Thi công chức 2013: Nhiều tỉnh 'nói không' với tại chức

Nam Định vừa công bố quyết định không tuyển cán bộ tốt nghiệp tại chức khiến danh sách các tỉnh nói “không” với hệ đào tạo dân lập, tại chức ngày một dài thêm.

Nam Định: Không nhận tại chức vì tỉnh học... quá giỏi

Mới đây, ngày 29/5/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã có thông báo số 88/TB-UBND về việc tuyển dụng 92 công chức năm 2013 đối với hệ đào tạo chính quy. Theo đó, người dự tuyển phải có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn, có trình độ, ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm và tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức cần tuyển.

Như vật, UBND tỉnh Nam Định tiếp tục nói không với bằng tại chức (tức hệ vừa làm vừa học) trong thông báo tuyển dụng công chức năm 2013. Thông tin này làm xôn xao dư luận những ngày qua. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết nguyên nhân là vì chất lượng đào tạo của tại chức thấp, thứ hai là vì Nam Định là tỉnh học quá giỏi.

Ông Tuấn phân tích: “Việc này tỉnh ủy đã bàn bạc rất nhiều. Trong thời kỳ chiến tranh, đất nước còn bị chia cắt, đời sống nhân dân còn khó khăn thì không có nhiều người được học hành đến nơi đến chốn, do đó mới phải dùng đến việc học tại chức, học chuyên tu...”. “Trước đây tôi có làm việc với những cháu học tại chức ra, quả thực là các cháu làm việc chậm chạp, nói mãi không hiểu...”, Chủ tịch tỉnh Nam Định cho biết thêm.

Cũng theo ông Tuấn, việc Nam Định không nhận bằng tại chức là nghị quyết 08 của Ban chấp hành Đảng Bộ tỉnh Nam Định từ khóa 17, đến nay đã áp dụng được gần 10 năm.

Thi cong chuc 2013: Nhieu tinh \'noi khong\' voi tai chuc
 Năm 2013, Nam Định tiếp tục nói không với tại chức. Ảnh minh họa: Internet

Đà Nẵng: Chất lượng hệ chính quy và tại chức... chênh lệch

Từ năm 2011, thành phố Đà Nẵng không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước. Đó là nội dung tờ trình của Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng về kế hoạch biên chế hành chính sự nghiệp tại kỳ họp thứ 17 hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VII diễn ra từ ngày 1-3/12/2010.

Chủ trương của chính quyền Đà Nẵng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đã được thành ủy thông qua. Mặt khác, một quan chức của Đà Nẵng tiết lộ, hiện nguồn nhân lực đang được đào tạo bằng kinh phí của thành phố vẫn chưa bố trí hết.

Thời gian qua, chính sách thu hút nguồn nhân lực của thành phố Đà Nẵng thường chú trọng đến yếu tố bằng cấp. Bằng chứng là trước khi chủ trương trên ra đời, nhiều ngành như ngành Giáo dục của Đà Nẵng cũng đã nói “không” với những sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức. Lý giải về chủ trương trên, một cán bộ quan chức ngành giáo dục ở Đà Nẵng cho rằng, “về bằng cấp là bình đẳng, nhưng chất lượng của hệ chính quy và hệ tại chức có sự chênh lệch”.

Không chỉ vậy, những tiêu chuẩn chọn cán bộ, công chức Đà Nẵng cũng đòi hỏi phải tốt nghiệp đại học chính quy, phải có lịch sử chính trị của bản thân và gia đình tốt, có hộ khẩu tại thành phố, là đoàn viên…

Không chỉ Đà Nẵng, Nam Định nói không với… tại chức

Bên cạnh Đà Nẵng, Nam Định, có rất nhiều tỉnh thành trong cả nước có quyết định không tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp hệ tại chức như: Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Nam, Hải Dương...

Tuy nhiên, Luật giáo dục đã quy định, mọi văn bằng đều có giá trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bằng tốt nghiệp của một người học ở trường đại học vùng cũng có giá trị như bằng tốt nghiệp ở một trường ĐH trọng điểm. Vì vậy, việc các địa phương nói “không” với bằng tại chức là không công bằng về mặt pháp lý.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn từng nói, thông báo không tuyển dụng không tuyển tại chức của một số địa phương là không đúng qui định pháp luật.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, quyết định không tuyển dụng người có bằng tại chức của là cực đoan vì không phải tất cả những ai học tại chức đều kém còn học chính quy là tốt.

Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học & sau đại học, Bộ GD&ĐT, ông Phan Mạnh Tiến bày tỏ quan điểm rằng việc tuyển dụng cán bộ công chức quan trọng là ở cách tuyển chứ không phải cách loại hồ sơ. Ông cũng cho rằng, tuy chất lượng đào tạo không chính quy còn hạn chế, nhưng không phải tất cả những người học không chính quy đều yếu kém.

Trả lời báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh-thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Trịnh Ngọc Thạch nói: Bằng cấp là quy định quốc gia và bình đẳng. Những địa phương từ chối bằng quốc gia này rõ ràng là vi phạm. Nhà nước có quy định rõ ràng đối với văn bằng các bậc học. Nó là hợp pháp và hợp lý. Nếu từ chối bằng tại chức là làm sai quy định.
 
Theo Thethaohangngay
 

10 bình luận: Thi công chức 2013: Nhiều tỉnh 'nói không' với tại chức

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247