Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 72

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn của các trường trên cả nước năm 2012.

I. trắc nghiệm

Bài tập 1

Đọc kỹ đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu trước câu trả lời đúng nhất :

“Có người hỏi :

-  Sao bảo làng Chợ Dầu tinh thần lắm cơ mà ?…

-  ấy thế mà bây giờ đổ đốn ra thế đấy !

Ông Hai trả tiền nước, đứng dậy, chèm chẹp miệng, cười nhạt một tiếng, vươn vai nói to:

- Hà, nắng gớm, về nào…

Ông lão vờ đứng lãng ra chỗ khác, rồi đi thẳng. Tiếng cười nói xôn xao của đám người mới tản cư lên ấy vẫn cứ dõi theo. Ông nghe rõ cái giọng lanh lảnh của người đàn bà cho con bú:

- Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó ! Đói khổ ăn cắp ăn trộm bắt được người ta còn thương. Cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát !

Ông Hai cúi gằm mặt xuống mà đi. Ông thoáng nghĩ đến mụ chủ nhà.

Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lén đưa nhau ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau.

Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư ? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư ? Khốn nạn,  bằng ấy tuổi đầu… Ông lão nắm chặt hai tay lại và rít lên :

Chúng mày ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.”

1. Đoạn trích trên nằm ở văn bản nào ?

A. Lão Hạc

B. Làng

C. Chiếc lược ngà

D. Lặng lẽ Sa Pa

2. Văn bản đó là của nhà văn nào ?

A. Kim Lân

B. Nam Cao

C. Nguyễn Thành Long

D. Nguyễn Quang Sáng

3. Đoạn trích trên nói lên tâm trạng tủi hổ, đau xót của ông Hai trong những phút giây nghe tin dữ làng Chợ Dầu theo giặc, lập tề. Đúng hay sai ?

A. Sai                                                  B. Đúng

4. Tâm lý nhân vật ông Hai trong đoạn trích được tác giả miêu tả bằng cách nào là chủ yếu ?

A. Bằng hành động, cử chỉ.

B. Bằng những lời đối thoại.

C. Bằng những lời độc thoại.

5. Đoạn trích được viết theo phương thức biểu đạt chính nào ?

A. Miêu tả

B. Tự sự

C. Biểu cảm

D. Nghị luận

6. Loại ngôn ngữ nào được sử dụng trong đoạn trích ?

A. Ngôn ngữ đối thoại

B. Ngôn ngữ độc thoại

C. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm

C. Cả A, B, C.

7. Loại dấu câu nào được sử dụng trong lời đối thoại, và lời độc thoại ?

A. Dấu hai chấm

B. Dấu ngoặc kép

C. Dấu gạch ngang

D. Dấu chấm lửng

8. Câu văn nào dưới đây mang ngôn ngữ nhân vật quần chúng ?

A. Hà, nắng gớm, về nào…

B. Sao bảo làng Chợ Dầu tinh thần lắm cơ mà ?…

C. ấy thế mà bây giờ đổ đốn ra thế đấy !

D. Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó !

Bài tập 2

1. Em hãy khoanh tròn chữ cái ở đầu các ý trả lời đúng về nhà văn Kim Lân :

A. Nhà văn chuyên viết truyện ngắn, sinh năm 1920 tại xứ Kinh Bắc.

B. Người viết không nhiều, nhưng được yêu mến rất nhiều ở nước ta.

C. Sáng tác thành công nhất là đề tài nông dân bị tha hóa.

D. Người chuyên viết về thú “phong lưu đồng ruộng” .

E. Nhà văn thuộc thế hệ đầu tiên của nền văn học mới Việt Nam sau năm 1945.

2. Tình huống nào bộc lộ sâu sắc nhất tình yêu làng, yêu nước ở nhân vật ông Hai trong tác phẩm “Làng” ? Khoanh tròn chữ cái ý đúng nhất.

A. Ông Hai rất yêu làng Chợ Dầu và hay khoe làng.

B. Ông yêu làng, nhưng không muốn đi tản cư vì phải xa làng.

C. Ông nghe tin từ những người vừa tản cư lên, rằng làng mình đã lập tề theo giặc.

D. Ông được tin cải chính, làng ông không theo giặc, vẫn là làng Chợ Dầu anh hùng, thủy chung, ông vô cùng hạnh phúc và lại đi khoe làng.

3. Để diễn tả tâm trạng của nhân vật ông Hai khi nghe tin làng ông phản bội, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào để miêu tả tâm lý nhân vật ? Khoanh tròn chữ cái ý đúng.

A. Đối thoại

B. Độc thoại

C. Trạng thái xúc cảm trực tiếp

D. Miêu tả ngoại hình.

E. Cả 4 ý trên

4. Nhà văn Kim Lân dùng giọng kể thủ thỉ, tâm tình với cách dùng từ, dùng câu giản dị với người nông dân nhưng vẫn trau chuốt, chọn lọc, điều này thể hiện rõ nhất ở đoạn văn nào ? Khoanh tròn vào chữ cái đầu ý em chọn.

A. Đoạn nói về làng quê ông Hai qua lời ông kể.

B. Đoạn kể lúc ông nhận tin vui trở về nhà.

C. Đoạn ông nói chuyện với đứa con út.

D. Đoạn kể lúc ông nhận tin đồn làng ông theo Tây.

II. tự luận

Diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân

Đáp án Đề số 18

I. trắc nghiệm

Bài tập Câu (ý) Nội dung trả lời
1 1 B
2 A
3 B
4 A
5 B
6 C
7 C
8 D
2 1 A, B, D, E
2 C
3 A, B, C
4 A, B

II. Tự luận

Diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi nghe tin làng mình theo giặc trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân.

Bài làm

Làng” (Kim Lân) thuộc loại truyện có cốt truyện tâm lí, không xây dựng trên  diễn biến sự việc mà chú trọng miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật, từ đó làm nổi rõ tình yêu làng thống nhất trong tình yêu nước và tinh thần kháng chiến ở nhân vật ông Hai.

Là một người nông dân suốt cuộc đời sống ở quê, gắn bó máu thịt với từng nếp nhà, thửa ruộng…, vì giặc ngoại xâm ông Hai phải đi tản cư nhưng lòng vẫn không thôi đau đáu về quê, ông bày tỏ nỗi nhớ, tình yêu quê của mình trong những câu chuyện hàng ngày.

Cũng vì quá yêu làng, tự hào về làng, ông lại càng chua xót, tủi khổ hơn khi nghe cái tin làng ông  làm Việt gian theo Tây mà chính ông nghe được từ miệng những người tản cư dưới xuôi lên. Tin đó quá đột ngột khiến ông Hai sững sờ “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được…”. Trong điều kiện, hoàn cảnh lúc này, ông không thể biết được tin này thực hư ra sao. Nhưng những người tản cư đã kể quá rành rọt, họ còn khẳng định  “vừa ở dưới ấy lên”, làm ông không thể không  tin, nên càng khiến ông đau buồn, khổ sở. Tin ấy không chỉ làm cho ông cảm thấy đau về thể xác mà còn xâm chiếm, ám ảnh , day dứt tinh thần. Tiếng cười nói xôn xao của đám người mới tản cư lên ấy vẫn cứ dõi theo “Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó !… Cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát!” khiến ông đau đớn, xấu hổ “cúi gằm mặt xuống mà đi”.

Về đến nhà, ông nằm vật ra giường, nhìn lũ con, cảm thấy tủi thân, nước mắt cứ giàn ra. “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư ? chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi ư ?…” Tin hay không tin ? Ông ngờ ngợ như lời mình nói không được đúng lắm ? Nhưng rồi nghĩ rằng “người ta hơi đâu bịa ra những chuyện ấy”. Suốt cả ngày sau, ông không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn trong gian nhà chật hẹp, lắng tai nghe ngóng động tĩnh bên ngoài. “Một đám đông túm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang để ý, người ta đang bàn tán đến “cái chuyện ấy…”. Tác giả đã diễn tả rất cụ thể nỗi ám ảnh nặng nề, biến động dữ dội trong nội tâm nhân vật, sự sợ hãi ám ảnh tâm trạng ông Hai.

Càng yêu làng, tự hào về làng, thì khi làng theo Tây càng tỏ nỗi đau, nỗi nhục ở ông Hai. Cái đau, cái nhục ấy cũng chính là lòng yêu làng, yêu nước của ông Hai. Bao nhiêu ý nghĩ ghê rợn nối tiếp bời bời trong đầu óc ông, đẩy ông Hai vào tình huống phải lựa chọn “hay là quay về làng ?”, “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”. Tình yêu quê và tình yêu Tổ quốc xung đột dữ dội trong lòng ông. Cuối cùng ông đã lựa chọn “Không thể được ! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Đối với người nông dân thuần phác ấy, tình yêu nước rộng lớn, hướng về kháng chiến, cụ Hồ đã bao trùm lên tình yêu quê.

Nỗi lòng đó của ông được trút vào những lời thủ thỉ tâm sự với đứa con nhỏ: “Thế con có thích về làng Chợ Dầu không?”; “Thế con ủng hộ ai ?”… Phải chẳng, cũng chính là lời ông Hai tự nhủ với mình, tự giãi bày nỗi lòng. Ông Hai bày tỏ nỗi lòng sâu xa, chân thành của người nông dân với quê, với Tổ quốc, với cách mạng mà biểu tượng là Cụ Hồ.

Tình yêu làng, lòng tin làng, cùng với nỗi day dứt, đau khổ lo lắng đã được giải toả ở tình huống cuối cùng của câu chuyện. Đó là việc ông chủ tịch làng Dầu lên cải chính cái tin làng Dầu đi  làm Việt gian. Bao sung sướng, hạnh phúc, tự hào về làng trở về với ông Hai. Trên khuôn mặt buồn thiu mọi ngày bỗng rạng rỡ lên. Mặc dù biết Tây nó đốt cả nhà mình mà ông không xót xa. Cái dáng vẻ “lật đật” đi đâu cũng múa tay lên mà khoe tin ấy, tưởng như không bình thường nhưng hoàn toàn chân thực. Ông Hai đã quên sự mất mát riêng để tự hào sung sướng trong vẻ đẹp, sức mạnh chung của quê hương đất nước. Tình yêu làng của ông đã mở rộng hoà trong tình yêu nước.

Thành công của Kim Lân là diễn tả diễn biến tâm lý cụ thể ở một con người – ông Hai, mang tình cảm  chung của người nông dân Việt Nam đối với làng, với nước. Bên cạnh đó, truyện để lại ấn tượng trong lòng người đọc bởi chính cảm xúc, khát khao, vui buồn của  nhà văn, tạo dư âm vang vọng cho tác phẩm.

Viết bình luận: Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 72

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247