Sau năm 2015 sẽ giải quyết được nạn “nhồi nhét kiến thức”?

Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đề xuất phương án dạy học tích hợp và phân hóa trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Đây là hướng sẽ giải quyết được tình trạng học quá nhiều môn, quá nhiều kiến thức, đồng thời tăng cường việc bồi dưỡng năng lực cho người học.

Sau nam 2015 se giai quyet duoc nan “nhoi nhet kien thuc”?
PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - trình bày về chuẩn của môn ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông - Ảnh: Nguyễn Khánh

Hội thảo do Bộ GD-ĐT VN và Bộ Giáo dục và trẻ em Đan Mạch đồng tổ chức. Đây là một trong những hội thảo mở đầu cho một loạt hội thảo bàn về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học ở nhiều phân môn sẽ tổ chức trong tháng 12.

Theo GS Đinh Quang Báo (ĐH Sư phạm Hà Nội), hội thảo không chỉ để giải đáp các câu hỏi mà còn tạo các câu hỏi mới để ban soạn thảo chương trình - sách giáo khoa sau năm 2015 tiếp thu, nghiên cứu và vận dụng.

Giải quyết được nạn “nhồi nhét kiến thức”?

Chương trình phổ thông, nhất là chương trình THPT hiện nay, quá nặng về việc truyền thụ kiến thức, với số lượng môn học quá nhiều ở cuối cấp học, không chú trọng hình thành năng lực, không chú trọng các môn học cốt lõi cần thiết cho con người trong xã hội hiện đại và hội nhập, không chú trọng việc bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách của học sinh... là những vấn đề được nhiều người chia sẻ trong và bên lề hội thảo trên.

Với tư cách người đồng chủ trì hội thảo (cùng GS Jens Rasmussen đến từ Bộ Giáo dục và trẻ em Đan Mạch và GS Phan Văn Kha, Viện Nghiên cứu giáo dục VN), GS Đinh Quang Báo đã trình bày những tư tưởng mới mang tính định hướng xây dựng chương trình.

Ông Báo cho biết chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ xây dựng theo hướng phát triển năng lực người học thay vì chủ yếu tiếp cận nội dung.

Với dự thảo của Bộ GD-ĐT xây dựng cơ cấu hệ thống giáo dục phổ thông sau năm 2015 gồm 12 năm, GS Báo đưa ra hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông nhằm hình thành các phẩm chất, các năng lực chung và năng lực chuyên biệt (gắn với các môn học).

Một số ý kiến tại hội thảo có đồng quan điểm khi cho rằng cần phải thay đổi cơ bản quan điểm “gia tăng kiến thức, trong đó có những kiến thức chuyên sâu không cần thiết”, tập trung vào việc hình thành năng lực học sinh thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, tổ chức hoạt động cho học sinh.

Theo PGS Vũ Trọng Rỹ - Viện Khoa học giáo dục VN, với hướng “tiếp cận năng lực” cũng cần lựa chọn “năng lực chìa khóa” làm vấn đề trọng tâm đổi mới nội dung dạy học trong trường phổ thông.

Tích hợp và phân hóa

Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đề xuất phương án dạy học tích hợp và phân hóa trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Đây là hướng sẽ giải quyết được tình trạng học quá nhiều môn, quá nhiều kiến thức, đồng thời tăng cường việc bồi dưỡng năng lực cho người học.

Theo đó, có việc tích hợp trong phạm vi hẹp theo hướng gắn kết nội dung có liên quan của các phân môn trong một môn học và tích hợp trong phạm vi rộng các kiến thức liên quan đến hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Nhóm nghiên cứu này đề xuất xây dựng hai môn học mới ở lớp 4 và 5, gồm môn khoa học và công nghệ tích hợp kiến thức của hai môn khoa học và công nghệ (kỹ thuật) bây giờ; môn tìm hiểu xã hội tích hợp từ hai môn lịch sử, địa lý. Bậc THCS cũng xây dựng các môn học mới. Ví dụ môn khoa học tự nhiên gồm các phân môn vật lý, hóa học, sinh học, môn khoa học xã hội gồm phân môn địa lý, lịch sử và phân môn các vấn đề xã hội.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận định về những hạn chế của chương trình phân ban hiện nay và đề xuất dạy học tự chọn theo hướng học môn, cho học sinh chọn môn học/chủ đề phù hợp với sở trường, khuynh hướng nghề nghiệp ở bậc THPT. Có thể xây dựng chương trình lớp 10 là giai đoạn giáo dục chung của bậc học và phân hóa mạnh ở lớp 11, 12.

Đồng quan điểm với các chuyên gia trên, GS Đinh Quang Báo cho rằng chương trình - sách giáo khoa mới cần đẩy mạnh tích hợp ở các bậc học thấp và thực hiện phân hóa sâu bằng hoạt động tự chọn (không bắt buộc hoặc bắt buộc) ở bậc học cuối.

Ông Báo bày tỏ quan điểm nên xác định chương trình có trọng tâm cho một số môn học cốt lõi như ngôn ngữ, toán, công nghệ thông tin. Trong số các môn cốt lõi không phải chỉ xác định bởi thời gian học, mà phải thay đổi quan điểm dạy các môn học đó với mục tiêu trang bị công cụ hoạt động cho học sinh trong học tập, nhận thức, giao tiếp và ứng dụng thực tiễn.

Giao tự chủ cho các trường tuyển sinh

Trong phát biểu nhằm định hướng cho ý kiến thảo luận tại hội thảo, GS Đinh Quang Báo đưa ra việc giao tự chủ hoàn toàn cho các trường trong việc tuyển sinh vào THCS, THPT. Kỳ thi tốt nghiệp THPT Bộ GD-ĐT chỉ ban hành quy chế thi, phôi bằng, xây dựng ngân hàng câu hỏi, bài tập, còn sở GD-ĐT tổ chức thi và xử lý kết quả thi. Bằng tốt nghiệp THPT đánh giá trên cơ sở kết quả quá trình và kết quả kỳ thi.

Để kiểm soát chất lượng giáo dục phổ thông toàn quốc, Bộ GD-ĐT tổ chức đánh giá định kỳ quốc gia ở lớp cuối cấp của mỗi cấp học (lớp 5, 9, 11), nội dung đánh giá là một số năng lực cốt lõi.


VĨNH HÀ

Tham Gia Group 2K9 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 9 và luyện vào lớp 10 tại Tuyensinh247.com, cam kết giúp học sinh lớp 9 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Viết bình luận: Sau năm 2015 sẽ giải quyết được nạn “nhồi nhét kiến thức”?

  •  
Ôn thi vào 10 - Tuyensinh247