Mỹ đau đầu với đề xuất bỏ thi tốt nghiệp THPT

Vấn đề “Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Tồn tại hay không tồn tại” vẫn là một câu hỏi lớn đòi hỏi nhiều quyết tâm nỗ lực của các nhà lãnh đạo cũng như những người làm giáo dục ở Mỹ nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung.

Hiện nay ở Mỹ có 26 bang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho học sinh THPT, và với số lượng học sinh trung học tại các bang này thì kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ ảnh hưởng đến 2/3 số học sinh trên toàn quốc. Tuy nhiên các bang ở Mỹ vẫn đang băn khoăn với hiệu quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT này.

Vào tháng 6/2008, ở Mỹ chỉ có 23 bang yêu cầu học sinh cấp 3 phải vượt qua kỳ thi cuối cấp để được công nhận tốt nghiệp. Sau đó một số bang tiếp tục xem xét áp dụng kỳ thi cuối cấp này làm tiêu chuẩn để đánh giá tốt nghiệp, chẳng hạn như bang Maryland yêu cầu học sinh thi tốt nghiệp vào năm 2009, bang Arkansas vào năm 2010, và bang Oklahoma vào năm 2012.

My dau dau voi de xuat bo thi tot nghiep THPT

Các học sinh Mỹ tham gia kỳ thi tốt nghiệp PTTH

Cùng việc với số bang ở Mỹ áp dụng kỳ thi tốt nghiệp tăng lên, các bài thi cũng ngày càng trở nên “khó nhằn” hơn đối với các sỹ tử. Năm 2002, chỉ có 6 bang chấm điểm tốt nghiệp dựa trên thang điểm 10 hoặc cao hơn, tuy nhiên đến năm 2006, số bang áp dụng thang điểm này đã tăng lên con số 18. Tuy độ khó tăng lên đáng kể nhưng các bài thi tốt nghiệp này chỉ kiểm tra những kỹ năng mà học sinh cần hoàn thiện bằng thang điểm 10 chứ không phải là tiêu chuẩn đánh giá học sinh đủ điều kiện vào học đại học.

Trong trường hợp học sinh không vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp, hầu hết các bang đều tạo điều kiện cho các em được học bổ túc và thi lại tốt nghiệp. Các lớp học bổ túc có thể được tổ chức trong năm học hoặc trong kỳ nghỉ hè.

Ở một số bang, chẳng hạn như ở New Jersey, những học sinh trượt kỳ thi tốt nghiệp có thể có thể nộp “hồ sơ học nghề” để nhận được chứng chỉ tốt nghiệp. Năm 2007, có 11,5% học sinh cấp 3 ở bang này có được chứng chỉ tốt nghiệp nhờ “hồ sơ học nghề”.

Điều này đã khiến người ta đặt câu hỏi: Liệu hồ sơ học nghề có thể hiện năng lực tương đương với việc qua được kỳ thi tốt nghiệp, hay có phải có quá nhiều học sinh đang dùng lá bùa hồ sơ học nghề này như một phương tiện dễ dàng hơn để tốt nghiệp hay không?

Chẳng hạn như ở Oregon, các học sinh chuẩn bị tốt nghiệp đều có 3 lựa chọn: kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, đánh giá cấp bang hoặc đánh giá cấp địa phương, chẳng hạn như học bạ để cho các trường đại học hoặc các chủ doanh nghiệp thấy rằng những học sinh này đã hoàn thiện các kỹ năng đọc, viết, toán ứng dụng và kỹ năng nói. Những học sinh qua được một trong ba lựa chọn trên cùng với việc hoàn thành các yêu cầu khóa học sẽ được cấp bằng tốt nghiệp.

My dau dau voi de xuat bo thi tot nghiep THPT

Học sinh được đòi hỏi hoàn thiện kỹ năng đọc, viết, toán ứng dụng và kỹ năng nói qua kỳ thi tốt nghiệp

Vì vậy, để nâng cao tính tin cậy cũng như tiêu chuẩn chương trình học của các trường cấp 3, hiện nay các bang ở Mỹ đang có xu hướng chuyển sang áp dụng các bài thi hết môn thay thế hoặc bổ sung cho kỳ thi tốt nghiệp. Học sinh tham gia bài thi hết môn khi hoàn thành các môn học tương ứng đối với các môn như tiếng Anh, toán và khoa học.

Hiện có 9 bang ở Mỹ đang áp dụng hình thức thi hết môn thay thế cho kỳ thi tốt nghiệp, và dự kiến đến năm 2015 sẽ có 11 bang dựa trên các bài kiểm tra hết môn để quyết định học sinh có nhận được bằng tốt nghiệp hay không, và 3 bang sẽ áp dụng hệ thống kiểm tra kép kết hợp giữa thi tốt nghiệp và thi hết môn. Đến năm 2015, 14 bang ở Mỹ sẽ áp dụng hình thức thi hết môn là Arkansas, Indiana, Maryland, Massachusetts, Mississippi, North Carolina, New Jersey, New York, Oklahoma, South Carolina, Tennessee, Texas, Virginia và Washington.

Kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 đang trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng ở Mỹ. Ở một số bang, các tòa án đã xem xét vấn đề về tính công bằng trong kỳ thi này, thậm chí một tòa án ở bang California đã trình vấn đề này lên Tòa án Tối cao. Tuy nhiên Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết rằng kỳ thi này vẫn được coi là một yêu cầu bắt buộc để học sinh được tốt nghiệp.

Nhiều người nhất trí rằng mục tiêu khuyến khích học sinh đạt được năng lực cơ bản đối với những môn học cốt lõi của kỳ thi tốt nghiệp là rất tốt đẹp và khiến cho tấm bằng tốt nghiệp trở nên ý nghĩa hơn. Tuy nhiên để lấy được tấm bằng tốt nghiệp ở Mỹ là một điều không hề đơn giản. Trước tình trạng tỉ lệ trượt tốt nghiệp quá cao, một số bang đã chấm dứt việc coi kỳ thi này là yêu cầu bắt buộc để học sinh tốt nghiệp hoặc áp dụng những tiêu chuẩn mới cho kỳ thi tốt nghiệp để đạt được tỉ lệ đỗ cao hơn.

My dau dau voi de xuat bo thi tot nghiep THPT

Một số bang ở Mỹ tìm cách lách luật để nâng cao tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp

Một số chuyên gia cho rằng các bang này đang hạ thấp tiêu chuẩn của kỳ thi để nhiều học sinh được tốt nghiệp hơn. Trong khi đó những người khác lại e ngại rằng việc yêu cầu phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp sẽ làm nản lòng học sinh, nhất là những học sinh thuộc các dân tộc thiểu số hoặc các gia đình nghèo khiến các em bỏ học.

Tuy nhiên việc tính toán tác động của kỳ thi tốt nghiệp với tỉ lệ học sinh bỏ học là rất khó khăn vì hầu hết các bang đều không theo dõi được chính xác số học sinh chuyển trường hay bỏ học, và các bang này không tính số học sinh bỏ học vào tỉ lệ trượt tốt nghiệp.

Một nguyên nhân khác khiến các bang ở Mỹ xem xét lại kỳ thi tốt nghiệp là vấn đề chi phí để tổ chức kỳ thi này nhằm giúp học sinh đáp ứng được các tiêu chuẩn của kỳ thi. Chẳng hạn như ở bang Indiana, một bang mà độ khó của bài thi tốt nghiệp ở mức trung bình, số liệu của Trung tâm Chính sách Giáo dục cho thấy họ phải tốn 557 đô-la cho mỗi học sinh để duy trì mức độ thi tốt nghiệp như hiện nay của bang.

Nhiều bang đã xây dựng chương trình hỗ trợ thí sinh và cam kết huy động thêm nhiều nguồn lực để giúp các thí sinh qua được kỳ thi tốt nghiệp. Năm ngoái bang Texas đã chi 2 triệu đô-la để cung cấp các hướng dẫn học tập cá nhân hóa cho các học sinh trượt tốt nghiệp.

Đồng thời giáo viên cũng cần được tập huấn thêm (và ngốn thêm chi phí) để học cách hướng dẫn học sinh ôn luyện hiệu quả cho kỳ thi tốt nghiệp, và chi phí tập huấn này không giống nhau ở từng bang. Bang Massachusetts chi thêm 101 đô-la cho mỗi học sinh, trong khi bang Minnesota chỉ chi 3 đô-la cho mỗi học sinh.

Trong khi đó, tại châu Âu, gần đây Nghiệp đoàn Quản lý giáo dục quốc gia Pháp công bố một con số gây sốc khi cho biết nước Pháp phải chi tới 1,9 tỉ đô-la cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT (tú tài). Khoản chi phí này cao gấp 15 lần so với báo cáo thanh tra cách đây một năm, khi mà ngân sách thường kỳ dành cho những năm trước đó chỉ dao động ở mức 63-126 triệu USD.

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, thường diễn ra vào tháng 6, tất cả học sinh THPT đều “phải” nghỉ học ba tuần để nhà trường huy động lực lượng chuyên môn cũng như các cơ sở tổ chức nhằm phục vụ kỳ thi. Và tuy các học sinh nghỉ học nhưng các trường vẫn phải duy trì phí điều hành trên thực tế với mức phí cho một học sinh trung học là 15.350 đô-la/năm, đồng nghĩa với việc chi phí cho ba tuần nghỉ học là 1,9 tỉ đô-la.

Trong khí đó, ở Pháp mỗi kỳ thi tốt nghiệp thì có đến 80% số học sinh “vượt ải”, chỉ có khoảng 55.000-60.000 (chiếm 20%) thí sinh không đáp ứng được yêu cầu, đồng nghĩa với việc họ không đủ điều kiện để vào các trường đại học, trường nghề. Câu hỏi đặt ra là có cần tiếp tục hoang phí ngân sách chính phủ cho một kỳ thi mà 80% thí sinh tham gia đều vượt qua?

Nhiều chuyên gia cho rằng nên loại bỏ kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 vì nguồn ngân sách khổng lồ chi cho kỳ thi “vô bổ” này có thể được sử dụng cho những vấn đề hữu ích khác. Chuyên gia Michel Fize đã kêu gọi chính phủ Pháp hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 vì sự bất tương xứng giữa chất lượng và lợi nhuận, giữa giá trị bằng cấp và số tiền đầu tư. Theo một số nhà kinh tế học, việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp cho phép nước Pháp tuyển dụng thêm 5.000 giáo viên, 8.000 điều dưỡng và cấp hơn 250.000 suất học bổng.

My dau dau voi de xuat bo thi tot nghiep THPT

Mỗi kỳ thi tốt nghiệp PTTH là một lần ngốn ngân sách khủng khiếp

Tuy các chi phí này khá lớn, nhưng một số quan chức tại Mỹ cho rằng chi phí đó sẽ đội lên đáng kể nếu các học sinh tốt nghiệp mà không được trang bị những kỹ năng cơ bản mà bài thi tốt nghiệp yêu cầu. Những học sinh tốt nghiệp mà không có kỹ năng cơ bản sẽ phải trải qua các khóa học bổ túc tại các trường cao đẳng cộng đồng hoặc trong trường đại học, và nếu họ lựa chọn không tiếp tục con đường học hành, nhiều khả năng họ sẽ kiếm được ít tiền hơn và đòi hỏi phúc lợi nhiều hơn từ chính phủ Mỹ.

Bởi vậy, việc đề xuất hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp là một đề tài rất “nhạy cảm” và tốn rất nhiều bút mực của báo giới cũng như gây ra không ít sóng gió trong giới chính trị. Một số bang ở Mỹ đã phải tìm cách lách luật bằng việc hạ thấp tiêu chuẩn đối với kỳ thi tốt nghiệp bởi hủy bỏ kỳ thi này sẽ động chạm đến vấn đề pháp lý. Trong khi đó, hai đời bộ trưởng giáo dục Pháp là François Filon (năm 2005) và Luc Chatel (năm 2012) đều đã phải “bó tay” trước câu hỏi về thi tốt nghiệp. Còn Bộ trưởng giáo dục đương nhiệm Vicent Peillon thì loại hẳn vấn đề cải cách kỳ thi tú tài khỏi chương trình nghị sự của mình.

Vấn đề “Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Tồn tại hay không tồn tại” vẫn là một câu hỏi lớn đòi hỏi nhiều quyết tâm nỗ lực của các nhà lãnh đạo cũng như những người làm giáo dục ở Mỹ nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung.

Theo KP

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Viết bình luận: Mỹ đau đầu với đề xuất bỏ thi tốt nghiệp THPT

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH