Tuyển sinh đầu cấp 2013 tại Hà Nội: Thực hiện chủ trương “4 rõ”

Nét mới trong chủ trương tuyển sinh đầu cấp năm 2013 tại Hà Nội là “4 rõ”: rõ về chỉ tiêu; rõ về phương thức; rõ về phân tuyến; rõ về thời gian. Khi thực hiện công khai “4 rõ”, các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể cùng đồng hành, kiểm soát công tác tuyển sinh đầu cấp với ngành giáo dục và chính quyền địa phương.

 

Nét mới trong chủ trương tuyển sinh đầu cấp: Công khai “4 rõ”

Sự đột biến về dân số trong năm “Heo vàng” 2007 đã dẫn đến những hệ lụy gì trong tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội, thưa ông?

Tuyen sinh dau cap 2013 tai Ha Noi: Thuc hien chu truong “4 ro”
Ông Nguyễn Hiệp Thống 

- Áp lực của tuyển sinh đầu cấp diễn ra ở Hà Nội nhiều năm nay, kể từ sau khi hợp nhất. Quy mô của ngành giáo dục – đào tạo Hà Nội trong năm học vừa qua lên tới khoảng 1,5 triệu học sinh, gần 2.500 trường, với trên 110.000 cán bộ, giáo viên, lớn nhất trong cả nước. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau là nếu cộng cả cha mẹ học sinh thì quy mô ngành giáo dục gần bằng 1/3 dân số của Thủ đô. Bởi vậy, vấn đề tuyển sinh đầu cấp luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội.

Năm nay, tuyển sinh đầu cấp ở Tiểu học có sự căng thẳng nhất định là do hệ lụy từ sự đột biến về dân số trong năm “Heo vàng” 2007. So với năm học trước, năm nay Hà Nội có 125.424 học sinh vào lớp 1, tăng xấp xỉ 11.000 học sinh; cộng thêm việc di dân, khiến dân số tăng cơ học trên địa bàn Thủ đô, càng làm tăng áp lực cho tuyển sinh lớp 1. Trong đó, huyện Sóc Sơn tăng khoảng 1.800 học sinh vào lớp 1, Cầu Giấy: xấp xỉ 600, Thanh Xuân: khoảng 800 em…

Tuy nhiên, với thành phố và ngành giáo dục Thủ đô, đây không phải vấn đề bất thường. Ngay sau hợp nhất, chúng tôi đã lường trước nhiều điều phát sinh trong công tác tuyển sinh năm học mới, như việc di dân vào nội đô, hệ lụy của những năm đẹp khi sinh trẻ… Vì vậy, trong suốt 6 năm vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có những chỉ đạo rất quyết liệt về việc chuẩn bị cơ sở vật chất trường học, đội ngũ nhằm đảm bảo cho học sinh trên địa bàn Thủ đô có đủ chỗ học.

Để hạn chế những lộn xộn trong công tác tuyển sinh đầu cấp, năm 2012, ngay từ trước mùa tuyển sinh, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Bích đã chỉ đạo không để cha mẹ học sinh xếp hàng qua đêm chờ lấy đơn xin học cho con. Còn năm nay, công tác chỉ đạo về tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội có gì mới không?

- Về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2013 – 2014, thành phố và ngành giáo dục Thủ đô vẫn tiếp tục quan điểm là dứt khoát không được gây căng thẳng, bức xúc cho các bậc cha mẹ học sinh trong việc tiếp nhận học sinh vào lớp 1, hay vào các trường mầm non.

Nét mới trong chủ trương tuyển sinh đầu cấp năm nay của Hà Nội là “4 rõ”: rõ về chỉ tiêu; rõ về phương thức; rõ về phân tuyến; rõ về thời gian. Khi thực hiện công khai “4 rõ”, các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể cùng đồng hành, kiểm soát công tác tuyển sinh đầu cấp với ngành giáo dục và chính quyền địa phương.

Năm học này, cũng theo truyền thống, UBND thành phố đã thành lập một Ban chỉ đạo công tác thi và tuyển sinh với sự vào cuộc của tất cả các ban ngành, các cấp có liên quan của thành phố đối với công tác thi và tuyển sinh.

