"Đại náo học đường" hài hước nhưng vẫn lắng đọng ý nghĩa

Phim "Đại náo học đường" được khán giả đánh giá cao, nội dung phim hài hước nhưng vẫn không bị nhảm nhí mà đem lại sự lắng đọng và ý nghĩa.

Chọc cười kiểu… trẻ con!
Sự xuất hiện của bộ ba danh hài Hoài Linh – Chí Tài – Hoàng Sơn trong bộ đồng phục học sinh đã đủ khiến nhiều người tò mò ngay khi “Đại náo học đường” còn đang trên phim trường. Hoài Linh từng thổ lộ anh không khỏi bất ngờ khi đọc kịch bản phim và còn mắt tròn mắt dẹt hỏi lại đạo diễn Lê Bảo Trung rằng mình từng này tuổi làm sao mà trở thành học sinh được. Nhưng vị đạo diễn nổi tiếng với các bộ phim về đề tài học đường đã khôn khéo tìm ra cách “lách” để giảm bớt sự bất hợp lý này, đó là cho các nhân vật vào học trong một trung tâm giáo dục thường xuyên, nơi có cả học sinh già lẫn học trò trẻ. Vậy là người xem khó tính nhất cũng có lý do để chấp nhận việc các danh hài đồng loạt “cưa sừng làm nghé”. Song dẫu vậy thì phim cũng không thoát được môtip hài quen thuộc với việc chọc cười người xem từ tạo hình có chút kệch cỡm đến lời thoại ngô nghê và hành động chẳng giống ai. 
MG-2201-8245-1381201025.jpg

Hoài Linh và Hoàng Sơn "cưa sừng làm nghé" trở thành học sinh trong đồng phục sơ mi trắng, quần âu.

Nhiều phân đoạn trong phim khiến người xem có cảm giác như đang xem tấu hài trên sân khấu, từ chiếc kính đồ chơi bằng nhựa to đùng mà các nhân vật đeo khi đến lớp; hay việc Hoài Linh hết móc cặp sách vào đỉa quần lại mặc áo choàng tắm, thắt gối nơ ở bụng, đánh môi má đỏ choét rồi múa may rót trà như các “Geisha” Nhật Bản… Bộ ba danh hài luống tuổi cũng thường xuyên có kiểu biểu hiện cảm xúc rất trẻ con với màn nhảy chân sáo và múa “lăm vông”. Có cảnh đạo diễn Lê Bảo Trung còn cho các nhân vật của mình ngồi trước màn hình máy tính, phồng mang trợn má, vừa hát vừa múa theo điệu nhạc Hàn đậm chất “xì tin”…
Những kiểu tạo hình và dàn cảnh như thế này không chỉ điểm xuyết mà kéo dài từ đầu đến cuối phim. Dĩ nhiên cùng với đó thì các nhân vật chính cũng thường xuyên chọc cười khán giả bằng những câu nói ngô nghê quá mức, kiểu như: “Ba em vợ chết lâu rồi, ở một mình buồn lắm, cô đến lấy ba em về đi”. Không chỉ vậy, vốn ưa thích các pha hành động nên ở bộ phim này, đạo diễn Lê Bảo Trung cũng đưa vào không ít cảnh rượt đuổi và đánh đấm ở cả trên bộ lẫn trên sông, song vẫn phi lôgic kiểu như hai băng nhóm xã hội đen đang chuẩn bị quyết đấu thì quay sang nhảy Hip-hop trên nền nhạc phát ra từ một chiếc xe bán hàng rong ven đường; hay cảnh Hiếu Hiền nhảy từ trên cầu xuống chiếc ca-nô mà Hoài Linh lái, múa may một hồi trước khi lăn ra bất tỉnh. Như thể đã mặc định, phim hài Việt trước giờ đều có những cảnh phi lôgic kiểu như thế, nhà làm phim vẫn chọc cười khán giả kiểu ngô nghê như thế và “Đại náo học đường” cũng không ngoại lệ. 
Lắng lại vì xúc động
So với chính những bộ phim hài mà đạo diễn Lê Bảo Trung từng làm trước đây thì “Đại náo học đường” có sự hơn hẳn về ý nghĩa và giá trị thông điệp. Phim có sự bát nháo và yếu tố gây cười bề nổi nhưng vẫn có những cảnh khiến người xem phải lắng lại vì xúc động. Như cảnh anh học trò đầu gấu Hiền chuyên bắt nạt cô bạn khuyết tật cùng lớp cũng có lúc ra tay vì việc nghĩa khi rượt đuổi theo cướp để giành lại mớ vé số cho một bà lão qua đường với suy nghĩ hồn nhiên: “Cũng có lúc phải làm người tử tế”. 

LBT4026-6947-1383448537.jpg

Nhân vật của Hoài Linh ra tay đánh bọn cướp khi cả hai bị tấn công bất ngờ. 

Hay như cô bạn học sinh khuyết tật phải đi lại bằng đôi nạng nhưng vẫn lạc quan vào cuộc sống với niềm tin một ngày nào đó sẽ trở thành nhà văn để thỏa sức  phiêu lưu với thế giới tưởng tưởng của mình: “Tuy em bị què nhưng ước mơ của em không bị què”. Rồi kho báu mà những kẻ giang hồ chuyên đâm thuê chém mướn tìm kiếm sau khi ông trùm của mình qua đời, hóa ra chỉ là một chữ “Nhân” được chạm trổ phía sau bức tường nhà. 
Cảnh Hiếu Hiền đứng trên sân khấu vừa hát vừa khóc trong một buổi biểu diễn văn nghệ gây quỹ từ thiện để phẫu thuật chân cho cô bạn mà mình hay bắt nạt, rồi kêu gọi cha mình và đàn em dưới trướng ông hoàn lương, cũng khiến người xem lặng đi. Sự phi lôgic chiếm gần trọn cả phim, song tính nhân văn được đan cài trong nhiều tình tiết đã khiến “Đại náo học đường” không đến nỗi nhảm nhí như nhiều bộ phim chọc cười đơn thuần khác. Tuy thế với những gì mà đạo diễn Lê Bảo Trung thể hiện ở bộ phim này vẫn không thể gỡ gạc cho lối mòn phim hài Việt.  

Theo thethaohangngay 

Viết bình luận: "Đại náo học đường" hài hước nhưng vẫn lắng đọng ý nghĩa

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247