David McCullough Jr.: Hãy nói thẳng!

“Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì là đặc biệt" là câu kết của bài diễn văn "gây chấn động" của thầy giáo David McCullough Jr.

David McCullough Jr.: Hay noi thang!
Ông David McCullough Jr.. - Ảnh: Janice.

* Đã gần bốn tháng kể từ ngày bài nói chuyện của ông nổi đình nổi đám khắp thế giới. Ông đã có những trải nghiệm nào đáng nhớ trong khoảng thời gian này?

- Giải thưởng lớn, việc được cả thế giới vinh danh... là những điều mà tôi chưa từng trải qua trong đời tính tới thời điểm đó. Sự nổi tiếng đột ngột và mức ảnh hưởng của nó khiến tôi cảm thấy ngột ngạt. Liên tục trong nhiều tuần, điện thoại nhà và di động không ngừng reo, còn hộp mail của tôi thì có tới hàng ngàn thư được gửi tới. Báo in, tivi và các kênh radio đều muốn phỏng vấn tôi... Ngay cả nhiều người lạ trên đường cũng muốn dừng lại để trò chuyện với tôi. Dĩ nhiên đó là những trải nghiệm thú vị, nhưng dẫu sao tôi chỉ muốn dừng sự chia sẻ của bản thân với những học trò của mình.

* Nhiều người muốn biết ông đã dành bao nhiêu thời gian để viết bài phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp tại Trường trung học Wellesley (bang Massachusetts)?

- Câu trả lời là hai tiếng và 26 năm. Hai tiếng để ngồi viết và 26 năm là khoảng thời gian tôi tích lũy được vốn sống cần thiết cho bài phát biểu. Thật may mắn là tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ mọi người.

* “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Ông được và mất gì trước bài phát biểu thẳng thắn, tựa như “gáo nước lạnh” giội vào một thế hệ quen được nuông chiều?

- Tôi không nghĩ đó là những “gáo nước lạnh” mà là những lời từ đáy lòng, đáng được nghe và suy ngẫm. Những ai cho rằng đây là điều khó nghe thì theo tôi, họ cần xem lại cuộc sống của mình. Lẽ dĩ nhiên, bất kỳ một quan điểm sống nào cũng có xung đột từ người khác - mỗi người một cách sống mà - nhưng tôi muốn nhấn mạnh: đã nói, hãy nói thật, phải nói thẳng thắn, trung thực để sau này không hối tiếc. Tôi nghĩ bài nói chuyện của mình sẽ vô nghĩa nếu chỉ là những lời hoa mĩ và không thật lòng.

* Nhưng tiếc là sự trung thực đang dần biến mất trong xã hội thực dụng hiện nay...

- Sự trung thực - theo tôi - là một yếu tố tuyệt đối không thể tách rời trong mọi hoạt động giao tiếp giữa con người với con người. Tôi nghĩ chúng ta thường có khuynh hướng giữ chặt điều muốn nói, lời góp ý trong lòng hơn là nói ra để nhận về sự phật lòng, tổn thương. Điều đó là dễ hiểu nhưng như bạn thấy đấy, bài phát biểu của tôi đã nhận được làn sóng phản hồi rất tích cực. Điều đó có nghĩa là xã hội chúng ta vẫn còn nhiều người khao khát được nghe sự thật dù đôi khi thừa biết nó sẽ rất “đắng lòng”.

* Ông kết thúc bài phát biểu rằng “Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì là đặc biệt”. Vì sao?

- Bởi vì mỗi cá thể khi được sinh ra đời đều có giá trị ngang nhau. 6,8 tỉ người đang sống trên trái đất này đều xứng đáng nhận được sự quan tâm, tôn trọng lẫn nhau. Hãy nghĩ đơn giản là thế giới sẽ ra sao nếu một giáo viên coi trọng người học trò này hơn những người khác, bác sĩ quan tâm đặc biệt bệnh nhân này hơn bệnh nhân khác!...

* 26 năm đứng trên bục giảng, ông có nhận thấy nhiều sự thay đổi ở giới trẻ?

- Tuy chỉ làm việc chủ yếu ở Massachusettes và Hawaii (Mỹ) nhưng tôi có cơ hội tiếp xúc với giới trẻ khắp nơi bởi môi trường làm việc đa văn hóa. Điều khiến tôi suy nghĩ nhiều là việc họ ngày càng lệ thuộc vào các thiết bị điện tử. Năm 1986, thời điểm tôi bắt đầu sự nghiệp dạy học của mình thì laptop, điện thoại di động, iPad hay Internet... đều chưa xuất hiện. Cách giới trẻ học, giao tiếp với nhau hãy còn trong sáng, rất hết mình. Ngày nay giới trẻ dường như đang bị “vật chất hóa”, mọi người học chỉ vì mong muốn được điểm cao, có được sự thăng tiến, vật chất này nọ. Theo tôi, điều này vô tình làm giảm bản chất tốt đẹp vốn có của sự học.

* Nếu có một người trẻ bước tới ông và dõng dạc nói: “Dù sao đi nữa thì tôi vẫn tin mình là người đặc biệt”, ông sẽ nói gì?

- Tôi sẽ bắt tay và gật đầu tán đồng với anh ấy. Như tôi đã nói, mỗi người trong chúng ta có quyền nói lên điều mình nghĩ và điều tốt đẹp nhất mà ai cũng có thể làm là tin vào bản thân. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ muốn lắng nghe anh ta giảng giải vì sao lại cho rằng bản thân đặc biệt, đáng được quan tâm hơn người khác.

* Ông có muốn nói một điều gì đó với giới trẻ Việt Nam, nhất là với những người đang băn khoăn trong việc chọn lối đi phù hợp trong cuộc sống?

- Tuy tôi chưa từng tới Việt Nam nhưng tôi đã nghe nhiều về quốc gia của các bạn. Tôi mong giới trẻ Việt hãy tự tin vào chính mình, làm việc chăm chỉ và nhất là luôn sống thẳng, nói thật để có được sự tự hào về bản thân. Tôi mong các bạn biết rằng ở bên đây bờ đại dương, chúng tôi luôn dõi theo và mong điều tốt lành nhất đến với các bạn.

Sự thẳng thắn được ủng hộ

David McCullough Jr. hiện là giáo viên tiếng Anh tại Trường trung học Wellesley (một trong những trường danh giá ở bang Massachusetts, Mỹ). Khi được chọn là người phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp của học sinh khối 12 ở trường vào ngày 7-6-2012, ông đã khiến tất cả người tham dự sửng sốt”.

Bài phát biểu của ông sau đó được rất nhiều hãng tin lớn khắp thế giới (LAT, CBS, MSNBC, Dailymail...) đăng tải và và thu hút sự quan tâm, phản hồi của vô số bạn đọc. Giờ đây với từ khóa “David McCullough Jr.”, có thể tìm thấy hơn 4 triệu kết quả trên trang Google. Ngoài ra clip về bài diễn văn của David McCullough Jr. được đưa lên YouTube hiện đã thu hút gần 2 triệu lượt xem với hàng ngàn comment (bình luận). Hầu hết mọi người đều ủng hộ sự thẳng thắn của ông.

Có thể xem lại bài phát biểu của ông tại đây:

CÔNG NHẬT thực hiện

Viết bình luận: David McCullough Jr.: Hãy nói thẳng!

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247