Bộ GD&ĐT từ chối “cởi trói” liên thông

Mùa tuyển sinh đầu tiên sau khi Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định sinh viên cao đẳng tốt nghiệp dưới 36 tháng muốn liên thông lên đại học phải thi đầu vào cùng các học sinh phổ thông đã khiến các trường thực sự lao đao.

 

Chật vật tuyển sinh

Trường Cao đẳng Kinh tế thương mại Hà Đông có 2.000 chỉ tiêu cho hệ cao đẳng nhưng tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ có trên 1.800. Số thí sinh đến dự thi thực tế còn ảm đạm hơn rất nhiều, chỉ có 695 em, đạt tỷ lệ khiêm tốn là 38%.

Trong số này, có 492 em trúng tuyển, chưa bằng 25% số chỉ tiêu, dù điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy ít ỏi nhưng con số 492 em thi đỗ vẫn không đồng nghĩa với việc trường có thể tuyển được chừng ấy em ở nguyện vọng 1 vì tỷ lệ học sinh đỗ “ảo” (đỗ nhưng không đi học) là rất cao. Theo Trưởng phòng Đào tạo của trường, ông Đặng Văn Tung, nhiều thí sinh trúng tuyển cả đại học nên sẽ từ chối học cao đẳng.

Vì thế, dù đã gửi giấy báo nhập học cho gần 500 em, trường Cao đẳng Kinh tế thương mại Hà Đông vẫn phải đăng thông báo xét tuyển 2.000 chỉ tiêu với mức điểm xét tuyển chỉ bằng điểm sàn.

Phải dành phần lớn chỉ tiêu ở việc xét tuyển cũng là tình hình chung của rất nhiều trường cao đẳng. Trường Cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh xét tuyển thêm 1.500 chỉ tiêu. Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc xét tuyển bổ sung 600 chỉ tiêu (trên tổng số 750 chỉ tiêu), trường Cao đẳng Tài chính Hải quan cũng xét tuyển thêm 200 em dù tổng chỉ tiêu chỉ có 500 em. Trường Cao đẳng Viễn Đông tuyển 2.500 chỉ tiêu nhưng hiện chỉ có trên 400 em nhập học.

“Chưa khi nào việc tuyển sinh khó như năm nay,” bà Phan Thị Lệ Thu, Giám đốc Trung tâm tư vấn việc sinh viên, Trường Cao đẳng Viễn Đông than thở.
 
Bo GD&DT tu choi “coi troi” lien thong
Thí sinh dự thi kỳ tuyển sinh 2013. AMH

“Cầu cứu” Bộ Giáo dục


Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, bà Phan Thị Lệ Thu cho biết, tâm lý chung của các thí sinh khi học cao đẳng vẫn muốn được học lên đại học. Thông tư 55 tuy vẫn cho các em được học liên thông nhưng lại phải vượt “rào cản” là kỳ thi tuyển sinh. Điều này khiến nhiều em e ngại và vì thế không còn mặn mà với hệ cao đẳng.

Cũng theo bà Thu, việc không tuyển được sinh viên đồng nghĩa với việc trường sẽ đứng trước rất nhiều khó khăn về tài chính để có thể đảm bảo chất lượng đào tạo do không có nguồn thu từ học phí.

Cùng chung lo lắng này, ông Đặng Văn Tung cho rằng việc quy định của Bộ là hợp lý nhưng hơi đột ngột, đưa ra và áp dụng ngay, không có lộ trình, khiến trường và cả học sinh bị động.
 
Trước tình hình tuyển sinh khó khăn, lãnh đạo một số trường cao đẳng đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có cách nào “cởi trói” Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT để giúp các trường “dễ thở” hơn trong việc tuyển sinh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn từ chối.

Theo Bộ trưởng Luận, thông tư này nhằm trả các trường về đúng vị trí, nhiệm vụ đào tạo của mình, chấm dứt tình trạng học sinh coi các bậc trung cấp, cao đẳng là điểm dừng chân để học lên đại học.

Vì thế, ông Luận cho rằng hiệu trưởng các trường cần nghiên cứu quán triệt vấn đề quan trọng nhất là phân luồng, làm sao để chuyện học nghề, học cao đẳng không phải là con đường vòng. Trung cấp, cao đẳng, học nghề là học có nghề để đi làm, sau đó nếu có điều kiện thuận lợi thì đi học tiếp. Mục tiêu thiết kế hệ thống là để tạo nhân lực ở các cấp độ khác nhau cung cấp cho thị trường lao động.

“Không thể vì thấy thiếu chỉ tiêu mà kiến nghị. Chúng ta phải nhìn sâu hơn rằng không tuyển sinh được là vì những lý do gì. Nếu các em vào trường để có mục tiêu cuối cùng là vào đại học thì việc thành lập các trường cao đẳng, các trường trung cấp là sai mục tiêu, không thực hiện được sứ mạng và chúng ta sẽ tiếp tục việc mất cấn đối giữa thầy với thợ,” Bộ trưởng Luận nói.

Có thể thấy với quan điểm cứng rắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, các trường cao đẳng thay vì đào tạo "đại học dự bị" sẽ phải chuyển hướng để có thể thu hút được người học, như việc nâng cao chất lượng đào tạo hoặc quan tâm lo đầu ra cho sinh viên. Nói như Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đây là quy định đúng nhằm đưa liên thông trở về đúng bản chất của nó, chứ không phải là “nồi cơm” kiếm tiền của các nhà trường.

"Bị ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp nên các trường sẽ có phản ứng là đương nhiên, nhưng không thể vì thế mà làm sai lệch chủ trương đúng đắn của liên thông là tạo điều kiện thuận lợi cho người học có cơ hội học tập suốt đời chứ không phải là đường vòng lên đại học," ông Hạc nói.
 
Theo Phạm Mai (VN+)

 

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

1 bình luận: Bộ GD&ĐT từ chối “cởi trói” liên thông

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH