Môn Giáo dục công dân - nỗi lo của các trường THPT trong kì thi Quốc gia

Sau khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2017, các trường THPT đều cho rằng đã hợp lý hơn rất nhiều. Tuy nhiên các trường lo nhất khi năm nay môn giáo dục công dân (GDCD) lần đầu thi nên lên kế hoạch tăng tiết cũng như thay đổi cách dạy cho kịp đổi mới.

Có tăng áp lực lên học sinh?

Ông Nguyễn Hùng Khương - Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho rằng phương án thi được công bố không thay đổi nhiều so với dự thảo, chỉ khác ở chỗ lịch thi và bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH).

“Dự thảo trước đây là 20 câu cho mỗi môn thành phần thì mọi người cho rằng quá ít để đánh giá học sinh. Nay trong phương án chính thức Bộ đã nâng lên thành 40 câu, tổng cộng sẽ là 120 câu cho thời gian thi 150 phút. Tôi chỉ thấy rằng với thời gian thi trắc nghiệm dài như vậy thì học sinh thi sẽ rất mệt dù cho đề có dễ đi nữa. Nếu Bộ điều chỉnh 30 câu mỗi môn thì tôi nghĩ sẽ hợp lý và vừa sức học sinh hơn”, ông Khương chia sẻ.

Còn ông Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt cũng cho rằng phương án thi này phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục theo đó đến năm 2018 sẽ đổi mới sách giáo khoa và chương trình. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, đây cũng là một năm khá nặng cho học sinh so với 2 năm trước bởi bắt buộc học sinh phải thi ít nhất 6 môn để xét tốt nghiệp THPT.

“Tuy nhiên thời gian thi trắc nghiệm bài thi tổ hợp là 150 phút đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng và chiến lược riêng. Với thời gian thi dài này sẽ có khó khăn đôi chút nhưng nếu học sinh được tập luyện trước thì sẽ không bị áp lực lớn”, ông Hiếu nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Độ - Phó hiệu trưởng THPT Thành Nhân lại nhận định rằng trường không bất ngờ với phương án chính thức mà Bộ đưa ra vì so dự thảo không có thay đổi nhiều. Dù gì thì so với dự thảo trước đây phương án chính thức đã có sự điều chỉnh hợp lý hơn. Chẳng hạn ban đầu ở tổ hợp bài thi tổ hợp mỗi môn chỉ thi 20 câu thì quả là không đủ dữ kiện để đánh giá vô ĐH còn phương án chính thức tăng lên 40 câu tôi cho rằng phù hợp hơn. Điều chỉnh thứ 2 là mỗi môn được làm riêng theo trình tự thì cũng sẽ công bằng hơn đối với thí sinh.

Lên kế hoạch tăng tiết môn GDCD

Dù đánh giá phương án thi đã được điều chỉnh phù hợp hơn nhưng các trường phổ thông vẫn còn nhiều lo lắng nhất là lần đầu tiên môn GDCD được đưa vào thi để xét tốt nghiệp THPT. Theo ông Nguyễn Hùng Khương, đầu năm học Trường THPT Bùi Thị Xuân đã tiến hành khảo sát học sinh lớp 12 chọn khối thi thì toàn trường chỉ 71 em đi theo khối xã hội. Khi Bộ đưa ra dự thảo thi, nhà trường đã có kế hoạch chuẩn bị và ngay khi công bố phương án thi chính thức trường sẽ tiến hành áp dụng và lập kế hoạch ôn tập sao cho hiệu quả nhất cho học sinh.

Mon Giao duc cong dan - noi lo cua cac truong THPT trong ki thi Quoc gia
Học sinh thảo luận trong giờ GDCD ( ảnh minh họa)

Ông Khương cho biết: “Riêng môn Giáo dục công dân, tổ bộ môn đã chuẩn bị phương án học và các câu hỏi trắc nghiệm dự kiến. Khó khăn ở chỗ nếu các môn khác việc thi trắc nghiệm đã có lộ trình, ngay như môn toán thì Bộ cũng có lộ trình từ năm 2007 nên giáo viên trường cũng từng biên soạn câu hỏi trắc nghiệm. Tuy nhiên môn GDCD lại mới hoàn toàn nên các giáo viên sẽ gặp đôi chút khó khăn trong quá trình biên soạn câu hỏi ôn tập cho học sinh làm quen.

Sử, Địa cũng có chút khó khăn tuy nhiên 2 môn này những năm trước học sinh vẫn thi nên vẫn năm trong 8 môn học được thường xuyên kiểm tra chung. Nhưng chỉ có môn GDCD là hơi bất ngờ trong phương án thi năm nay. Nhà trường sẽ phải họp bàn bạc kỹ với các giáo viên để bố trí lịch học và ôn tập cho hợp lý. Đồng thời sẽ cố gắng cho học sinh làm quen sớm với cách thi trắc nghiệm ở các môn mới áp dụng trong năm nay. Trắc nghiệm thường không phải là những câu hỏi quá khó nhưng thường đưa ra những câu hỏi rộng nên học sinh phải học hết kiến thức. Nếu bộ công bố sớm cấu trúc đề thì giáo viên các trường sẽ yên tâm hơn để định hướng việc học ôn cho học sinh”.

Tương tự, ông Bùi Gia Hiếu cũng tâm tư: “Năm nay có thêm môn GDCD, nên các trường rất trông chờ sớm công bố đề minh họa để có hướng dạy cho phù hợp cũng như trách tâm lý hoang mang trong phụ huynh, học sinh. Trường phải tăng cường thời lượng học các môn xã hội và đặc biệt là môn GDCD. Đồng thời phải điều chỉnh rất nhiều các phương án ôn luyện để phục vụ việc thi”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Độ cho biết Trường THPT Thành Nhân đã có sự chuẩn bị từ khi bộ công bố dự thảo, thời khóa biểu của trường cũng đã điều chỉnh theo hướng tăng những môn dự kiến thi trong bài tổ hợp. Chẳng hạn như môn Sinh trước đây các em được học 2 tiết/tuần thì nhà trường tăng lên thành 3 tiết/tuần. Sau khi kết thúc chương trình học thì nhà trường sẽ tăng tiết các môn thi thêm nữa. Ngay từ thứ 7 tuần này nhà trường sẽ cho học sinh khối 12 thi thử môn toán trắc nghiệm

Dù chủ động lên kế hoạch thay đổi cách hợp cho phù hợp nhưng các trường THPT ở TPHCM, đang hồi hợp không biết đề án thi và xét tốt nghiệp TPHT của TPHCM có được Bộ duyệt hay không. Nếu Bộ đồng ý thì học sinh TPHCM phải thi 2 lần thì sẽ thiệt thòi hơn

Theo Dân trí

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Viết bình luận: Môn Giáo dục công dân - nỗi lo của các trường THPT trong kì thi Quốc gia

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH