Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 68

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn của các trường trên cả nước năm 2012.

I. trắc nghiệm

Bài tập 1

Trả lời câu hỏi  về tác giả Nguyễn Khoa Điềm và Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.

1. Điền Đ (đúng) hoặc S (sai)vào ô trống cuối mỗi nhận định sau :

A. Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 tại xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên  Huế.

B. Ông thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong chống Pháp.

C. Ông là nhà thơ tiêu biểu trong thời chống Mĩ.

D. Thơ ông giàu chất suy tư, cảm xúc dồn nén.

E. Ông là ủy viên Bộ chính trị, trưởng ban tư tưởng văn hóa Trung Ương khoá IX.

G. Là con trai của nhà lí luận Hải Triều.

2. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ :

A. Năm 1971, khi tác giả đang công tác ở chiến khu miền Tây tỉnh Thừa Thiên.

B.Năm 1969 khi tác giả đang công tác tại Quảng Nam.

C. Năm 1970, khi tác giả mới tốt nghiệp đại học.

3. Bố cục bài thơ có gì đặc biệt. Khoanh tròn vào chữ cái ý em chọn.

A. Bài thơ chia làm hai đoạn, mỗi đoạn mở đầu bằng lời ru trực tiếp và kết thúc cũng bằng lời ru trực tiếp của người mẹ.

B. Bài thơ chia làm ba đoạn, mỗi đoạn có hai khổ và đều mở đầu bằng hai câu “Em Cu Tai………. đừng rời lưng mẹ” và kết thúc bằng lời ru trực tiếp của người mẹ.

C. Bài thơ chia làm bảy đoạn mỗi đoạn bắt đầu bằng lời ru của mẹ.

4. Hình ảnh người mẹ Tà ôi được tác giả miêu tả trong  những công việc gì ?

A. Mẹ giã gạo, mẹ tham gia sản xuất góp phần nuôi bộ đội kháng chiến.

B. Mẹ tham gia đào hầm nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật.

C. Mẹ cùng các anh trai, chị gái tham gia chiến đấu bảo vệ căn cứ, di chuyển lực lượng để kháng chiến lâu dài.

D. Cả A, C.

5. Từ những công việc của người mẹ cho thấy mẹ là người thế nào?

A. Người mẹ bền bỉ, quyết tâm trong công việc, lao động, kháng chiến thường ngày.

B. Người mẹ thắm thiết yêu con.

C. Người mẹ nặng tình thương dân làng, quê hương, bộ đội, khao khát đất nước độc lập tự do.

D. Cả A, B, C.

Bài tập 2

1. Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi :

áo anh rách vai

Quần tôi có vài miếng vá

Miệng cười buốt giá

Chân không dày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo

(Chính Hữu, Đồng chí)

a) Trong các từ : vai, miệng, chân, tay, đầu, ở đoạn thơ, từ nào được dùng theo nghĩa gốc, từ nào dùng theo nghĩa chuyển ?

- Từ dùng theo nghĩa gốc : …………………………………………………………………………..

- Từ dùng theo nghĩa chuyển : ……………………………………………………………………..

b) Nghĩa chuyển được hình thành theo phương thức ẩn dụ : …………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………

c) Nghĩa chuyển được hình thành theo phương thức hoán dụ : …………………………

…………………………………………………………………………………………………………………

2. Đọc câu văn sau và trả lời câu hỏi :

Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

a) Có thể thay từ phụ nữ (Hán Việt) trong câu trên bằng từ đàn bà (thuần Việt) được không ?

A. Có thể

B. Không thể

b) Nếu thay từ phụ nữ bằng đàn bà trong trường hợp trên thì :

A. Câu văn vẫn giữ nguyên sắc thái biểu đạt

B. Câu văn sẽ mất đi sắc thái trang trọng.

II. tự lụân

1. Phân tích hình ảnh người mẹ trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm

2. Phân tích đoạn thơ :

Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

………………………………………….

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời

(Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ)

 

Đáp án 

I. trắc nghiệm

Bài tập Câu (ý) Nội dung trả lời
1 1 A, C, D, G (đúng) ;    B, E (sai)
2 A
3 B
4 D
5 D
2 1 a) từ dùng theo nghĩa gốc : miệng, chân, tay

 

từ dùng theo nghĩa chuyển : vai, đầu

b) nghĩa chuyển được hình thành theo phương thức ẩn dụ : đầu

nghĩa chuyển được hình thành theo phương thức hoán dụ : vai

2 a) B ;        b) B

II. tự luận

1. Phân tích hình ảnh người mẹ trong bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm

Bài làm

“Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác vào ngày 25 tháng 3 năm 1971, là một trong số những bài thơ hay của ông. Nổi bật trong bài là hình ảnh người mẹ Tà Ôi như là biểu tượng về người mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là một con người rất mực thương con nhưng cũng vô cùng yêu nước. Dường như đứa con yêu quí và đất nước thân thương nuôi con nên người và đánh giặc giải phóng quê hương là những gì trọng đại nhất cao quí nhất của người mẹ này trong những năm đất nước phải gồng mình chống đế quốc Mĩ xâm lược.

