Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 61

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn của các trường trên cả nước năm 2012.

I. trắc nghiệm

1. Bài thơ Đồng chí viết về đề tài gì ?

A. Tình đồng chí, đồng đội

B. Tình quân dân

C. Tình anh em

D. Tình bạn bè

2. Trong bài thơ Đồng chí, tình đồng chí, đồng đội được biểu hiện cụ thể ở những phương diện nào ? Khoanh tròn chữ cái ở câu đúng.

A. Thể hiện ở sự cảm thông sâu sắc với những tâm tư nỗi lòng của nhau.

B. Thể hiện ở việc cùng nhau chia sẻ những gian lao, thiếu thốn trong cuộc sống chiến đấu gian khổ.

C. Thể hiện ở sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, giúp nhau có thêm sức mạnh để vượt qua mọi gian khổ, thử thách.

D. Cả A, B, C đều đúng.

3. Tìm trong bài Đồng chí đoạn thơ vẽ nên bức tranh về tình đồng chí, đồng đội, một biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ ?

a) Đoạn thơ : ………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………………………………….

b) Hình ảnh Đầu súng trăng treo có ý nghĩa tả thực hay biểu tượng ?

A. Tả thực

B. Biểu tượng

C. Vừa tả thực, vừa biểu tượng

D. Cả A, B, C đều sai

c) Bằng một câu ngắn gọn, em hãy nêu ý nghĩa của hình ảnh Đầu súng trăng treo :………………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………………

4. Khoanh tròn vào nhận xét đúng về từ Hán Việt.

A. Từ Hán Việt là từ mượn  của tiếng nước ngoài.

B. Là từ mượn của tiếng Hán, nhưng được phát âm và dùng theo cách dùng từ của tiếng Việt.

C. Là từ do ông cha ta sáng tạo ra.

D. Cả A, B, C đều đúng.

5. Điền đúng (Đ) hoặc sai (S) vào ô trống cuối mỗi nhận định sau :

A. Trong tiếng Việt, có một khối lượng khá lớn từ Hán Việt.

B. Trong tiếng Việt, từ mượn tiếng Châu Âu chiếm khoảng 60 %.

C. Từ Hán Việt trở thành một bộ phận quan trọng của tiếng Việt.

D. Trong tiếng Việt khối lượng từ  Hán Việt rất ít được sử dụng.

6. Gạch chân các từ Hán Việt trong đoạn thơ sau :

Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.

Gần xa nô nức yến anh

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

7. Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi :

Chao ôi ! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn ; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương ; không bao giờ ta thương… Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác nữa đâu ? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỷ che lấp mất. Tôi biết vậy, nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận.

(Nam Cao, Lão Hạc)

a) Lời văn trong đoạn trích trên là của ai ? :……………………………………………………

b) Người ấy đang thuyết phục ai ? : ………………………………………………………………

c) Thuyết phục điều gì ? : ……………………………………………………………………………

II. tự luận

1. Vẻ đẹp của người lính trong khổ cuối bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.

2. Từ hiểu biết về bài Đồng chí của Chính Hữu, em hãy viết một đoan văn theo luận đề: Đồng chí mang một vẻ đẹp của thời đại mới.

 

Đáp án 

I. trắc nghiệm

Câu Nội dung trả lời
1 A
2 D
3 a) Đêm nay rừng hoang sương muối

 

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo

b) Chọn C

c) Đó là hình ảnh thực những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng với người lính như người bạn, chất chiến đấu và trữ tình, thực tại và thơ mộng, thi sỹ và chiến sỹ.

4 B
5 A, C – Đúng ;        B, D – Sai
6 Thanh minh, tiết, tảo mộ, đạp thanh, yến anh, bộ hành, tài tử giai nhân, nêm
7 a) Lời ông giáo

 

b) Thuyết phục chính mình

c) Thuyết phục rằng : vợ mình không ác để chỉ buồn chứ không nỡ giận.

II. tự luận

1. Vẻ đẹp của người lính trong khổ thơ cuối bài Đồng chí (Chính Hữu)

Bài làm

Là người lính thuộc trung đoàn thủ đô rồi trở thành nhà thơ quân đội, Chính Hữu chủ yếu viết về người lính và hai cuộc kháng chiến. Đồng chí được sáng tác năm 1948, là bài thơ thành công nhất của ông. Cả bài thơ thể hiện rõ tình đồng đội, đồng chí gắn bó keo sơn của những chiến sĩ quân đội nhân dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

Bài thơ mở đầu bằng những câu thơ mộc mạc, giản dị, chân chất khi tác giả giới thiệu về quê hương của các anh bộ đội. Các anh mỗi người một quê – những vùng quê nghèo khó – song đã về đây để cùng tham gia kháng chiến, cùng chịu đựng gian khổ, chung lưng đấu cật bên nhau

Cuộc sống người lính vất vả biết bao nhiêu. Nào : áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá... Lại nữa, những đêm trời rét chỉ có một mảnh chăn mỏng hay những cơn sốt rét rừng hành hạ… Vượt lên trên tất cả những khó khăn đó để “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay“. Chính đôi tay nắm chặt ấy đã nói lên ý nghĩa thiêng liêng, cao đẹp của tình đồng đội, của ý chí quyết tâm đánh giặc

Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh đặc sắc :

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo

Ba câu thơ là bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ. Trong bức tranh trên, nổi bật là ba hình ảnh gắn kết với nhau : Người lính, khẩu súng, vầng trăng giữa cảnh rừng hoang sương muối phục kích giặc. Sức mạnh của tình đồng đội đã giúp họ vượt lên tất cả những khắc nghiệt của thời tiết và mọi gian khổ, thiếu thốn. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ. Hình ảnh Đầu súng trăng treo là hình ảnh đẹp nhất vì nó vừa là hình ảnh thực vừa là hình ảnh tượng trưng

Tác giả Chính Hữu đã từng nói : “Đầu súng trăng treo, ngoài hình ảnh, bốn chữ này còn có nhịp điệu như lắc của một cái gì lơ lửng chông chênh trong sự bát ngát. Nó nói lên một cái gì lơ lửng ở rất xa chứ không phải là buộc chặt, suốt đêm vầng trăng ở bầu trời cao xuống thấp dần và có lúc như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng như một người bạn” Đó là hình ảnh thực của cuộc kháng chiến, của những người lính khi chờ giặc tới.

Ngoài tả thực, hình ảnh “Đầu súng trăng treo” còn mang ý nghĩa tượng trưng. Đó là sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn, vừa thực, vừa mơ, vừa xa vừa gần, vừa mang tính chiến đấu, vừa mang tính trữ tình. Vừa chiến sĩ vừa thi sĩ. Đây là hình ảnh tượng trưng cho tình cảm trong sáng của người chiến sĩ. Mối tình đồng chí đang nảy nở, vươn cao, tỏa sáng từ cuộc đời chiến đấu. Hình ảnh thơ thật độc đáo, gây xúc động bất ngờ, thú vị cho người đọc. Nó nói lên đầy đủ ý nghĩa cao đẹp của mục đích lí tưởng chiến đấu và tình nghĩa thiêng liêng của anh bộ đội Cụ Hồ.

Với nhịp chậm, giọng thơ hơi cao, ba câu thơ cuối của bài một lần nữa khắc họa chân thực mà sâu sắc về hình ảnh người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

Tình cảm đồng chí, đồng đội là tình cảm thiêng liêng cao đẹp nhất của những người lính. Đó là sức mạnh giúp họ vượt qua tất cả mọi khó khăn trở ngại, mọi thiếu thốn để chiến thắng kẻ thù. Bài thơ Đồng chí đặc biệt là ba câu kết như một lời nhắn nhủ với mọi người : Hãy biết nâng niu và gìn giữ những tình cảm đẹp trong cuộc sống, phải biết kính trọng những người lính

2. Từ hiểu biết về bài Đồng chí của Chính Hữu, em hãy viết một đoạn văn theo luận đề “Đồng chí mang một vẻ đẹp của thời đại mới“.

Bài làm

Vẻ đẹp của thời đại mới trong hình tượng thơ ở đây là tình đồng chí, đồng đội gắn với giai cấp của người lính. Cả bài thơ khai thác đời sống nội tâm, tình cảm của người lính. Vẻ đẹp của bài thơ Đồng chí là vẻ đẹp đời sống tâm hồn người lính, nơi phát ra vầng ánh sáng lung linh nhất là tình đồng chí đồng đội : “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay“. Chỉ cần thương nhau tay nắm lấy bàn tay là đủ hơi ấm để chống chọi với cái rét run người nơi đại ngàn. Những đêm rừng hoang sương muối… Trong cái cầm tay nhau ấy, hình ảnh đất nước và tinh thần đoàn kết giai cấp được diễn đạt thật cao đẹp, cô đọng và thuyết phục. Chính tình cảm cao đẹp và lí tưởng sáng ngời “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” đó mà những người lính được nâng lên tầm cao khái quát trong đó có sự hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn, trữ tình. Đầu súng trăng treo mang ý nghĩa sâu sắc cho tinh thần thời đại.

Viết bình luận: Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 61

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247