Hà Nội: Phát hiện hàng loạt bằng giả được làm trong hiệu ảnh cưới

Đường dây này nhanh chóng bị các cơ quan chức năng phát hiện khi đưa giấy tờ đi chứng thực. Giá trị của mỗi tấm bằng giả này chỉ tương đương với 1 kg thịt lợn.

Quyết định trưng cầu giám định của CQĐT CA huyện Sóc Sơn.     Ảnh: TL 
Quyết định trưng cầu giám định của CQĐT CA huyện Sóc Sơn. Ảnh: TL.

Bị lộ bằng giả khi đi chứng thực

Ngày 6-8-2013, CQĐT CA huyện Sóc Sơn có Quyết định trưng cầu giám định số 249 về việc trưng cầu Phòng kỹ thuật hình sự CA TP Hà Nội giám định chữ ký và con dấu. Theo đó, cơ quan này đã yêu cầu giám định mẫu dấu của Sở GD&ĐT TP Hà Nội; Trường Trung cấp nghề cơ khí I Hà Nội; UBND xã Tân Minh và UBND xã Việt Long, thuộc huyện Sóc Sơn. Đồng thời yêu cầu giám định các chữ ký của ông Đoàn Hoài Vĩnh - Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội, Đỗ Viết Lăng - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Long, Nguyễn Xuân Giang- Phó Chủ tịch UBND xã Việt Long và Nguyễn Công Truyền - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề cơ khí I Hà Nội. Các mẫu chữ ký và con dấu nói trên được yêu cầu giám định do có dấu hiệu bị làm giả trong một số tài liệu vừa được CQ CA huyện Sóc Sơn thu giữ được tại hiệu ảnh cưới Oanh Khoa, có địa chỉ tại khu Thá, xã Xuân Giang, thị trấn Sóc Sơn.

Trước đó, quá trình làm thủ tục chứng thực giấy tờ, một cán bộ tư pháp xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn đã phát hiện một tấm bằng TN THPT của Nguyễn Thị Mai, SN 1988, trú tại Xuân Lai, xã Xuân Thu có dấu hiệu làm giả nên đã báo cáo CQ CA để được làm rõ. Quá trình khai thác, lời khai của Mai cho thấy: Ngày 14-5-2013, Mai đến nhà bạn là anh Hoàng Văn Quang, SN 1988, trú cùng thôn, mượn của anh Quang tấm bằng TN THPT (bằng thật). Sau đó, Mai mang bằng của anh Quang đến hiệu ảnh cưới Oanh Khoa để nhờ anh Nguyễn Bá Khoa, SN 1960 và chị Nguyễn Thị Hoàn, SN 1983, cùng trú tại khu Thá, xã Xuân Giang làm cho Mai một tấm bằng giả theo mẫu bằng của Quang. 9g ngày 15-5-2013, Mai đã đến hiệu ảnh cưới Oanh Khoa để lấy bằng giả với giá mà anh Khoa và chị Hoàn thu là 100.000 đồng. Sau đó, Mai mang bằng giả đi xin công chứng tại UBND xã Xuân Thu thì bị phát hiện.

Theo các tài liệu và lời khai của những người liên quan, CQĐT xác định tấm bằng TN THPT giả mang tên Nguyễn Thị Mai được làm bằng công nghệ scan. Từ tấm bằng chuẩn của anh Quang làm mẫu, chị Hoàn đã scan, rồi sử dụng phần mềm photoshop để thay đổi một số thông tin trên tấm bằng của anh Quang bằng thông tin của Mai, sau đó in màu và dán ảnh của Mai vào, ép plastic.

Phát hiện “ổ” sản xuất bằng giả

Căn cứ lời khai của Mai, CQ CA huyện Sóc Sơn đã tiến hành khám xét khẩn cấp hiệu ảnh cưới Oanh Khoa và thu giữ 1 bằng TN THPT mang tên Nguyễn Thị Mai, do Sở GD&ĐT Hà Nội cấp với số hiệu bằng 3564979/PT. Trên bằng TN PTTH này là chữ ký của ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội. 4 bản photo bằng TN THPT mang các tên Nguyễn Thị Liên, SN 19-8-1985; Nguyễn Thị Phương Thảo, SN 27-3-1987, và Lã Thị Thu Huyền, SN 1-12-1986. Tất cả các bản photo nói trên đều đã được chứng thực có con dấu của UBND xã Việt Long, chữ ký trên bản chứng thực mang tên ông Đỗ Viết Lăng và Nguyễn Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Long; 2 bản photo bằng TN trường Trung cấp nghề cơ khí I Hà Nội, và Giấy chứng nhận học lực mang tên Đỗ Mạnh Cường, SN 28-9-1993.

Cả 2 bản photo nói trên đã được chứng thực có con dấu của UBND xã Minh Tân, huyện Sóc Sơn, chữ ký trong bản chứng thực mang tên ông Đỗ Trọng Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Minh; 1 bằng TN trường Trung cấp nghề cơ khí I Hà Nội, mang tên Nguyễn Văn Long, SN 26-5-1990, có con dấu của trường Trung cấp nghề cơ khí I Hà Nội, và chữ ký trên bằng TN mang tên ông Nguyễn Công Truyền, Hiệu trưởng trường TC nghề cơ khí I Hà Nội. Các mẫu vật gửi giám định là những tấm bằng nghi bị làm giả, và các bản photo đã được chứng thực thu được tại hiệu ảnh cưới Oanh Khoa.

Chỉ cần 100.000 đồng, bất cứ ai cũng có thể có được tấm bằng TN giả làm bằng công nghệ scan và in màu. Việc làm giả cũng như sử dụng những thứ bằng cấp, giấy tờ giả mạo đó là do có những người coi thường pháp luật và hám lợi. Nếu tấm bằng giả của Nguyễn Thị Mai không kịp thời được phát hiện, không biết hiệu ảnh cưới Oanh Khoa sẽ tiếp tục sản xuất các loại bằng cấp, giấy tờ giả đến bao giờ? Và sẽ có thêm bao nhiêu tấm bằng, giấy tờ giả được “ra lò” và trôi nổi ngoài xã hội?

Kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự, CA TP Hà Nội sẽ bóc trần những thủ đoạn làm bằng cấp và giấy tờ giả của hiệu ảnh cưới Oanh Khoa. Những người liên quan đến việc làm và sử dụng các loại giấy tờ giả mạo đó sẽ phải trả giá trước pháp luật. Trong khi tấm bằng giả có giá trị chỉ tương đương 1kg thịt lợn, cái giá mà những người liên quan phải trả sẽ không thể tính được bằng tiền. Thật đáng tiếc cho những người vì hám lợi, vì thiếu hiểu biết và coi thường pháp luật mà phải rơi vào vòng lao lý.

Theo Pháp Luật Xã Hội

Viết bình luận: Hà Nội: Phát hiện hàng loạt bằng giả được làm trong hiệu ảnh cưới

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247