Bằng tại chức: Luật Công chức không cấm tuyển dụng, Luật Giáo dục không phân biệt giá trị bằng cấp

Đâu chỉ đào tạo hệ tại chức, liên thông mới yếu kém. Chất lượng sinh viên chính quy ra trường rất yếu cũng là sự nhức nhối khó lòng giải quyết. Để có những điểm sáng mở ra cho ngành giáo dục, rất cần những biện pháp giải quyết triệt để trong việc nâng cao nền giáo dục nước nhà…

Ảnh Internet
 
Không thể “vơ đũa cả nắm”
 
Nói một cách công bằng, thì hình thức đào tạo tại chức là một cách tiếp cận giáo dục phù hợp cho nhiều người. Nó tỏ ra hiệu quả với mô hình mà đất nước từng có thời kỳ hơn 80% dân số mù chữ. Trải qua các cuộc chiến tranh liên miên, nhiều người gác lại việc học, cầm súng chiến đấu bảo vệ đất nước. Khi giành lại được độc lập, họ muốn học tiếp trong khi vẫn lao động, lập gia đình là điều đương nhiên.
 
Cũng đã có nhiều người thành danh, trở thành các nhà lãnh đạo bằng con đường này. Nhưng càng ngày, hình thức học này đã bị biến tướng. Nhiều người đi học (hoặc thuê người học thay) tại chức để kiếm cái bằng, để hợp thức hóa con đường tiến thân. 
 
Anh Bùi Văn Trí ở Mỹ Đức (Hà Nội) người từng học tại chức chỉ ra: “Với con ông cháu cha học kém thì con đường học tại chức là cái phao mà họ bám rất chắc vào. Họ học như chơi, ra ra vào vào như cái chợ, rồi lại “làm luật” với giáo viên, ra trường vẫn có bằng, lại được làm những công việc rất nhàn hạ.
 
Trong tình hình đó, có thể nói phương pháp đào tạo tại chức giờ đây không chỉ lỗi thời mà còn là “bàn đạp” cho một số người lợi dụng tiến thân. Phải chăng đó cũng là cách để không ít trường tỏ ra mặn mà, dễ dãi với loại hình giáo dục này để tăng thu nhập. Đó là vấn đề tiêu cực mà nhiều năm qua tôi đã đúc kết được. Thế nhưng, đó không phải là tất cả. Vẫn nhiều người có nhu cầu thật và không thể nào dùng một cơ chế vơ đũa cả nắm”.
 
Nhiều rào cản mọc lên
 
Không chỉ là làn sóng “tẩy chay” những người học hệ tại chức, liên thông mà mới đây Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư quy định đào tạo liên thông, các học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp trường đang học muốn thi liên thông sẽ phải thi một hoặc hai môn văn hóa mà Bộ ra đề, thi chung với đợt thi ĐH-CĐ trên cả nước. 
 
Việc các ngành, địa phương đưa ra tiêu chí tuyển chọn cán bộ loại trừ những người có bằng tại chức cũng là những vật cản lớn cho loại hình đào tạo này. Tất nhiên, với “hình thức tuyển dụng mới” các địa phương đang rất muốn tuyển được những công chức có năng lực, trình độ vào bộ máy, để tận dụng có hiệu quả nhất nguồn nhân lực và phát huy được hiệu quả công tác.
 
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nên có những chính sách mềm dẻo, có lộ trình để không uổng công những người đã bỏ tâm huyết để đi học nâng cao. Theo anh Ngô Đức Tiến, một cử nhân tốt nghiệp loại giỏi cho rằng không nên phân biệt loại hình giáo dục chính quy hay tại chức mà hãy để thị trường lao động tự quyết định chọn lựa. Anh nói: “Các công ty nước ngoài thường thì người ta phỏng vấn, tìm người có năng lực thích hợp trước khi xem bằng cấp.” 
 
Đề cập đến vấn đề này, mới đây, trong cuộc họp báo thường kỳ, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Xuân Bình cho biết đã nhận được rất nhiều băn khoăn của công chúng trước thông tin nhiều tỉnh thành nói "không" với bằng tại chức khi tuyển công chức.
 
Ông Bình khẳng định, những quy định hiện hành về tuyển dụng công chức phải được thực hiện thống nhất trong cả nước. "Luật Công chức không cấm việc tuyển dụng những người có bằng tại chức, Luật Giáo dục cũng không phân biệt giá trị các loại hình bằng cấp". 
 
Khi các văn bằng đều có giá trị tương đương trước pháp luật, không phân biệt loại hình công lập hay dân lập, chính quy hay tại chức, cơ hội đăng ký dự tuyển công chức là như nhau, vấn đề là phải chọn được người có năng lực đảm đương nhiệm vụ và phục vụ xã hội. Do đó, việc thi tuyển phải bảo đảm công bằng, công khai và chất lượng. 
 
Làn sóng “tẩy chay” bằng tại chức, liên thông là sự phản ứng của thị trường lao động trước mặt hàng người lao động kém chất lượng. Đó là một điều tất yếu, buộc những nhà làm chính sách giáo dục phải cân nhắc kỹ để giải bài toán hóc búa này.
 
Chung quy lại, đâu chỉ đào tạo hệ tại chức, liên thông mới yếu kém. Chất lượng sinh viên chính quy ra trường rất yếu cũng là sự nhức nhối khó lòng giải quyết. Để có những điểm sáng mở ra cho ngành giáo dục, rất cần những biện pháp giải quyết triệt để trong việc nâng cao nền giáo dục nước nhà…

Theo thethaohangngay

 

1 bình luận: Bằng tại chức: Luật Công chức không cấm tuyển dụng, Luật Giáo dục không phân biệt giá trị bằng cấp

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247