Tuyển sinh 2013: Ngành nào đang 'hút' nhân lực?

Những ngành nghề tên tuy không hấp dẫn, nhưng ra trường lại xin việc dễ hơn. Những ngành tên hơi khó hiểu hoặc có vẻ lao động nặng nhọc, nhưng chưa tốt nghiệp ra trường đã có việc làm và cho thu nhập khá cao…

Đó là chia sẻ của những người quản lý và giảng dạy tại các trường  ĐH, CĐ.

Nhóm ngành kỹ thuật “lên ngôi”

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, sinh viên (SV) tốt nghiệp các ngành của trường đều xin việc tốt. Song những ngành ít SV đăng ký vào học thì xin việc dễ hơn như kỹ thuật vật liệu, công nghệ may. "Ở trường tôi, hai ngành này có rất nhiều tập đoàn và công ty đến trao học bổng cho SV. Khi các em chưa tốt nghiệp, các đơn vị đã đến đăng ký rồi. Những ngành điện tử, công nghệ thông tin (CNTT) có số lượng người học nhiều nhất. Hiện nhu cầu nhân lực những ngành này vẫn phát triển mạnh. Theo thống kê của trường, khóa đào tạo theo tín chỉ đầu tiên, sau 2 tháng tốt nghiệp đã có 69% SV có việc làm, sau 6 tháng là 97%, với mức lương trung bình 6,84 triệu đồng" - ông Sơn chia sẻ.

Tuyen sinh 2013: Nganh nao dang \'hut\' nhan luc?
Giờ thực hành của sinh viên trường Trung cấp nghề cơ khí Hà Nội. Ảnh:  Việt Dũng


Không chỉ vậy, bà Nguyễn Hằng Nga, Trưởng phòng Đào tạo CĐ Điện tử điện lạnh Hà Nội, nhu cầu nhân lực ngành CNTT ở khu vực ngoại thành Hà Nội cho biết, đang rất lớn. SV tốt nghiệp ra trường làm các ngành sử dụng CNTT thường có mức thu nhập tương đối khá. Thậm chí, SV chưa tốt nghiệp đã có việc làm với mức lương trung bình từ 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, HS và phụ huynh không hiểu rõ học ngành này ra làm công việc gì nên không đăng ký. Công nghệ may và Thiết kế thời trang cũng là 2 ngành "hot" của CĐ Công nghệ Dệt may Thời trang Hà Nội. Ông Hoàng Xuân Hiệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, 2 ngành này có tỷ lệ SV xin được việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp lên tới 92,7%.

500.000 nhân lực ngành du lịch

Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Theo dự báo của ngành du lịch Việt Nam, đến năm 2015 còn thiếu khoảng 500.000 nhân lực có chất lượng. Vì vậy, để nâng cao tính hướng nghiệp trong chương trình đào tạo, những năm gần đây khoa Du lịch và Khách sạn của ĐH Kinh tế Quốc dân đã phối hợp với các doanh nghiệp du lịch trong đào tạo và thực tập của SV. Điều này đã giúp cho tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm cao. Theo thống kê của khoa, 80% SV khoá 1 có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp, 8% đang lựa chọn các công việc phù hợp hơn và 12% tiếp tục theo học các chương trình MBA ở trong và ngoài nước.

Quản trị kinh doanh du lịch, Hướng dẫn viên du lịch là 2 ngành "hot" của Viện ĐH Mở Hà Nội. Giám đốc Lê Văn Thanh chia sẻ: "Theo thống kê của trường, 100% SV tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh và hướng dẫn viên du lịch có việc làm. Thậm chí, ngành hướng dẫn viên du lịch khi các em đi thực tập đã ổn định việc làm". Ông Thanh cũng cho biết, ngành kiến trúc, thiết kế công nghiệp (thời trang, nội thất) cũng có tỷ lệ SV tốt nghiệp xin được việc làm cao (95 - 99%), trong khi những ngành kinh tế giảm từ 92% xuống 60%. Dự báo, năm 2013 và những năm tới, nhu cầu nhân lực của ngành du lịch vẫn rất lớn.

“Bảo hộ lao động là 1 trong 2 ngành đang có nhu cầu nhân lực lớn. Theo quy định, mỗi doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên cần phải có ít nhất 1 kỹ sư bảo hộ lao động. Với việc một nửa trong số hơn 500.000 lao động có nhu cầu, các sở LĐTB&XH cũng cần có đội ngũ thanh tra, kỹ sư bảo hộ lao động thì nhu cầu nhân lực ngành bảo hộ lao động càng lớn. “ - PGS. Dương Văn Sao - Hiệu trưởng trường ĐH Công đoàn

Thủy Trúc (KTDT)

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Viết bình luận: Tuyển sinh 2013: Ngành nào đang 'hút' nhân lực?

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH