Luyện thi thpt quốc gia 2016 môn Hóa học

Năm học 2016 là năm thứ 2 các trường THPT trong toàn quốc thực hiện kì thi THPTQG. Nội dung và phương pháp ôn tập và thi môn Hóa học theo yêu cầu của kì thi quốc gia này có nhiều điểm khác biệt so với cách ôn tập và thi của các năm học trước. Do yêu cầu hướng tới đánh giá năng lực học sinh nên đề thi đã chuyển hướng từ kiểm tra nặng về lí thuyết sang yêu cầu vận dụng. Đồng thời, do kết hợp để xét tốt nghệp THPT, nên đề thi có tính phân hóa rõ rệt giữa các mức dễ - trung bình – khó.

 Theo thông tin mới nhất của Bộ GD thì 2016 đề thi tiếp tục được tăng dần các câu hỏi mang tính vận dụng, câu hỏi liên hệ thực tế. Đánh giá của ban chuyên môn Tuyensinh247.com thì năm học 2016 dựa trên phân tích các đề thi năm gần đây nhất là năm 2015 thì khi luyện thi thpt quốc gia 2016 học sinh cần chú ý mục tiêu về điểm số để có hướng học tập hiệu quả nhất.: 

-  Với mục tiêu đạt điểm 5-7: các em chỉ cần học tốt các kiến thức sách giáo khoa, nắm được cách làm của 1 số dạng bài tập cơ bản. Có thể ưu tiên cho phần Hóa đại cương của lớp 10 ( Nguyên tử, bảng tuần hoàn, Tốc độ phản ứng..), phần Sự điện ly, Đại cương hóa học hữu cơ (lớp 11); Polime , Đại cương kim loại (lớp 12).

- Với mục tiêu đạt 8-9 điểm: Ngoài việc nắm vững kiến thức lí thuyết SGK, các em cần nắm được cách giải của các dạng bài cơ bản và nâng cao trong từng chuyên đề, vận dụng được các phương pháp giải nhanh…. Chăm chỉ luyện tập giải các BT theo từng chuyên đề sẽ giúp các em nắm vững lí thuyết đồng thời rèn luyện kĩ năng giải bài tập tính toán.

- Với mục tiêu 10 điểm: Ngoài việc nắm vững kiến thức lí thuyết SGK, các em cần nắm được và vận dụng thành thạo các dạng bài nâng cao của từng chuyên đề,các phương pháp giải nhanh, có tư duy vận dụng cao… Các bài tập khó trong đề thi thường nằm ở các chuyên đề: Fe-Cu, Este –lipit, Amin-Amino axit…..

1. Đừng rời bỏ kiến thức SGK

Đây là điều tối quan trọng vì sách giáo khoa cung cấp những kiến thức cơ bản nhất và đề thi cũng luôn xoay quanh khối kiến thức này. Tuy nhiên đề thi thường không bao giờ có câu hỏi "rập khuôn" như trong SKG mà có sự biến đổi để phát huy tính sáng tạo của thí sinh.

Nội dung đề thi đại học các năm cũng như đề thi THPT quốc gia năm nay không nằm ngoài chương trình SGK phổ thông hiện hành. Phần lớn câu hỏi không yêu cầu thí sinh phải học thuộc lòng các định nghĩa, các khái niệm…, mà cần hiểu chúng và suy luận.

Để đạt điểm cao môn Hóa trong kỳ thi THPT quốc gia, các bạn học sinh phải thường xuyên hệ thống hóa kiến thức bằng mọi cách

2. Rèn luyện kỹ năng tính và phản xạ tư duy

Không phải bài toán nào cũng có cách giải đặc biệt nhanh, không phải bài toán nào cũng có công thức tính riêng. Để giải một bài toán thật nhanh và hiệu quả, việc trước tiên là phải rèn luyện kỹ năng tính và phản xạ tư duy. Các em không thể đòi hỏi việc giải nhanh một bài toán Hóa học nếu như chính các em không thể tính nhanh được từ những phép tính đơn giản nhất.

