Chuyện dạy văn: Bao giờ mới hết sáo mòn và căn bệnh hình thức

Với đề văn mở được đánh giá là khá hay và mang tính thời sự trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay sẽ phát triển, khuyến khích học sinh tư duy theo thực tế. Trái với những gì được nhận định, đáp án đưa ra lại dập khuôn và "không hề mở".

Chuyen day van: Bao gio moi het sao mon va can benh hinh thuc

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp

Đề thi đã thực sự hay và và “mở”?

Về câu nghị luận xã hội của đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay (yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam), đã có nhiều ý kiến khen nức nở, rằng đây là một đề hay, có tính thời sự, có tính nhân văn, tính giáo dục cao, là đề “mở”, có ý nghĩa động viên tinh thần gia đình học sinh Nguyễn Văn Nam, thậm chí được khen là “quá hay”...

Đề thi năm nay có tính chất thời sự là điều dễ thấy, vì sự kiện diễn ra ngay sát thời gian tổ chức kì thi, đang được dư luận quan tâm. Nhưng cho rằng đây là một đề mở và hay thì chưa chính xác.

Đề thi chỉ “mở” về mặt hình thức, còn về bản chất vẫn là khép kín, trói buộc tư duy thí sinh. Ngay trong phần yêu cầu nghị luận đã có định hướng: “Viết một bài văn ngắn bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam…”. Về nguyên tắc, đề “mở” thì không định hướng, gợi ý như vậy. Tính chất của hiện tượng cuộc sống ra sao hãy để thí sinh tự đánh giá.

Nói đề thi tính chất “mở”, nghĩa là thí sinh có thể bộc lộ những suy nghĩ, đánh giá riêng của bản thân về một hiện tượng. Nhưng thực chất, đề thi nói trên không tạo cơ hội cho thí sinh bộc lộ những suy nghĩ riêng, độc đáo. Bởi vì hành động của Nguyễn Văn Nam chỉ có thể đánh giá ở phương diện hoàn toàn tích cực, đơn nhất, thống nhất về mặt nhận thức, tình cảm; không phải là sự kiện có thể nhìn ở nhiều góc độ, có nhiều ý kiến khác nhau. Một đề nghị luận xã hội hay là phải nêu ra được sự kiện, hiện tượng “có vấn đề”, có khả năng gợi nên nhiều nhận thức, tình cảm khác nhau, thậm chí đối lập.

Nhận xét đề trên là “quá hay” vì có tính nhân văn, tính giáo dục, vậy xin hỏi các câu khác về cuộc đời, số phận người mẹ (truyện ngắn “Thuốc” của Lỗ Tấn), người phụ nữ (Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài), cả xúc của nhà thơ về đất nước (đoạn trích “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm) trong cùng đề thi là kém hơn về tính nhân văn, tính giáo dục hay tính gợi cảm? Phải chăng vì sự kiện mới diễn ra nên dễ gây xúc động đối với thí sinh hơn? Nói như vậy để thấy sự cảm tính trong nhận xét về đề thi của một số người.

Đáp án thiếu logic và cái bẫy “suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”

Trước băn khoăn của nhiều người về phương án chấm thi, tại cuộc họp báo ngày 4/6/2013, ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: Đề mở nên có nhiều cách chấm khác nhau, Bộ không áp đặt cho lớp trẻ một đáp án cố định. Ông Hiển cũng cho biết xu hướng ra đề mở tiếp tục được triển khai cho các năm tiếp theo.

Ngoài yêu cầu nghị luận đã định hướng, đáp án (hướng dẫn chấm bài) của Bộ GD – ĐT thể hiện rõ xu hướng đồng nhất, đơn nhất và đơn giản trong đánh giá, quanh đi quẩn lại, suy nghĩ của thí sinh cũng không thể “chạy đi đâu cho thoát” ngoài mấy từ ngữ: “dũng cảm”, “tấm gương sáng”, “nhân ái”, “nghĩa cử cao đẹp”, “phi thường”, “cảm phục”…Những suy nghĩ như vậy đương nhiên là đúng, nhưng sáo mòn, chẳng có gì mới mẻ, sáng tạo, không thể có cơ hội để thí sinh thể hiện nét riêng, độc đáo trong tư duy, quan điểm.

Một nghịch lí là Bộ GD- ĐT có vẻ “thoáng” khi lưu ý: “Nếu thí sinh có những suy nghĩ, kiến giải riêng mà hợp lí thì vẫn được chấp nhận”, nhưng liền vội “rào” lại ngay: “Không cho điểm những bài làm có những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”. Sao lạ vậy?.

