Nhà trọ sinh viên và những quy định lạ đời

Mặc dù các tân sinh viên đã bắt đầu những bài học đầu tiên trên giảng đường đại học nhưng có không ít các bạn sinh viên vẫn đang phải chật vật tìm phòng thuê trọ, không chỉ bị hét với giá cao mà còn phải "chịu đựng" các quy định và điều kiện oái oăm. Hãy cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi thuê nhà trọ để tránh tiền mất tật mang nhé!

Ngoài chuyện chịu đựng giá cả nhà trọ, điện, nước leo thang, không ít tân sinh viên (SV) còn đối mặt với những “điều kiện” kỳ quặc của một số phòng trọ khiến họ đi không được mà ở cũng không xong.

Làm gì cũng phải trả tiền

Vừa thuê phòng trọ được gần một tuần, bốn SV năm nhất đã phải cuốn gói ra đi. Mỗi người bỏ luôn khoảng 800.000 đồng tiền ở và tiền cọc vì không thể chịu nổi những “quy định” lạ đời khi thuê một nhà trọ trong con hẻm 80 đường Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3.

Chuyên (SV năm nhất Trường ĐH Sài Gòn) cho biết bạn tìm nhà trọ trên qua Trung tâm Hỗ trợ SV. Nói là phòng trọ nhưng thực ra chỗ ở chỉ là một cái giường dành cho hai người với giá 350.000 đồng/tháng/người. Mọi sinh hoạt của hai chị em (ăn, ngủ, học, tiếp bạn…) đều trên chiếc giường rộng chưa đầy 4 m2 này. Lúc đầu Chuyên nghĩ chỉ cần có chỗ ngủ, chỗ học nên đóng tiền cọc để ký hợp đồng ở ba tháng.

Mới ở một ngày, Chuyên đã không chịu nổi với các khoản tiền và cách xài vật dụng bằng điện theo “quy định” của chủ nhà trọ. Một tháng, ngoài tiền phòng, tiền nước sinh hoạt, Chuyên phải đóng các khoản: sạc điện thoại 1.000 đồng/lần, nấu cơm 2.000 đồng/lần, xài laptop 40.000 đồng/tháng, bóng đèn học 15.000 đồng/tháng, bóng đèn nhà vệ sinh 5.000 đồng/tháng…

Nha tro sinh vien va nhung quy dinh la doi

Hai SV năm nhất mới chuyển đến nhà trọ trên đường Trần Quang Diệu phải đóng tiền cho chiếc quạt nhỏ này 25.000 đồng/tháng. Ảnh: HÀ AN

Chung cảnh ngộ với Chuyên, vừa dọn đến ở một ngày, Ngọc Điệp (SV năm nhất Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM) liền chuyển đi. Phòng Điệp thuê ở trên gác rộng gần 20 m2 dành cho năm người với giá 450.000 đồng/người/tháng. “Mình thấy ngoài cửa phòng có công tơ điện khá mới nhưng bà chủ không cho xài. Chỉ có một bóng điện mà cả phòng phải đóng 50.000 đồng/tháng, rồi hàng chục vật dụng xài điện khác cũng phải trả tiền, muốn sạc điện thoại, máy tính phải ra phòng chủ, làm sao chịu được” - Điệp than phiền. Do gia đình khó khăn nên Điệp vừa khóc vừa năn nỉ bà chủ mới lấy lại được tiền cọc để chuyển đi nơi khác.

Loạn “quy định” vô lý

Một số SV Trường CĐ Điện lực thuê khu nhà trọ ở khu phố 3, phường Thạnh Lộc (quận 12) được báo tiền nước giếng khoan 20.000 đồng/người. Khi đến ở, chủ nhà thông báo ngoài tiền nước giếng, mỗi phòng phải đóng 100.000 đồng/tháng tiền nước máy để nấu ăn. Bên cạnh đó là thêm các quy định: Không được nói chuyện sau 10 giờ tối, đi học hay đi đâu phải ra khỏi nhà trước 7 giờ sáng vì chủ nhà sẽ khóa cửa ra chợ bán hàng đến trưa hoặc chiều tối mới về. “Bữa nào dậy trễ là coi như ngồi trong nhà nhìn ra ngoài qua song sắt cửa. Lúc đầu chị chủ nói tạm vài ngày rồi chị giao chìa khóa nhà nhưng nay bọn em ở gần một tháng rồi, chị nhất quyết không đưa vì sợ kẻ gian. Nếu cứ thế này, chắc bọn em sẽ cố ở cho hết chỗ tiền cọc rồi tìm phòng trọ phù hợp với giờ giấc SV hơn” - một SV chia sẻ.

Qua thông tin dán ngoài đường, nhóm SV Trường CĐ Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tìm được phòng trọ ở một nhà bốn tầng trên đường Ba Vì (quận Tân Bình). Tiền ở 2,5 triệu đồng/tháng/phòng, xe để ở sảnh trệt. Nhưng ở rồi mới biết chủ nhà yêu cầu trả 80.000 đồng/tháng tiền… chỗ để xe chứ không phải trông giữ xe. Nếu xui xẻo mất xe thì SV vẫn phải ráng chịu!

Ngoài việc SV phải đóng tiền điện, bóng đèn tại những khu vực chung ở hành lang, nhà để xe, chủ nhà cũng không hề bỏ tiền ra sắm mỗi khi bóng đèn hư hỏng mà đều thu tiền của SV.

Ở đây có một “quy định” vô lý nữa là SV không được nối Internet mà phải dùng Internet của chủ nhà với giá 100.000 đồng/tháng nhưng do quá đông người dùng nên mạng rất chậm. Phòng nào than thở thì lập tức bị… rút dây mạng ngay.

Hiện tại, trung tâm còn khoảng 3.000 chỗ trọ cho SV trong toàn TP. Mỗi ngày trung tâm hướng dẫn 100-200 lượt SV nhưng cũng chỉ đáp ứng nguyện vọng cho khoảng 50% SV vì nhu cầu mỗi người một khác. Trung tâm luôn có người túc trực để tư vấn chỗ ở, cân nhắc điều kiện nhà trọ, nhận phản hồi… cho SV, nhất là những SV mới lên TP. Khi đi tìm nhà trọ ở trung tâm hoặc tự tìm bên ngoài, SV nên xem xét và hỏi kỹ thông tin như thủ tục, số tiền, quy định riêng, giá điện, nước, không gian ở, giờ giấc… trước khi đồng ý thuê để tránh tiền mất tật mang.

Chị VÕ THỊ HỒNG HOA, phụ trách nhà trọ của Trung tâm
Hỗ trợ SV TP.HCM

Bà Võ Thị Minh Tâm, Chủ tịch phường 14, quận 3, cho biết phường chưa nghe ai phản ánh về cách thu tiền điện tại nhà trọ trên địa bàn phường quản lý. Phường sẽ cho người xuống kiểm tra, nếu có tình trạng như báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh thì phường sẽ ghi nhận và báo ngay lên điện lực để họ xuống kiểm tra, xử lý ngay.

Hà An (PLTP)

2 bình luận: Nhà trọ sinh viên và những quy định lạ đời

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247