Sinh viên và cạm bẫy chốn thành đô

Còn gì đau đớn hơn khi nghe những người cha, người mẹ kể về con cái mình: Những đứa trẻ tan nát giấc mơ đại học vì thiếu định hướng, bị rơi vào “bẫy đô thành” hay ham chơi, sa ngã.

Giấu cha giấu mẹ, dật dờ ở thủ đô

Vừa ho, vừa ôm lấy chiếc điếu cày gác trong chiếc thùng rác để ngay ngoài cửa phòng trọ, Nguyễn Mạnh Hà (quê Thanh Hóa) ngồi thẫn thờ như một kẻ vô hồn. Để gạt đi nỗi buồn chán xâm lấn tâm trí, Hà khóa cửa rồi lao ra quán net đầu ngõ. Cậu muốn vùi mình vào game.

Sinh vien va cam bay chon thanh do
Nhiều sinh viên chấp nhận gục ngã trước giảng đường vì không vượt qua được những cám dỗ, thử thách (Ảnh minh họa: Quỳnh  Anh)

Cũng vì mải mê game, mà bây giờ, Hà phải xoay sở đủ cách để giấu gia đình chuyện cậu chưa ra nổi trường, phải ở lại học thêm một năm nữa trả nợ môn.

Thỉnh thoảng gia đình điện lên, Hà lại giấu rằng mình bận đi làm, không về quê được. Sự thật là cậu không dám về, sợ nhìn thấy gương mặt háo hức, tự hào hỏi xem tấm bằng Đại học của con tròn méo thế nào…

Đã mấy tháng nay, tiền trọ tăng, tiền nhà tăng, Hà buộc phải chuyển chỗ ở xuống cái khu khỉ ho cò gáy này để giảm bớt vài trăm ngàn đồng tiền ở mỗi tháng. Số tiền kiếm được nhờ thỉnh thoảng đi chụp ảnh, quay phim đám hiếu, lê la ngoài đường phố xin chụp ảnh thuê cũng chẳng đáng bao nhiêu khiến Hà rùng mình nghĩ đến một lúc nào đó, phải thú nhận với bố mẹ, nhất là khi phải nộp tiền học lại.

Chuyện của Hà không hiếm trong giới sinh viên.

Bước vào giảng đường ĐH, rất nhiều bạn trẻ hăm hở khám phá, xây mơ ước học tập, làm thêm, khám phá cuộc sống phố thị. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công, không phải ai cũng vượt qua được những cám dỗ lúc nào cũng bủa vây sinh viên.

Nổi tiếng thông minh, học giỏi, nhưng Nguyễn Văn Hiền (Phú Xuyên, Hà Nội) đã hoàn toàn biệt tích trong những câu chuyện của bạn bè cấp 3 cùng khóa. Đơn giản, sau năm năm tốt nghiệp phổ thông, hầu hết bạn bè đã ra trường, đi làm, thì Hiền vẫn chật vật trả nợ môn tại trường ĐH. 

Vốn ghét ngành học thi theo ý nguyện của gia đình, nên khi vào ĐH, Hiền vừa chán nản vừa chủ quan. Tâm lý này kéo dài nhiều kỳ học, khiến Hiền lao đao vì thi lại, học lại… Khi muốn thay đổi thì đã cảm thấy sức mình không kham nổi. Muốn bỏ học thì gặp áp lực từ gia đình, thú nhận với cha mẹ thì không dám, mỗi ngày Hiền lại sống dật dờ như cái bóng trong sự tù túng do chính mình tạo nên.

Điêu đứng vì con 3 năm 3 trường

Nhiều tuần nay, chị Đoàn Thị Thanh (quê Đông Anh, Hà Nội) đi về như cái bóng trong căn nhà nhỏ. Làm mẹ đơn thân, lại sống giữa làng quê nhỏ bé, chị từng phải vượt qua bao nhiêu điều tiếng mới có được một mụn con.

Sinh vien va cam bay chon thanh do
Đuổi theo "gánh nặng “ Đại học khiến nhiều gia đình nông thôn điêu đứng

Từ bé, chị đã rèn con học, với mong muốn học sẽ giúp cả hai mẹ con “đổi đời”, ít nhất cũng nở mày nở mặt lên với làng xóm. Con trai chị cũng học tối học ngày, tuy không xuất sắc nhưng chị cũng tạm hài lòng.

Chị không ngờ, cuộc sống yên ổn của hai mẹ con bắt đầu nổi sóng từ khi con vào ĐH.

Thi trượt nguyện vọng 1, con trai chị có phần mặc cảm, nó nộp nguyện vọng vào một trường dân lập. Chị vẫn ủng hộ con hết lòng...

Một mình chị, vừa làm vài thước ruộng của nhà, vừa chạy chợ để có tiền cho con ăn học. Xác định học ĐH tốn kém, nên từ khi con đi học, chị càng lao lực hơn. Những ngày đạp xe hàng chục cây số xuống tận Hà Nội để bán rau, bán hoa cứ nhiều lên, thời gian nghỉ ngơi ít đi. Vậy mà con trai chị không được một lời hỏi han. Cứ gần cuối tháng, nó lại gọi điện về xin tiền, rồi có khi cũng chẳng thèm về nhà, nhờ người cùng quê đến lấy.

Nghĩ rằng con bận học, chị cũng đành gạt nỗi tủi thân cho qua.

Đùng một cái, cuối năm thứ nhất, con về nhà báo với mẹ, sẽ nghỉ học để đi kinh doanh làm giàu. Rồi nó về nhà, “ra dáng” đi làm, bảo tôi cho hơn ba triệu đồng đóng tiền mua sản phẩm... gì gì đó để “đầu tư sự nghiệp”. Mấy tháng sau, con chị lại về xin thêm ba triệu “vớt vốn”. Những số tiền khổng lồ ấy, chị phải đi vay mượn mới có được…" - chị kể.

Mấy tháng sau thì “mộng kinh doanh” của con chị tan vỡ, nó thú nhận vì ham làm giàu nhanh, tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Lãi lờ đâu không thấy, chỉ thấy tay trắng về nhà, học hành đứt đoạn…

Thấy con ủ rũ, chị động viên con đi học tiếp nhưng nó không nghe, bảo sợ xấu hổ với bạn bè, sợ không theo kịp và quyết định ôn để thi lại vào trường khác. Năm ấy, chị lại phải gồng mình lo khoản tiền cho con đi ôn, rồi đi thi ĐH nhưng con chị không đỗ. 

“Cứ như thế, suốt 3 năm liền, nó quay tôi như chong chóng. Hết bỏ trường này, thi trường kia, trượt, đỗ, đỗ trượt… Con người ta đã lo đi thực tập, rục rịch làm này, làm kia, thì nó vẫn dở dang. Chẳng biết giờ nó học trường nào, nhưng vẫn xin tiền tôi hằng tháng, và cũng hàng tháng trời nó ở biệt trên Hà Nội, chẳng thèm về với mẹ” –  chị Thanh giãi bày.

Từ ngày nuôi con đi học, chị gầy mòn đi trông thấy. Căn bệnh dạ dày mấy năm thuyên giảm, thời gian này tái phát hành hạ chị không ăn uống được mấy. Đau đớn, cô độc trong căn nhà lặng lẽ, chị buồn tủi nghĩ đến con trai, chẳng biết bao giờ mới nên người.

Quỳnh Anh (VNN)

Viết bình luận: Sinh viên và cạm bẫy chốn thành đô

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247