Theo nguyên tắc chấm thi, giám khảo phải tuân thủ hướng dẫn chấm của Bộ, nếu thí sinh có ý khác với đáp án, thì giám khảo phải trao đổi với Chủ tịch hội đồng chấm thi, được Hội đồng chấm thi thống nhất thì mới được phép cho điểm, một số trường hợp cần ý kiến của Bộ. Với hiện tượng hi sinh anh dũng của Nguyễn Văn Nam, ngoài mấy ý của đáp án, liệu thí sinh còn nghĩ được điều gì khác mà hợp lí, nếu không muốn rơi vào cái bẫy “suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”? Thế nào là “lệch lạc, tiêu cực”, ngay cả Bộ GD – ĐT cũng không xác định rõ, giám khảo làm sao dám khẳng định? Thế là lại phải trao đổi, họp hành, tranh cãi. Đúng ra Bộ phải có hướng dẫn cụ thể. Trong tình huống còn nhiều vấn đề chưa thống nhất thì không nên sử dụng câu này. Bộ GD-ĐT đã vô hình trung làm khó cho giám khảo và các Hội đồng chấm thi.

Với hiện tượng mà đề bài yêu cầu bình luận, thực chất chỉ cần gói gọn trong vài dòng là đủ. Nhưng đã là câu 3 điểm, thì buộc đáp án phải phân chia thành nhiều ý cho đủ với cơ cấu các điểm số lẻ (0,5 điểm), tương ứng với 6 ý (6 gạch đầu dòng). Điều này, ngay bản thân người ra đề cũng lúng túng và dẫn tới hiện tượng đáp án thiếu logic và trùng lặp, thậm chí có những yêu cầu thừa. Ví dụ ý “Giới thiệu hiện tượng Nguyễn Văn Nam”, thí sinh chỉ cần chép lại đề là đã có 0,5 điểm. Hiện tượng cuộc sống đề bài đã nêu ra đầy đủ, nay nêu lại nữa để làm gì?

Một ý trong đáp án theo chúng tôi là rất mâu thuẫn: “Việc làm của Nguyễn Văn Nam là một nghĩa cử cao đẹp, dũng cảm phi thường, song không phải là cá biệt. Hành động này còn giàu ý nghĩa tích cực trong bối cảnh cuộc sống hiện tại” (?!). Đã “phi thường” (khác thường, đáng khâm phục) thì đương nhiên không thể “cá biệt” (theo nghĩa riêng lẻ, tiêu cực). Chúng tôi quả không hiểu Bộ GD- ĐT muốn diễn đạt ý/thông điệp gì trong câu vừa nêu! Rồi “bối cảnh cuộc sống hiện tại” này là thế nào, với hàm ý gì? Hành động của Nguyễn Văn Nam có ý nghĩa tích cực ở bất cứ thời/bối cảnh cuộc sống nào, chứ không chỉ riêng cho thời điểm hiện tại.

Các yêu cầu của đáp án đối với thí sinh “học tập tấm gương Nguyễn Văn Nam”, và “phê phán lối sống ích kỉ, vô cảm” theo chúng tôi là còn nặng về hình thức, có tính chất cầu toàn, “tạo điều kiện” cho thí sinh nói dối. Không hiểu đây là đáp án môn Ngữ văn hay là môn Giáo dục công dân (đạo đức)? Không hiểu Bộ GD – ĐT muốn để thí sinh bộc lộ tình cảm chân thực hay là để các em hô khẩu hiệu suông? Là người đã từng dạy văn, chấm văn nhiều năm, chúng tôi có thể khẳng định hầu hết các thí sinh viết lách dạng “phê phán” và “học tập” để lấy điểm theo yêu cầu của đáp án đều là nói dối. Điều này đã được thể hiện trong thực tế: dù chúng ta đã và đang cố dạy văn lâm li, sướt mướt, “lên bổng xuống trầm” nhưng tình trạng vô cảm trong xã hội ngày càng gia tăng; thậm chí xẩy ra ngay trong chính đội ngũ giáo viên dạy văn.

Một nghịch lí là dù có nhiều câu thừa, ý trùng lặp như đã nêu, nhưng đáp án của Bộ GD - ĐT lại thiếu một ý quan trọng, đó là tấm gương hi sinh anh dũng của học sinh Nguyễn Văn Nam là một sự kiện bi tráng, đã gây xúc động sâu sắc, lay động hàng triệu trái tim, có sức lan tỏa mạnh mẽ, gợi nên những cảm xúc/tình cảm cao thượng trong cộng đồng.

Chúng tôi cho rằng vì chạy theo sự kiện thời sự (sự việc diễn ra ngay trước hoặc trong thời gian ra đề), nên đề thi nghị luận xã hội năm nay được hình thành một cách gấp gáp, chưa có sự ấp ủ, chuẩn bị kĩ lưỡng. Thiết nghĩ, Bộ GD – ĐT cần rút kinh nghiệm về khâu chuẩn bị đề thi, đáp án, lựa chọn thành phần ra đề, phản biện đề thi.

Còn về 3 câu thuộc phần nghị luận văn học thì rơi vào tình trạng “muôn năm cũ”, chủ yếu yêu cầu thuộc lòng, đã có sẵn trong các bộ đề, phao thi, là sự cổ vũ cho xu thế dạy học “đọc – chép”. Từ đó, có thể thấy đáp án cho câu hỏi bao giờ dạy học văn trong nhà trường phổ thông thoát khỏi căn bệnh hình thức, sáo mòn đang còn bỏ ngỏ.

Theo infonet

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

1 bình luận: Chuyện dạy văn: Bao giờ mới hết sáo mòn và căn bệnh hình thức

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH