thiết, không kết bạn dễ dãi,  không đưa lên đó những nội dung xấu, tuyệt đối không làm ảnh hưởng xấu tới người khác.
- Không để lộ mình quá nhiều. Phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Câu 2: (3 điểm)

*) Yêu cầu chung:
- Thí sinh cần thể hiện năng lực viết bài nghị luận xã hội; phải huy động   những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ, ý kiến của mình để làm bài.
- Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn   cứ xác đáng; được tự do bày tỏ ý kiến của mình, nhưng phải có thái độ chân 
thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
*) Yêu cầu cụ thể:
1) Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận. Khẳng định tầm quan trọng của việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh cuối cấp: Quyết định đến tương lai,hạnh phúc của bản thân, ảnh hưởng tới cả gia đình và xã hội. 0.5đ
2) Bàn luận về những quan điểm chọn nghề của học sinh lớp 12 
- Thanh niên, học sinh ngày nay có rất nhiều quan niệm về việc lựa chọn  nghề nghiệp, thậm chí có những quan niệm đối lập nhau. Việc đó tưởng chừng đơn giản, nhưng thực ra lại rất quan trọng bởi nó thể hiện quan điểm sống, lí tưởng sống của tuổi trẻ. 0.5đ
- Bàn luận về tính hai mặt của những quan niệm chọn nghề nêu trên:
a) Chọn nghề kiếm ra thật nhiều tiền: 0.5đ
+ Tiền rất quan trọng trong cuộc sống mỗi con người: Thỏa mãn nhu cầu  cá nhân, tạo lập hạnh phúc, giải quyết công việc, giúp đỡ người thân, góp phần xây dựng đất nước… Mọi nghề nghiệp suy cho cùng cũng là kiếm tiền
để phục vụ cuộc sống.
+ Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả, có nhiều thứ không thể mua bằng   tiền như: Danh dự, uy tín, hạnh phúc, lòng nhân ái …Do vậy, chọn nghề chỉ với mục đích kiếm tiền con người sẽ trở nên thực dụng, toan tính, cơ hội.
Hơn nữa, nghề nghiệp đó mà bản thân không có khả năng, hoặc không yêu  thích nó, thì sẽ khó thoát khỏi áp lực, trở thành gánh nặng suốt đời.
b) Chọn nghề mình yêu thích: 0.5đ
+ Sẽ có nhiều hứng thú, niềm vui và sự say mê, sáng tạo trong công việc; hiệu quả công việc rõ rệt, thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
+ Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu cá nhân ngày một  nâng cao, nếu chỉ chú ý đến yêu thích mà không chú ý đến thu nhập và khả năng của bản thân thì sẽ khó duy trì được tình yêu đối với nghề nghiệp của mình.
(Mỗi ý cần có dẫn chứng minh họa hòa lồng với lí lẽ)
3) Quan điểm chọn nghề của bản thân. 1.0đ
- Quan tâm đến sở thích cá nhân và mức thu nhập sau khi được nhận việc.  (kết hợp cả hai quan niệm trên)
- Cần phải căn cứ vào năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình, nhu cầu của  xã hội đối với ngành nghề đó…khắc phục tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.
- Chọn nghề theo yêu cầu của quê hương, đất nước. Tâm huyết với những  nghề nghiệp hữu ích với gia đình, quê hương…, ta sẽ tìm thấy niềm vui, sự hứng thú và lợi ích thiết thực; ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Câu 3: (5 điểm)

*) Yêu cầu chung:
- Thí sinh cần thể hiện năng lực viết bài nghị luận văn học; phải huy động  kiến thức về tác phẩm, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.
- Thí sinh có thể cảm nhận theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ,  có căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản.
*) Yêu cầu cụ thể:
A) Đặt vấn đề: 0.5đ
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu nội dung ý kiến trên và nét độc đáo riêng của thi phẩm.
B) Giải quyết vấn đề:
1)“Việt Bắc” là khúc tình ca ca ngợi nghĩa tình cách mạng sâu nặng,
sắt son. 2.0 đ
- Bài thơ ra đời gắn với một sự kiện chính trị: Cơ quan TƯ của Đảng và   chính phủ rời Việt Bắc về Hà Nội. Tố Hữu đã sáng tạo thành khúc hát giao duyên, câu chuyện tâm tình. Vì thế, bài thơ như một khúc tình ca, bao trùm là nỗi nhớ thiết tha.
- Việt Bắc được kết cấu theo lối đối đáp giao duyên của ca dao: Giữa hai   nhân vật “mình – ta” (lời đối đáp giữa người đi và kẻ ở)
Mình về mình có nhớ ta/ Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Nhắc lại những kỉ niệm, hồi ức đẹp của những tháng ngày gian khổ  trong “mười lăm năm kháng chiến” gắn bó với vùng đất cách mạng.
- Khắc sâu trong nỗi nhớ của người cán bộ cách mạng về xuôi là hình ảnh:
Cảnh và Người Việt Bắc.
+ Thiên nhiên Việt Bắc vừa thực, vừa thơ mộng: Có ánh trăng lên đầu núi, sương sớm, nắng chiều; núi, rừng, sông, suối,…với những cái tên quen thuộc; với cảnh đẹp bốn mùa: đông, xuân, hạ, thu.
+ Con người Việt Bắc: Bình dị, cần cù trong lao động; thủy chung, ân  nghĩa với cách mạng. Đó là sự đồng cam cộng khổ, cùng chung niềm vui và cùng gánh vác những nhiệm vụ nặng nề của cách mạng, của dân tộc.
- Âm điệu thơ lục bát nhẹ nhàng, ngân nga; ngôn ngữ giản dị mà giàu hình   ảnh; những biện pháp nghệ thuật quen thuộc trong thơ ca dân tộc (ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, liệt kê, lặp, đối…) đã làm sáng lên vẻ đẹp trong truyền thống đạo lí của dân tộc Việt Nam: Uống nước nhớ nguồn; đùm bọc, yêu thương; đoàn kết…
2)“Việt Bắc” là bản hùng ca tráng lệ về một Việt Bắc anh hùng trong
kháng chiến. 2.0 đ
- Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện được tái hiện sinh động. Việt Bắc  hiện lên như một dũng sĩ hiên ngang; các ngả đường tiến quân “rầm rập” như gọng kìm xiết chặt quân thù.
- Bức tranh Việt Bắc ra quân giữa một không gian núi rừng rộng lớn:
Những đoàn người tấp nập: Bộ đội, dân công, những đoàn xe… Tiến ra  trận có đủ mọi tầng lớp, là khối đoàn kết toàn dân tộc:

Quân đi điệp điệp trùng trùng/ Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn/ Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay.
Hình ảnh kì vĩ, âm thanh hào hùng, sôi nổi, khí thế náo nức, khẳng định  sức mạnh của một dân tộc.
- Những kì tích, những chiến công gắn với những địa danh, với tên đất, tên   núi: Phủ Thông, đèo Giàng, sông Lô, phố Ràng, Cao – Lạng, Điện Biên,…
 - Việt Bắc là quê hương cách mạng, là căn cứ địa vững chắc, đầu não của  cuộc kháng chiến chống Pháp.
- Bằng những biện pháp nhân hóa, cường điệu; bút pháp lãng mạn kết hợp  khuynh hướng sử thi… tạo nên những hình ảnh kì vĩ, bay bổng.
Vẫn là thể thơ lục bát nhưng Tố Hữu lại biến hóa từ giọng điệu tha thiết, êm   ái thành giọng điệu hào hùng, sảng khoái sáng tạo hiếm có ở thể thơ này.
C) Kết thúc vấn đề: 0.5đ
- Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến trên và sáng tạo độc đáo của nhà thơ   Tố Hữu.
- Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích nói riêng, của thơ  Tố Hữu nói chung và sức sống của tác phẩm trong lòng độc giả.


Lưu ý: Có thể thí sinh chỉ phân tích bài thơ chung chung mà không bám sát   yêu cầu của đề; hoặc chỉ làm rõ được một luận điểm (tức là phân tích, chứng minh được 1 nửa đoạn trích). Trường hợp đó, nếu diễn đạt tốt, lời văn có hình ảnh thì giám khảo cho tối đa 3 điểm. Còn lại chỉ cho dưới 3 điểm.

thi.tuyensinh247.com tiếp tục cập nhật đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 của các trường. Các em thường xuyên theo dõi.

Nguồn: Trường THPT Hàn Thuyên

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Viết bình luận: Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn 2015 THPT Hàn Thuyên (Lần 2)

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247