Bên cạnh đó, từng quận, huyện, từng trường cũng thành lập ban tuyển sinh của mình. Như vậy, việc nhận học sinh sẽ công khai, minh bạch, rõ ràng. Đến ngày 20/5, các quận, huyện có báo cáo cụ thể về công tác tuyển sinh của mình. Thành phố giao cho UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm về việc rà soát đối tượng, phân tuyến tuyển sinh trên địa bàn.

Mặt khác, nguyên tắc tuyển sinh của Hà Nội từ nhiều năm nay là “3 tăng”, “3 giảm”: tăng về quy mô, chất lượng, tăng cơ sở vật chất để phục vụ tuyển sinh; và giảm sĩ số học sinh/lớp; giảm số lớp ở những trường có quá nhiều lớp và giảm số học sinh trái tuyến. 

Trái tuyến – Nhiều hệ lụy khôn lường

Mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, vấn đề trái tuyến lại thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo cha mẹ học sinh. Từ đó, nhiều vấn đề tiêu cực đã nảy sinh như việc “chạy trường”, “chạy lớp”. Dưới góc độ một người làm giáo dục, theo ông, vấn đề trái tuyến là do những nguyên nhân nào? Và hệ lụy của vấn đề này là gì?

- Trái tuyến không chỉ là vấn đề nóng của riêng Hà Nội mà của tất cả các thành phố lớn. Học trái tuyến nghĩa là hộ khẩu một nơi, học một nơi. Có muôn vàn nguyên nhân dẫn đến vấn đề trái tuyến, như: Cha mẹ không muốn cho con vào trường đúng tuyến vì khung cảnh sư phạm của trường chưa tốt, chất lượng giáo dục của trường đó chưa như mong muốn, dân trí trong khu vực chưa cao…; Nếu con học trường đúng tuyến gần nhà thì cha mẹ không đưa đón được con đi học, nên muốn xin cho con vào trường gần chỗ làm để tiện việc đưa đón; Cha mẹ muốn xin cho con vào học những trường có đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất tốt…; Thậm chí có trường hợp xin học trái tuyến chỉ vì nghe bạn bè, người quen rỉ tai là trường đó có cô A, thầy B dạy giỏi… 

Như vậy, trong vấn đề trái tuyến, có những trường hợp chọn thầy, chọn trường theo ý muốn chủ quan, nhưng cũng có những trường hợp là “chẳng đặng đừng” (như những gia đình không có người đưa đón trẻ nếu để trẻ học gần nhà, xa nơi làm việc của bố mẹ). Chính vì vậy, ngành giáo dục chưa bao giờ nói cấm tuyệt đối trái tuyến mà chỉ cố gắng hạn chế tình trạng này.

Hệ lụy của vấn đề trái tuyến có thể thấy rất rõ, mà hậu quả nặng nề nhất học sinh phải gánh chịu. Không phải ngẫu nhiên mà các địa phương luôn cố gắng xây trường để học sinh được đi học ở ngôi trường ngay trên địa bàn mình sinh sống. Thực tế, những học sinh phải học ở trường xa nhà chịu nhiều nỗi khổ, nhất là khi các em đi học vào những hôm thời tiết khắc nghiệt (trời lạnh, nắng chói chang, mưa bão…); khi tắc đường… Trái tuyến còn làm tăng không đáng có sĩ số học sinh/lớp, dẫn đến việc học sinh phải ngồi học chật chội, không đảm bảo các điều kiện theo quy định về diện tích lớp học, khoảng cách đến bảng…, làm phát sinh nhiều căn bệnh học đường như cong vẹo cột sống, cận thị… Những hệ lụy này có thể phải 15 – 20 năm sau mới thấy. Mặt khác, khi lớp học quá đông, giáo viên sẽ không thể quan tâm sâu sát đến từng học sinh, các em sẽ khó tiếp thu bài hơn, nhất là với những em có sức học trung bình, kém… 

Tuyen sinh dau cap 2013 tai Ha Noi: Thuc hien chu truong “4 ro”

Hà Nội đã có những giải pháp gì để hạn chế vấn đề trái tuyến, thưa ông?

