Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 59

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn của các trường trên cả nước năm 2012.

I. trắc nghiệm

1. Điền từ còn thiếu vào chỗ trống để hoàn chỉnh một khái niệm từ loại Tiếng Việt.

“……………………………… là những từ chuyên đi kèm một từ ngữ trong câu để nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ đánh giá đối với sự vật, sự việc được nói đến ở từ ngữ đó”.

2. Trong câu thơ sau sử dụng biện pháp tu từ nào ? Khoanh tròn vào đáp án đúng.

“Bà về năm đói làng treo lưới

Biển động, Hòn Mê giặc bắn vào”

(Mẹ Tơm – Tố Hữu)

A. ẩn dụ                          B. Hoán dụ

C. Cường điệu                            D. Nói giảm, nói tránh

3. Điền các từ còn thiếu vào chỗ trống trong đoạn văn sau :

“Nguyên Hồng (1918 – 1982) tên khai sinh là………………………..,quê ở thành phố ……………………………..Trước Cách mạng, ông sống chủ yếu ở thành phố cảng …………………………., trong một xóm lao động nghèo.

“………………………………………………….” là tập hồi kí kể về tuổi thơ cay đắng của tác giả. Đoạn trích “…………………………………………………..” là chương IV của tác phẩm.

4. Trong bài thơ “Nhớ rừng” (Thế Lữ) sự tương phản, đối lập gay gắt giữa hai thế giới, hai cảnh tượng : vườn bách thú chật hẹp và núi rừng hùng vĩ có ý nghĩa thể hiện điều gì ? Khoanh tròn vào đáp án đúng nhất.

A. ý thức của nhân vật trữ tình về sự thiếu thống nhất của hiện thực.

B.  Nỗi bất hoà sâu sắc với thực tại và niềm khao khát tự do mãnh liệt của nhân vật trữ tình.

C. Sự phủ nhận cuộc sống trước mắt của nhân vật trữ tình.

D. Mơ ước được “tháo cũi sổ lồng” để sống với những gì mình mong muốn của nhân vật trữ tình.

II. tự luận

Nạn phá rừng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. ý kiến của em về vấn đề này.

Đáp án 

I. trắc nghiệm

Câu 1: Trợ từ.

Câu 2: D

Câu 3: Lần lượt là các từ sau : Nguyễn Nguyên Hồng, Nam Định, Hải Phòng, Những ngày thơ ấu, Trong lòng mẹ.

Câu 4: B

II. tự luận

Dàn bài

Mở bài :

Con người đã nỗ lực để tạo nên rất nhiều những giá trị có ý nghĩa để làm giàu đẹp thêm cuộc sống của mình. Thế nhưng bên cạnh đó cũng chính con người đang tự huỷ hoại đi rất nhiều những giá trị mà mà mình đang có. Nạn phá rừng là minh chứng tiêu biểu nhất. Đã đến lúc tất cả chúng ta không thể dửng dưng trước vấn đề này.

Thân bài :

1. Rừng được ví là lá phổi xanh của trái đất. Thế nhưng, lá phổi này đang ngày càng nhỏ đi. ở Việt Nam, hàng năm có hàng chục ngàn ha rừng bị phá huỷ. Những cánh rừng xanh thẫm, những khu rừng nguyên sinh giàu có giờ chỉ còn là vùng đất trống đồi trọc, phơi ra những gốc cổ thụ trơ trọi, những thảm thực vật cằn cỗi. Những xe gỗ vẫn lặng lẽ đều đặn di chuyển về xuôi và những cánh rừng cũng lặng lẽ biến mất, để lại những khoảng trống ngày càng lớn trên bề mặt trái đất của chúng ta.

2. Rất dễ thấy nguyên nhân của vấn đề này. Người ta chặt rừng để lấy gỗ bán và lấy đất canh tác. Rừng bảo vệ che chở cho con người nhưng đang bị tàn phá bởi chính lòng tham và sự thiếu ý thức, thiếu nhận thức của con người.

3. Khi những cánh rừng bị tàn phá và biến mất, hậu quả không hiện ra cụ thể và ngay lập tức. Nó sẽ đến rất từ từ, nhưng sẽ rất lâu dài và khủng khiếp.

Rừng trả lại cho trái đất một bầu không khí trong lành. Hiện nay, bầu không khí đang bị ô nhiễm và vẩn đục bởi bộ máy thanh lọc nó đang trở nên yếu đi. Hạn hán, lũ lụt, thiên tai ngày càng tăng cũng bởi một phần từ đó.

Rừng bị tàn phá dẫn đến hiệu ứng nhà kính và trái đất của chúng ta đang ngày càng nóng lên, những khối băng khổng lồ ở hai địa cực có nguy cơ tan chảy. Sự cân bằng sinh thái bị phá huỷ và con người sẽ sống như thế nào khi môi trường tự nhiên không còn.

Như vậy, phá rừng để lấy gỗ và lấy đất, cái lợi là dành cho một vài người nhưng cái hại là dành cho tất cả. Sự tồn tại của trái đất giữa vũ trụ đang bị đe doạ bởi chính bàn tay con người.

4. Cần phải ngăn chặn ngay tình trạng này. Tất cả mọi người trong xã hội phải ý thức sâu sắc về sự nguy hiểm và mức độ nghiêm trọng của nạn phá rừng hiện nay, từ đó có chung một thái độ cương quyết trong việc bảo vệ rừng. Làm ngơ, tiếp tay cho bọn buôn gỗ lậu cũng chính là đang khuyến khích cho nạn phá rừng ngày càng phát triển. Nhưng cũng cần có thêm nhiều biện pháp cứng rắn và chặt chẽ hơn trong vấn đề này, cần kiên quyết xử lí những kẻ trực tiếp và gián tiếp phá rừng, giúp dân từ bỏ thói quen canh tác lạc hậu. Đồng thời, việc trồng rừng để bổ sung diện tích rừng bị phá, phủ xanh đất trống đồi trọc, nhân thêm nhiều cánh rừng mới là một việc làm rất hiệu quả và là việc phải làm của con người.

Kết bài :

Hãy thử tưởng tượng, đến một ngày nào đó, trên trái đất sẽ không còn một cánh rừng nào, con người sẽ phơi mình ra dưới mặt trời nóng bỏng và cuồng phong của vũ trụ. Và liệu sau đó trong tương lai, trái đất có còn là hành tinh của sự sống nữa hay không ? Bảo vệ những cánh rừng chính là bảo vệ bản thân cuộc sống của mỗi chúng ta.

Viết bình luận: Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 59

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247