⭐ Nhấp vào nút để được tư vấn chi tiết
  • Tại sao học nghề ra lại thất nghiệp?

    Nguyễn Trọng Trí - 30/01/2013 11:06 am

    Tôi là phụ huynh có 3 con là học sinh, Tôi có xem truyền hình HTV phỏng vấn ông, ông có nói rất hay 2 nguyên nhân lao động thất nghiệp về học nghề. Ông có thể rõ hơn 2 nguyên nhân này? Xin cám ơn ông. (Nguyễn Trọng Trí - Email: tringuyen...@yahoo.com.vn)

Chuyên gia trả lời

  • Chào anh/chị!

    Thực tế thị trường lao động có những đặc điểm cần quan tâm là:

    - Thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý, nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm đồng thời với nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động có nghề và lao động phổ thông không tuyển được lao động.

     Theo nhiều cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học.

    Tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80% sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp nghề tìm được việc làm, còn 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm. Trong tổng số tìm được việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển, 50% thật sự ổn định. Đặc biệt kỹ năng mềm là yêu cầu nhiều sinh viên, học sinh chưa đáp ứng được.

    - Nguyên nhân thất nghiệp xuất phát từ tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn, tuy nhiên có thể thấy hai lý do cơ bản gây ra thất nghiệp:

    + Có ít chỗ làm việc hơn là nhu cầu của người tìm việc làm phù hợp ngành nghề đã được đào tạo.

    + Số lượng chỗ làm việc nhiều, nhưng nhiều người tìm việc làm không đáp ứng trình độ hoặc không muốn làm những công việc đó.

    Trường hợp thứ nhất tồn tại về “thiếu hụt chỗ làm việc”, trường hợp thứ hai về “không phù hợp cơ cấu đào tạo nghề và nhu cầu nhân lực”. Như vậy có thể nhận định nguyên nhân thất nghiệp cốt lõi là vấn đề đào tạo nghề, kỹ năng nghề, dự báo nhu cầu, phân bổ nguồn nhân lực và các chính sách thu hút, sử dụng lao động còn mất cân đối, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế kinh tế – xã hội.

    Hàng năm cả nước có hơn một triệu học sinh rời ghế nhà trường để chọn con đường vào các trường cao đẳng, đại học. Có hơn 400.000 học sinh đạt được nguyện vọng và khoảng 370.000 học sinh chọn học tại các trường dạy nghề (Cao đẳng, trung cấp nghề). Hơn 1/3 học sinh chấp nhận “chờ” kỳ thi đại học, cao đẳng năm sau chứ không học nghề. Điều này vừa tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội vừa lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Mặt khác, hướng nghiệp chưa tốt dẫn đến hiện tượng đa số học sinh không có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi rớt đại học đã chọn “đại” một ngành, một trường để học. Có ngành thí sinh đổ xô, chen chân học; có ngành chỉ lác đác vài thí sinh, dẫn đến mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường lao động.

    Thực trạng một bộ phận khá lớn sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm và có hơn 60% cử nhân, kỹ sư các trường đại học ở Việt Nam chấp nhận những công việc trái ngành, hoặc phù hợp cho trình độ thấp hơn (cao đẳng, trung cấp), trong khi nhu cầu về lao động có tay nghề lại thiếu.

    Như vậy, thị trường lao động cần rất lớn nguồn nhân lực giỏi nghề đó là những kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ Cao đẳng, Trung cấp; Công nhân kỹ thuật lành nghề. Trong xã hội đã có nhiều người thành đạt lớn từ khởi nghiệp học nghề. Nhưng thực tế các học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT không muốn học nghề đang trở thành vấn đề của xã hội. Nguyên nhân do những định kiến, tâm lý trọng bằng cấp còn tồn tại ở hầu hết các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó còn nhiều lý do như việc thiếu thông tin về ngành học, chưa biết giá trị bản thân phù hợp với ngành mình học, thiếu định hướng trong việc chọn nghề. Do thiếu thông tin về nhu cầu và tiêu chí tuyển dụng lao động nên nhiều người không biết chọn nghề hoặc học nghề trái với nhu cầu xã hội.

     (Ông Trần Anh Tuấn)

⭐ Nhấp vào nút để được tư vấn chi tiết

Hãy kết bạn với Luyện thi Tuyensinh247 trên để xem thông tin mới nhất!


Bình luận: Tại sao học nghề ra lại thất nghiệp?

Viết bình luận

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247