3. Thường xuyên hệ thống hóa kiến thức bằng mọi cách

 Điều quan trọng nhất của quá trình ôn tập là thường xuyên hệ thống hóa kiến thức bằng mọi cách. Các sĩ tử nên làm đề cương và nắm chắc các lý thuyết tổng quát gồm:

Các thuyết và định luật: Thuyết nguyên tử – phân tử, thuyết electron, lý thuyết về liên kết hóa học, lý thuyết về phản ứng hóa học, thuyết điện li, thuyết cấu tạo hợp chất hữu cơ… Định luật bảo toàn khối lượng, định luật Avogadro, định luật tuần hoàn các nguyên tố hóa…

Ngoài ra cần phải nắm vững và thành thạo các phương pháp giải nhanh như: áp dụng định luật bảo toàn (bảo toàn khối lượng, bảo toàn electron, bảo toàn nguyên tố, bảo toàn điện tích…), phương pháp đường chéo, phương pháp dùng tăng giảm khối lượng…

Kiến thức Hóa học có đặc thù riêng là mang tính hệ thống và liên tục, không giống với môn Lý hay Toán có Điện – Quang – Cơ… hay Tổ hợp – Lượng giác – Hình không gian… hầu như không có mối liên hệ rõ ràng nào với nhau. Sự phân chia các nội dung Đại cương – Vô cơ – Hữu cơ trong Hóa học… chỉ để giúp cho người học dễ học, chứ không dễ ôn tập.

Khi ôn tập kiến thức Hóa học, điều tối quan trọng là các sĩ tử phải hệ thống, xâu chuỗi được nội dung mình đang ôn tập với các phần kiến thức có liên quan khác. Lý thuyết của Hóa học không cứng nhắc và cũng không giản đơn, không thể ôn tập bằng cách “đọc chay” hay “học vẹt” mà phải bằng cách luyện tập, thường xuyên ghi ra, viết ra, “gọi từ trong đầu ra” thì mới hiểu và nhớ lâu được.

Để làm được điều đó thì có một cách đơn giản là khi gặp bất kỳ câu hỏi nào, bài tập nào, các em hãy cố gắng không chỉ tìm cách giải quyết câu hỏi đó, bài toán đó mà còn tìm cách liên hệ với các kiến thức liên quan đến nó để nhớ lại, hồi tưởng lại.

4. Nắm vững và chỉ ra được các dấu hiệu quyết định đến phương pháp giải bài toán:

Một bài toán Hóa học là tập hợp của nhiều dữ kiện giải toán khác nhau mà cách giải bị chi phối bởi 2 yếu tố chính là: các phản ứng Hóa học xảy ra trong bài và các phương pháp cần dùng để giải bài toán đó. Để giải được một bài toán sao cho nhanh và chính xác, nhất thiết phải giải quyết cho được 2 yếu tố đó, nếu nắm được phương pháp giải bài toán mà không biết tính chất Hóa học thì không thể giải được và ngược lại, nếu nắm được bản chất Hóa học mà không lựa chọn được phương pháp phù hợp thì việc giải toán sẽ rất khó khăn và tốn nhiều thời gian.

5. Tích lũy kinh nghiệm làm bài thi

Kinh nghiệm làm bài là một yếu tố hết sức quan trọng trong mỗi kỳ thi, nhất là kỳ thi ĐH. Có rất nhiều bài toán tưởng như lắt léo nhưng nếu có nhiều kinh nghiệm thì chỉ cần đọc đề, ta đã phán đoán được hướng giải, dự đoán được chất nào dư, chất nào hết, đáp án nào có nhiều khả năng đúng …. Mặt khác, trong đề thi ĐH đôi khi vẫn có những câu hỏi chưa thật chặt chẽ hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau, khi đó, chỉ có kinh nghiệm mới giúp ta “hiểu đúng ý người ra đề” và có được kết quả tốt.