Bài thơ đồng thời là lời hát ru. Tác giả ru em Cu Tai ngủ ngoan (đồng thời miêu tả hình ảnh người mẹ). Người mẹ trong bài ru em ngủ ngoan nhưng đó là lời ru thầm, lời ru trong tim (Lưng đưa nôi và tim hát thành lời). Lời ru của tác giả và lời ru của người mẹ nối tiếp nhau, đan cài, hoà quyện vào nhau làm nên những khúc hát ru vừa đằm thắm, dịu dàng, vừa trầm tư, sâu lắng. Vì kết cấu bài thơ như những khúc hát ru nên bài thơ cứ trở đi trở lại một số khúc giống nhau như những nét nhạc chủ đạo trong một bài hát. Bài thơ có ba khúc ru. Mỗi khúc hát ru là một đoạn thơ. ở đoạn thơ thứ nhất, người mẹ ru con khi địu con trên lưng và giã gạo nuôi bộ đội. Giấc ngủ của em nghiêng nghiêng theo nhịp chày, thấm mồ hôi lao động vất cả của mẹ. Người mẹ Tà Ôi thương con nhất mực không lúc nào chịu rời con đã lấy lưng làm nôi và đôi vai gầy làm gối cho con. Và lời ru con của mẹ cất lên bên cối gạo giữa sàn nhà cũng chính là lời tâm sự, lời tự nhủ, lời mẹ thầm nói với chính mình. Lòng yêu con của mẹ gắn liền với tình thương yêu bộ đội :

“Mẹ thương A Kay, mẹ thương bộ đội

Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần

Mai sau con lớn vung chày lún sân…”

Ước mơ của người mẹ nối liền với giấc mơ của con và cùng hội tụ lại trong tình thương yêu sâu sắc những anh bộ đội. Trong đoạn thơ thứ hai, bà mẹ Tà Ôi địu con đi tỉa bắp trên núi Ka Lưi. Tình thương yêu và niềm hi vọng vô bờ của người mẹ đối với đứa con được thể hiện bằng lời và những hình ảnh độc đáo :

“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ con nằm trên lưng.”

Trong câu thơ trên hình ảnh mặt trời là một hình ảnh thực. Mặt trời đem lại ánh sáng, sự sống cho cây cỏ, làm cho cây cỏ thêm tươi tốt, như cây ngô bắp to, hạt mẩy. Hình ảnh mặt trời ở câu thơ sau là ẩn dụ. Tác giả so sánh ngầm Cu Tai là mặt trời của mẹ. Coi con như mặt trời thì quả là lòng mẹ yêu quí con vô hạn, mong đợi ở con rất nhiều. Đó là ánh sáng, là nguồn sống, là niềm vui, là niềm hạnh phúc, là tất cả tương lai của mẹ. Hai câu thơ, hai hình ảnh tôn nhau lên, đối ý với nhau, đã làm nổi bật tình thương yêu sâu sắc và niềm hi vọng lớn lao của người mẹ đối với đứa con. Lời ru của người mẹ Tà Ôi ngân nga trong trái tim mẹ khi mẹ địu con đi tỉa bắp vẫn hướng về đứa con thơ yêu quí của mình. Lòng thương yêu con của mẹ trong hoàn cảnh này gắn liền với tình thương yêu dân làng – những người dân lao động nghèo đói :

“Mẹ thương A Kay, Mẹ thương làng đói

Con mơ cho mẹ hạy bắp lên đều

Mai sau con lớn phát mười Ka Lưi”.

Trong đoạn thơ thứ ba, người mẹ địu con trong tư thế đang “chuyển lán”, “đạp rừng”. Bà mẹ băng rừng, địu con trên lưng đưa con đi “để giành trận cuối”. Lòng yêu con của mẹ đến đây gắn liền với lòng yêu nước : “Mẹ thương A Kay mẹ thương đất nước”. Người mẹ gửi gắm vào giấc mơ của con niềm khao khát được gặp Bác Hồ và mong đất nước được độc lập tự do :

“Con mơ cho mẹ được gặp Bác Hồ

Mai sau con lớn thành người tự do”.

Tiếng hát ru con của người mẹ Tà Ôi không phải được cất lên bên cánh võng hay trên giường ấm nệm êm trong phòng ngủ. Tiếng hát ru ấy ngân lên trong trái tim của mẹ khi mẹ địu con giã gạo, tỉa bắp trên núi, khi mẹ “chuyển lán”, “đạp rừng” hoặc trên đường ra chiến trường để giành trận cuối. Như vậy, bà mẹ Tà Ôi là một người mẹ lao động, trực tiếp sản xuất, phục vụ cho chiến đấu của toàn dân tộc. Tình thương con, thương bộ đội, thương dân làng, thương đất nước hoà quyện vào nhau trong tấm lòng của một người mẹ miền núi yêu nước trong những năm tháng chống Mĩ khó khăn, gian khổ.

Theo lời ru (và cũng là tình yêu thương của mẹ), theo bước chân của người mẹ Tà Ôi, không gian cũng được mở rộng dần: từ sân (khi mẹ giã gạo) đến ngọn núi Ka Lưi (khi mẹ đi tỉa bắp) rồi đến những rừng những suối khi mẹ chuyển lán đạp rừng. Và ước mơ, khát vọng của người mẹ gửi gắm qua lời hát ru tha thiết, nặng tình nặng nghĩa ấy cũng mỗi lúc một lớn dần : “Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần” đến “Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều”… Từ mong muốn “Mai sau con lớn vung chày lún sân” đến “Mai sau con lớn phát mười Ka Lưi” cuối cùng cũng bùng lên thành một khát vọng cháy bỏng “Mai sau con lớn làm người tự do”. Tinh thần, không khí sục sôi của đất nước trong những năm tháng đánh Mĩ đã đi vào lời hát ru của những bà mẹ. Cuộc chiến tranh nhân dân khiến cả đến những bà mẹ miền núi có con nhỏ vào cuộc chiến đấu hi sinh, gian khổ. Biết bao em bé đã “lớn trên lưng mẹ” đi “đến chiến trường” và trong số họ không ít những người đã thành những anh hùng dũng sĩ. Qua những khúc hát ru với những điệp khúc đã trở đi trở lại nhưng vẫn có sự biến hoá phát triển, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện thật sinh động, ám ảnh đầy sức mạnh nghệ thuật khát vọng mãnh liệt độc lập tự do của toàn dân tộc.

2.  Phân tích đoạn thơ :

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ

Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội

Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời.

(Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Nguyễn Khoa Điềm)

Bài làm

Nhà thơ Nguyễn Duy đã viết :

Ta đi trọn kiếp con người

Vẫn chưa đi hết những lời mẹ ru

Lời ru của mẹ chính là nguồn năng lượng tinh thần để giúp mỗi chúng ta trưởng thành nên người. Bởi thế cảm xúc về lời ru của mẹ đã đi vào nghệ thuật và thơ ca. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng xuất phát từ truyền thống này nhưng có sự sáng tạo rất mới với Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.

Bài thơ được viết năm 1971 in trong tập “Đất và khát vọng“. Cảm xúc bao trùm bài thơ là tình cảm chân thành của tác giả về hình ảnh người mẹ dân tộc Tà Ôi với tình thương con, thương bộ đội, yêu đất nước.

Đoạn thơ mở đầu chính là lời hát ru của tác giả nói về hình ảnh mẹ giã gạo nuôi bộ đội và rất yêu thương con :

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

……………………………………..

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời

Mở đầu là điệp khúc ngọt ngào tha thiết: Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi/ Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.Tác giả vỗ về em Cu Tai ngủ bởi vì : mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội, nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng. Tiếng ru con ngủ “nghiêng” theo nhịp chày làm cho giấc ngủ của em cũng “nghiêng” theo. Con cũng đang chia sẻ theo công việc của người mẹ. Công việc giã gạo nuôi bộ đội không chỉ là công việc đơn thuần mà nó thật sự có ý nghĩa cao cả, hướng về sự nghiệp chung của cuộc kháng chiến chống Mĩ của toàn dân tộc.

Sự vất vả của mẹ được diễn tả trong câu thơ :

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời

Hàng loạt các hình ảnh hoán dụ : mồ hôi, vai, lưng, má, tim, được sử dụng rất đắt để thể hiện trái tim yêu thương mênh mông của người mẹ nghèo đặc biệt là hình ảnh “má em nóng hổi” vì giọt mồ hôi tuôn rơi của mẹ, lưng mẹ là chiếc nôi để con lớn lên, tim mẹ dạt dào tình mẫu tử đã hát thành lời đó là tiếng hát từ trái tim, từ cảm xúc yêu thương con của người mẹ. Đây là một câu thơ đặc sắc, chứa hai hình ảnh đẹp : Lưng đưa nôi và tim hát thành lời

Qua đoạn thơ thứ nhất, khúc hát ru của tác giả, ta thấy được tình cảm chân thành của người mẹ nghèo vất vả, lam lũ nhưng có lòng thương con, yêu nước. Người mẹ Tà Ôi đã trở thành biểu tượng của đất nước.

Viết bình luận: Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 68

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247