Hệ lụy của vấn đề trái tuyến có thể thấy rất rõ, mà hậu quả nặng nề nhất học sinh phải gánh chịu. Những hệ lụy này có thể phải 15 – 20 năm sau mới thấy.

- Một trong những giải pháp quan trọng của Hà Nội để hạn chế vấn đề trái tuyến, với sự chỉ đạo sát sao từ Thành ủy, là mỗi phường phải có ít nhất một trường tiểu học, đáp ứng mọi nhu cầu học tập của người dân. Trong công tác tuyển sinh, ban chỉ đạo tuyển sinh của các quận, huyện, các trường rà soát từng trẻ trong độ tuổi trên địa bàn, ưu tiên trước hết cho học sinh có hộ khẩu thường trú tại địa bàn, rồi đến các đối tượng tạm trú, sau đó mới đến các đối tượng khác.

Hà Nội cũng xác định, để giảm bớt tình trạng trái tuyến, một trong những vấn đề cốt lõi là nâng cao chất lượng giáo dục, tạo mặt bằng chất lượng giữa các trường, xóa dần khoảng cách giữa các “trường điểm” với các trường được đánh giá là có chất lượng chưa tốt bằng nhiều giải pháp: Những trường nằm gần chợ, trong khu dân cư phức tạp… phải cùng chính quyền địa phương tạo cảnh quan sư phạm bên ngoài trường thật đẹp, thật trong lành; Không ngừng đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, sửa chữa, xây mới các phòng học, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp cho các trường; Thường xuyên tiến hành bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, nhất là ở những trường vùng khó. 

Đặc biệt, một giải pháp có hiệu quả được thành phố thực hiện từ nhiều năm nay là luân chuyển một số cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực ở các điểm trường trung tâm về làm hạt nhân ở các trường khó khăn, kèm theo các chính sách ưu tiên như tăng lương sớm, đưa vào danh sách đề bạt nếu phát huy được khả năng. Với cách làm này, nhiều trường ở vùng khó đã nâng cao được chất lượng, thu hút được học sinh, chiếm được lòng tin của các bậc cha mẹ học sinh. 

Khi chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất của các trường tương đối đồng đều, cộng thêm việc làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền thông qua nhiều kênh, trên các phương tiện thông tin đại chúng để những phụ huynh có ý định “chọn trường”, “chọn lớp” cho con hiểu rằng việc làm đó không cần thiết thì áp lực trái tuyến trong những năm gần đây ở Hà Nội đã không còn nặng nề như trước. 

Ông có lời khuyên nào đối với các bậc cha mẹ học sinh có ý định “chạy trường”, “chạy lớp” cho con?

- Theo tôi, lứa tuổi học sinh tiểu học cần “học mà chơi, chơi mà học”, cần nhiều thời gian để giao lưu với thầy cô, bạn bè. Do đó, các bậc cha mẹ không nên tạo áp lực không đáng có cho các em khi muốn con em mình phải vào “trường điểm”, “lớp chọn”, phải chạy đua trong học tập. Cha mẹ hãy cho con vào học những trường gần nhà, vào những lớp đáp ứng đúng các chuẩn thiết kế trường học, đúng điều lệ trường học quy định. Chỉ khi có những lý do “bất khả kháng”, như không có người đưa đón con, mới cần cho con học trái tuyến. 

Mặt khác, các bậc cha mẹ học sinh cũng cần lưu ý là có những đối tượng môi giới “chạy trường”, “chạy lớp”, với mục đích thu lợi cho bản thân, đã cố tình tung những tin đồn thất thiệt, gây căng thẳng cho công tác tuyển sinh. 

Xin cảm ơn ông!

Nét mới trong chủ trương tuyển sinh đầu cấp năm nay của Hà Nội là “4 rõ”: rõ về chỉ tiêu; rõ về phương thức; rõ về phân tuyến; rõ về thời gian. Khi thực hiện công khai “4 rõ”, các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể cùng đồng hành, kiểm soát công tác tuyển sinh đầu cấp với ngành giáo dục và chính quyền địa phương.

(GDTD)

 

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

Viết bình luận: Tuyển sinh đầu cấp 2013 tại Hà Nội: Thực hiện chủ trương “4 rõ”

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247