Có nên làm nhân viên kinh doanh?

Chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế, thị trường việc làm thời gian gần đây vẫn chưa thoát khỏi cảnh "ảm đạm", nhưng 1 trong những ngành hot vẫn liên tục được các công ty tuyển dụng chính là nhân viên kinh doanh. Chấp nhận làm trái ngành hay tiếp tục chờ việc? Đâu là lựa chọn của bạn?

Những câu hỏi về lựa chọn giữa công việc yêu thích và ngành học đã tốt nghiệp luôn là băn khoăn của những bạn trẻ, đặc biệt là những bạn sinh viên mới ra trường. Cùng giải đáp những thắc mắc này nhé! 

* Em tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành kỹ thuật điện tử viễn thông được 1 năm. Giờ em đang rất bối rối và không định hướng được con đường đi cho mình.

Hiện em là nhân viên bán hàng cho một công ty, lương hằng tháng chỉ đủ chi tiêu trong tháng sau, nhưng được cái công việc khá nhẹ nhàng. Em băn khoăn vì mình tốt nghiệp ngành kỹ thuật mà lại đi làm kinh doanh, không biết đó có phải là lựa chọn sai lầm không? Lúc đầu em chỉ nghĩ làm kinh doanh một thời gian rồi đợi cơ hội xin vào làm kỹ thuật của công ty, nhưng đã gần 1 năm em vẫn không xin được vào kỹ thuật. Giờ em không biết mình có nên tiếp tục chờ đợi cơ hội hay bỏ công việc kinh doanh để xin vào làm công nhân ở một công ty khác. Đối với em, làm công nhân chẳng khác nào tự nhận mình là kém cỏi; mà tiếp tục làm kinh doanh thì không biết tương lai sẽ về đâu. Rất mong nhận được lời khuyên từ chương trình. (luuthai10@)

- Hiện nay việc các bạn trẻ ra trường làm trái ngành là rất phổ biến, trong số đó cũng rất nhiều bạn thành công, do đó bạn đừng quá lo lắng về việc làm trái ngành của mình.

Điều bạn cần lưu ý là bạn đã nhận biết được ngành nghề nào phù hợp với mình chưa; bạn có thật sự yêu thích ngành mình đã học và quyết tâm đi theo ngành nghề này không; khi làm bán hàng bạn thấy mình có làm tốt công việc và thích làm việc này không...

Trên thực tế, có nhiều bạn học ngành kỹ thuật, khi ra trường làm bán hàng chuyên về hàng kỹ thuật, nhờ vậy các bạn đó tận dụng được lợi thế của mình về ngành học và cũng phát triển thêm khả năng kinh doanh.

Nếu bạn thật sự thấy mình phù hợp làm việc kỹ thuật, không phù hợp kinh doanh và hiện tại không thể tìm được việc làm kỹ thuật nào thì bạn cũng đừng quá e ngại để khởi đầu từ công nhân. Thực tế cho thấy có rất nhiều công nhân có tay nghề, có bằng cấp chuyên môn về kỹ thuật sau một thời gian ngắn được cất nhắc vào các vị trí tương xứng với năng lực và con đường thăng tiến của họ rất vững vàng vì họ đã từng kinh qua những công việc nhỏ nhất.

Chúc bạn thành công!

Co nen lam nhan vien kinh doanh?


* Em tốt nghiệp ĐH chuyên ngành thương mại, đã xin việc từ 6 tháng nay (vị trí sales), được khá nhiều công ty nhận nhưng mức lương chỉ 2-2,5 triệu nên em đi tìm những cơ hội tốt hơn.

Thời gian sau, em chỉnh sửa hồ sơ và xin vào vị trí chăm sóc khách hàng vì không thích chịu áp lực doanh số khi làm sales, nhưng em thực sự không biết mình có làm tốt công việc này không. Em là người nhiệt tình, cởi mở, thân thiện, suy nghĩ tích cực và thích mở rộng các mối quan hệ.

Em nhận được phản hồi tốt từ phía bạn bè và khách hàng ngay từ lần đầu tiên (lúc còn là SV, em có làm thêm các vị trí phục vụ, bán hàng và thu ngân nhà sách). Nhưng em được nhận xét là hiền, “không miệng lưỡi” nên có thể sẽ bị nhà tuyển dụng đánh giá không cao về hiệu quả giao tiếp. Từ những chia sẻ trên, em rất mong nhận được lời khuyên của anh/chị về định hướng nghề nghiệp. Em nên chờ việc hay trải nghiệm một công việc để lấy kinh nghiệm khi áp lực kinh tế và thời gian trôi qua từng ngày? (Hoàng Thị Mai)

- Theo trình bày của bạn thì bạn có vẻ khá phù hợp với vị trí nhân viên dịch vụ chăm sóc khách hàng. Trên thực tế, nhân viên phục vụ khách hàng cũng kiêm nhiệm luôn việc sales.

Những vấn đề bạn đang gặp phải trong quá trình tìm việc vừa qua là những thử thách ban đầu mà bất cứ sinh viên mới ra trường nào cũng phải trải qua, do đó bạn hãy bình tĩnh và kiên nhẫn tìm việc, đừng vội nản lòng và mất tự tin. Điều bạn cần làm hiện nay là tìm kiếm một công việc vừa sức mình, thuộc lĩnh vực bạn có nhiều hứng thú, đừng quá đặt nặng về lương bổng trong thời gian đầu.

Bạn nên chú tâm vào làm việc lấy kinh nghiệm, trau dồi các kỹ năng cần thiết trong công việc, thể hiện được năng lực của mình, cống hiến được càng nhiều càng tốt cho doanh nghiệp nơi mình làm, từng bước củng cố chỗ đứng của mình trong công ty. Ngay khi việc làm của bạn được đánh giá cao, tự động mức lương và thu nhập của bạn sẽ được cải thiện, bạn cũng tự tin hơn về khả năng của mình, từ đó nhiều cơ hội khác sẽ đến với bạn.

Về công việc sales, bạn đừng quá lo lắng về áp lực doanh số. Trên thực tế, các doanh nghiệp luôn đưa ra một mức doanh số để tạo động lực cho nhân viên phải cố gắng, đó cũng là một mức chuẩn để đánh giá năng lực nhân viên. Tuy nhiên, không phải lúc nào công ty cũng chỉ nhìn vào doanh số để đánh giá nhân viên, mà họ nhìn vào cách làm việc, thái độ và sự nỗ lực của nhân viên là chính.

Thông thường, công ty sẽ có sẵn một số khách hàng, một nhân viên sales mới chỉ cần phục vụ tiếp các khách hàng đó. Cũng có trường hợp các quản lý chủ chốt đưa thông tin khách hàng mới cho nhân viên sales tiếp cận. Khi đó, nhân viên sales mới cần nỗ lực tìm kiếm, tiếp xúc, tận tâm phục vụ khách hàng… và báo cáo cho sếp biết mình đã nỗ lực làm điều đó như thế nào, kết quả ra sao; nếu chưa thuyết phục được khách hàng thì lý do là gì.  

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc tìm kiếm khách hàng và kiếm được doanh thu cao không phải là dễ, các cấp quản lý đều hiểu được điều đó nên họ không quá đặt nặng vấn đề doanh số mà mục tiêu chính là duy trì hoạt động giới thiệu sản phẩm dịch vụ đến khách hàng, làm tốt việc phục vụ khách hàng hiện hữu, khai thác tối đa doanh thu từ việc đáp ứng càng nhiều càng tốt nhu cầu khách hàng đang có.

Hầu hết các bạn trẻ quá lo lắng về việc không thể kiếm khách hàng mới, không thể mang về doanh số được giao nên không dám đảm nhận vị trí sales. Các bạn cần biết đặc điểm của nghề sales là sẽ khó khăn trong vài tháng đầu cho đến khi bạn phục vụ được khách hàng đầu tiên thành công, sau đó mọi việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Nếu làm sales cho một ngành nào đó lâu dài, bạn sẽ tích lũy được nhiều thông tin và am hiểu về sản phẩm/dịch vụ đó, tăng cường mối quan hệ trong ngành, tạo dựng được uy tín, mối quan hệ, có thêm nhiều khách hàng, lâu dần bạn còn có thể tạo dựng kinh doanh riêng cho mình.

Tóm lại, bạn hãy mạnh dạn dấn thân vào một công việc, làm hết mình, đừng suy nghĩ đắn đo cân nhắc quá nhiều, chính công việc sẽ dạy cho bạn biết bạn có phù hợp với nó hay không, chính sự nỗ lực của bạn sẽ mang đến cho bạn nhiều cơ hội và lợi ích về kinh tế.

Chúc bạn thành công!

 

Theo Thethaohangngay

 

Viết bình luận: Có nên làm nhân viên kinh doanh?

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247