Để giúp các em có sự chuẩn bị và ôn tập tốt nhất cho kì thi 2016, Tuyensinh247.com tổng hợp lại cấu trúc của đề thi 2015 để các em tham khảo.

1. PHÂN BỔ CÂU HỎI TRONG ĐỀ THI HÓA HỌC THPTQG 2015

Loại câu hỏi

Mức độ câu hỏi

Lí thuyết

Bài tập

Dễ

Trung bình

Khó

27

Đại cương – vô cơ: 14

Hữu cơ: 13

23

Đại cương – vô cơ: 12

Hữu cơ: 11

30

10

10

  1. PHÂN BỔ CÁC NỘI DUNG KIẾN THỨC TRONG ĐỀ THI HÓA HỌC NĂM 2015

PHÂN BỔ CÁC NỘI DUNG KIẾN THỨC TRONG ĐỀ THI HÓA HỌC NĂM 2015

Chuyên đề 

Số câu hỏi trong đề thi

Phân tích, đánh giá     

 1. Nguyên tử, bảng tuần hoàn, liên kết hóa học

1

Chuyên đề Nguyên tử, Bảng tuần hoàn, Liên kết hóa học chiếm 1 câu trong đề thi, ở mức độ dễ  trong đề thi. Học sinh chỉ cần nắm được kiến thức trong SGK là có thể làm tốt chuyên đề này. 
Tuy nhiên, đây là những chuyên đề lý thuyết tương đối khó và trừu tượng, lại là mảng kiến thức được học từ lớp 10 nên không ít học sinh thường chủ quan và quên lãng dẫn đến mất điểm  "oan uổng" ở câu hỏi này. 

 2. Phản ứng oxi hóa - khử, Tốc độ phản ứng, Cân bằng phản ứng hóa học

1

Nhóm chuyên đề Phản ứng oxi hóa - khử, Tốc độ phản ứng, Cân bằng phản ứng hóa học chiếm 1 câu hỏi  trong đề thi với mức độ dễ. 

3. Sự điện li 

0


Trong đề thi 2015 không có câu hỏi thuộc phần Sự điện ly, nhưng kiến thức thuộc chuyên đề Sự điện ly được lồng ghép trong các bài tập vô cơ tổng hợp, mức độ khó cũng cao hơn các BT điện li thông thường.

4. Phi kim 

4

Chuyên đề Phi kim chiếm khoảng e câu hỏi trong đề thi. Các câu hỏi ở mức độ dễ và trung bình, bao gồm kiến thức ở các chương Nito-Photpho, Cacbon-Silic, Oxi-lưu huỳnh, tích hợp câu hỏi liên quan đến thí nghiệm và kiến thức thực tế.

Trong đó, dạng BT: CO32- phản ứng với H+ có độ khó cao hơn

5. Đại cương về kim loại 

5

Chuyên đề Đại cương về kim loại chiếm 5 câu trong đề thi, câu hỏi mức độ từ dễ đến trung bình, yêu cầu học sịnh nắm vững kiến thức căn bản.

6. Kim loại kiềm, Kim loại kiềm thổ, Nhôm và các hợp chất 

4

Chuyên đề Kim loại kiềm, Kim loại kiềm thổ, Nhôm và các hợp chất chiếm khoảng 4  câu trong đề thi, gồm cả lí thuyết và bài tập. Các câu hỏi ở chuyên đề này ở cả 3 mức độ dễ, trung bình, khó.

7. Bài tập Fe, Cu và tổng hợp nội dung kiến thức Hóa học vô cơ thuộc chương trình phổ thông 

11

Đây là nhóm chuyên đề chiếm số lượng câu hỏi nhiều nhất trong đề thi, gồm 11 câu gồm cả lí thuyết và bài tập.
Chuyên đề Fe, Cu và tổng hợp kiến thức Hóa học vô cơ được ra dưới dạng nhiều câu hỏi ở mức độ từ dễ đến khó khó, các BT ở mức độ khó thể hiện sự phân loại học sinh một cách rõ rệt, yêu cầu HS có tư duy vận dụng cao. Các câu hỏi lí thuyết phần vô cơ tổng hợp thường được ra dưới dạng đếm đáp án, yêu cầu HS phải nắm vững các kiến thức Hóa học vô cơ để chọn được đáp án chính xác.
Để làm hết toàn bộ các câu hỏi, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản, vận dụng linh hoạt các phương pháp giải nhanh như: bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố, bảo toàn electron, đại lượng trung bình, quy đổi, phương trình ion… để tìm ra kết quả. Tránh sa vào những biểu thức toán học phức tạp, đồng thời tiết kiệm thời gian.

8. Đại cương hóa học hữu cơ, Hidrocacbon

4

Các chuyên đề Đại cương hóa học hữu cơ,Hidrocacbon chiếm  4 câu, các câu hỏi thường ở mức độ từ dễ đến trung bình. Học sinh cần nắm vững lý thuyết và phải nắm vững một số dạng bài tập cơ bản mới có thể làm được các bài tập thuộc chuyên đề này.

9. Dẫn xuất Halogen, Ancol, Phenol 

1

Các chuyên đề Dẫn xuất Halogen, Ancol, Phenol chiếm khoảng 1  câu trong đề thi đại học, ở mức độ khó. Tuy nhiên, các kiến thức liên quan đến nội dung Dẫn xuất halogen, Ancol, phenol được lồng ghép nhiều trong các dạng BT khác như Este-Lipit, bài tập Hữu cơ tổng hợp….

10. Andehit, Xeton, Axit Cacbonxylic

2

Các chuyên đề Andehit, Xeton, Axit Cacbonxylic chiếm 2 câu hỏi trong đề thi, được ra dưới dạng lí thuyết và bài tập ở cả ba mức độ dễ, trung bình và khó. 

11. Este, Lipit 

4

Các chuyên đề Este, Lipit thường chiếm 4  câu trong đề thi đại học ở mức độ dễ đến khó
các câu hỏi khó mang tính chất phân loại HS, đòi hỏi HS nắm vứng kiến thức và tư duy vận dụng cao.

13. Cacbonhidrat 

1

Cacbonhidrat chiếm 1 câu trong đề thi đại học, ở mức độ dễ. Các kiến thức thuộc chuyên đề Cacbonhidrat còn được lồng ghép trong các bài tập hữu cơ tổng hợp, HS cần nắm vững lí thuyết cơ bản để tránh mất điểm 1 cách đáng tiếc ở các câu hỏi dễ.

14. Amin – Amino axit - Protein

5

Chuyên đề Amin-Aminoaxit- Protein chiếm 5 câu hỏi trong đề thi bao gồm cả LT và BT, trong đó các câu hỏi LT ở mức độ dễ, các BT tính toán ở mức độ trung bình và khó.

15. Polime, Vật liệu Polime 

1

Chuyên đề Polime, Vật liệu Polime chiếm 1 câu trong đề thi, câu hỏi này ở mức độ dễ.

16. Tổng hợp nội dung kiến thức Hóa học hữu cơ thuộc chương tình phổ thông 

6

Chuyên đề Tổng hợp nội dung kiến thức Hóa học hữu cơ chiếm 6 câu hỏi trong đề thi được ra chủ yếu dưới dạng câu hỏi lý thuyết. Các câu hỏi thuộc chuyên đề này bao quát cả 3 mức độ dễ, trung bình, khó.  Nội dung chuyên đề này trong đề thi thường yêu cầu: 
- Các câu hỏi lý thuyết tổng hợp ở mức độ khó.
- Bài tập vận dụng phương pháp trung bình.
- Bài tập vận dụng phương pháp bảo toàn nguyên tố.
- Dạng bài về hỗn hợp các chất hữu cơ.

(Tuyensinh247.com)

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Viết bình luận: Luyện thi thpt quốc gia 2016 môn Hóa học

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH