Sống thử: Tình dục là …số một

Yêu nhau, sẵn sàng dâng hiến cho người yêu thứ quý giá nhất của mình. Đó là quan niệm ở không ít các bạn nữ bây giờ. Và khi đã yêu, “góp gạo thổi cơm chung” cũng không phải là chuyện khó hiểu. Để giữ "lửa" cho tình yêu, con gái sẵn sàng cho đi.

Từ sai lầm về quan niệm

Với người con gái “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” và cái thứ duy nhất và thiêng liêng ấy, họ gìn giữ như tiết hạnh của mình. Cái thứ mà chỉ trong đêm tân hôn, người “đầu bạc răng long” với mình mới được khám phá và sở hữu. Nhưng xa lắm rồi cái thời ấy, các bạn trẻ bây giờ đã không coi đó là điều quan trọng. 40,3% thanh niên cho rằng trong tình yêu còn nhiều thứ quan trọng hơn, không phải trinh tiết(Vnexpress). Không coi trọng…cứ thế “cho đi” là tình trạng phổ biến của các nữ sinh.

Đã yêu nhau thì phải luôn gần nhau và chia sẻ cho nhau, và thế là…một, hai, ba..rồi đến cả chục căn hộ gia đình sinh viên mọc lên như nấm sau mưa ở các xóm trọ. Những cô chiêu, cậu ấm cho rằng như vậy đỡ tốn kém tiền sinh hoạt, hai đứa lại có thể chăm sóc cho nhau, được gần nhau hơn.

Song thu: Tinh duc la …so mot

Góp gạo thổi cơm chung ở sinh viên không phải là hiếm (nguồn: internet)

Con gái thì được đảm đang chăm chút cho người yêu, được “nâng khăn sửa túi” cho chàng để “thử” làm người vợ chu toàn. Con trai vừa được “cơm bưng nước rót” lại đỡ tốn tiền…tình phí. Thế là, yêu nhau ba tháng cũng “góp gạo thổi cơm chung”, yêu nhau ba năm cũng “sống cùng” cho bằng bạn bằng bè. Nam và nữ ở cạnh nhau, như hai cực âm và dương, đã gần nhau tất yếu sẽ “hút”  nhau. Bản ngã tình dục là một phần của thể xác tình cảm và cuộc sống tâm linh. Khi đã sống cạnh nhau thì không tránh khỏi những va chạm với nhau. Để rồi bản ngã được đánh thức và một phút không kìm được lòng, họ cho nhau những thứ thuộc về riêng mình: trinh tiết. Một lần…hai lần…và giống như một chất gây nghiện không dứt, tình dục như cơm bữa không thể thiếu trong cuộc sống “thử” của những cặp sinh viên. 

Họ cứ “thử” mà không biết rằng cái loại “thử gây nghiện” đó đang dần đầu độc mình. Khi thử chán, họ bỏ nhau. Bởi sống thử không có ràng buộc gì, không phải chịu trách nhiệm với “vợ thử” của mình nên bỏ là chuyện dễ dàng: chẳng phải thủ tục rườm rà. Và, các nam sinh cho rằng không phải cứ quan hệ tình dục(QHTD) với ai thì phải lấy người đó. Hơn 70%  sinh viên có QHTD trước hôn nhân là kết quả trong khảo sát về “Nhận thức của sinh viên về quan hệ tình dục trước hôn nhân” của Trung tâm nghiên cứu về phụ nữ. Phải chăng sinh viên quá “thoáng” trong suy nghĩ nên QHTD trước hôn nhân với họ là chuyện “thường ngày ở huyện”?

Đến dư vị của trái đắng

QHTD- đơn giản là để thỏa mãn cho nhau, để giữ lửa yêu trong mái nhà “gia đình sinh viên”. Cuộc sống không “ngọt ngào” mà có đủ vị như socola tình yêu. Khi sống chung cùng một mái nhà niềm vui chóng vánh ra đi. Thay vào đó, là những giọt nước mắt, là ân hận: giá như…

Yêu nhau 2 năm, Vân(SV năm 3, trường cao đẳng nghệ thuật) và Quang(SV Bách khoa) quyết định sống chung một mái nhà. Từ ngày ở cùng, Quang nhiều lần mơn trớn ngỏ ý “khám phá” cơ thể Vân, nhưng luôn bị cô từ chối. Trước những lời đường mật của người yêu, một mặt cũng sợ người yêu giận Vân đành “chiều” Quang để giữ gìn mái ấm của mình.

Sau lần đó, hai người đâm ra nghiện nhau, mỗi tuần không làm “chuyện ấy” hai đến ba lần thì…không chịu được. Khi Vân phát hiện ra mình có mang, cô nói chuyện với Quang về đám cưới. “Chúng mình còn trẻ, lại chưa ra trường em đừng vội, bỏ nó đi, rồi sau này mình cưới có con cũng chưa muộn” lời thủ thỉ của Quang làm Vân mềm lòng. Cô gạt nước mắt bỏ đứa con trong bụng mình. Rồi hai, ba…lần sau, Quang vẫn lần lữa khuyên Vân bỏ con. Đến lần thứ tư, Vân quyết định giữ cái thai lại và bắt Quang cưới. Không những không giữ lời hứa, hắn còn nổi khùng lên đá liên tiếp vào bụng Vân đến khi máu chảy ra, thấy cô ngất hắn mới bỏ đi. Mất con, Quang cũng bỏ cô đi luôn, Vân như cành củi lênh đênh giữa biển cả không chỗ bấu víu. Cho đến một ngày, nhận kết quả khám từ bác sĩ: cô mất khả năng sinh con, Vân suy sụp hoàn toàn. Chưa học xong, thêm vào đó ….vô sinh, tương lai giờ đây của cô mờ mịt “như tiền đồ của chị Dậu”.

Ngày nay, chuyện sống thử rồi “trót dại” có mang cũng không còn là tội “cạo đầu bôi vôi” như thời của các cụ nữa. Họ không hiểu nếu nạo phá thai thường xuyên và không an toàn sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Một phần vì ngại, một phần vì sợ nên họ mang nhau đến phá chui tại những cơ sở tư nhân. Nhẹ thì sót nhau thai, chảy máu, nhiễm khuẩn, thủng tử cung, dính lòng tử cung …dẫn đến vô sinh. Nặng thì…bỏ mạng trên bàn mổ.

Song thu: Tinh duc la …so mot

Và khi... "trót" dại (ảnh minh họa)

Mất mát là điều không cần bàn tới với con gái, nhưng đắng cay hơn, sau khi “mất” rồi, tình yêu của họ vẫn vỗ cánh bay xa. Chia tay “chồng thử”, tinh thần của họ bất định và dễ dàng bắt đầu một cuộc tình mới. Yêu rồi sống thử. Guồng quay đó giữ chân họ trong vũng lầy không lối thoát.

Nhìn từ góc độ văn hóa, sống thử là chuyện không được chấp nhận trong xã hội phương Đông khắt khe chuyện “nam nữ thụ thụ bất thân”. Nhưng nó vẫn phải chấp nhận như một quy luật của xã hội phát triển. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thái(GV trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG HN) sống thử mang nhiều yếu tố tiêu cực hơn tích cực: “ Tiêu cực ở chỗ sống thử làm con người tự do phóng túng, tình cảm bị chai sạn và đặc biệt nó tàn phá tình yêu - món quà thượng đế ban tặng. Tích cực thì như bạn trẻ đã nói là thỏa mãn nhu cầu tình dục, tiết kiệm chi phí sinh hoạt. "Tuy nhiên, tiện ích do sống thử mang lại không thể bù đắp nổi những tổn thất do nó gây ra", tiến sĩ Thái nhấn mạnh.

Với lập luận gia đình bền vững là cốt lõi của xã hội, tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức cho rằng, nếu xã hội mà toàn thanh niên chỉ thích sống thử, không thích xây dựng gia đình ổn định thì sẽ "bất an vô cùng", sẽ không bao giờ có được các nhà bác học thiên tài. Thực tế đa số thiên tài như Beethoven, Mozart, Bill Gates, Hồ Chí Minh,… đều sinh ra trong những gia đình nề nếp, có căn bản vững chắc.

Liệu rằng, đã đến lúc bạn trẻ nên nhìn lại, đã đến lúc nên thức tỉnh chính mình để nghiêm túc với tình yêu, với hôn nhân?

Đã đến lúc kết thúc

Con người sinh ra và lớn lên. Những người khác giới có nhu cầu kết bạn, dựa dẫm và tìm hiểu lẫn nhau. Muốn có một người đồng hành cùng mình. Đặc biệt là sinh viên, khi sống xa nhà, thiếu thốn về tình cảm và vật chất. Tất nhiên, nhu cầu sinh lý cũng là một nhu cầu thiết yếu của con người. Nhưng tiến đến sống thử mà không lường trước được hậu quả, không được trang bị những kiến thức nền tảng về sức khỏe sinh sản thì quả là nguy hiểm. Làm sao giảm thiểu tối đa những rủi ro? Đó còn là câu hỏi day dứt cho xã hội.

Đừng ngăn cấm mà hãy trang bị cho họ hiểu biết về tình dục an toàn, cho họ hiểu được giá trị và trách nhiệm của bản thân trong cuộc sống thử. Xã hội cấm đoán họ, họ không công khai mà đi vào bí mật, điều đó càng nguy hiểm.” Tiến sĩ Tâm lý học Phạm Mạnh Hà (GV trường ĐH KHXH&NV) chia sẻ. Theo tiến sĩ Hà, sống thử đương nhiên là không xấu, nó giúp vợ chồng có thể kiểm nghiệm được những “hòa hợp” trong chuyện phòng the giúp cho đời sống hôn nhân hòa hợp. Để không phải ân hận khi lấy rồi mà đau khổ vì đối phương không có “khả năng”. Nhưng cũng phải hiểu biết để không có những hậu quả cay đắng.  

Trong thời đại công nghệ thông tin, khi mà các giá trị văn hóa, những lối sống phương Tây du nhập ồ ạt vào Việt Nam một cách khó kiểm soát thì chỉ còn cách “sống chung với lũ”. Thích thể hiện mình và tò mò là một trong những “tật xấu” không sửa được của bạn trẻ. Những phim, ảnh “tươi mát” của công nghệ tình dục kích thích trí tò mò của họ, đánh thức bản năng của con người. Khi bản năng được đánh thức thì đừng nói “cấm” bởi như viên than hồng dưới lớp tro lụi tàn, nó có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào. Thế nên, hãy chuẩn bị tâm lý cho bạn trẻ để họ sẵn sang đón nhận, họ ý thức được hành vi của họ sẽ tốt hơn.

Song thu: Tinh duc la …so mot

Thạc sĩ tâm lý học Phạm Mạnh Hà: "Đừng ngăn cấm mà hãy trang bị cho họ hiểu biết về tình dục an toàn, cho họ hiểu được giá trị và trách nhiệm của bản thân trong cuộc sống thử. Xã hội cấm đoán họ, họ không công khai mà đi vào bí mật, điều đó càng nguy hiểm.”

Giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên là việc làm cần thiết và cấp bách. Để họ hiểu đầy đủ hơn về: tình dục, hậu quả và tình dục an toàn. Có kiến thức nền tảng về vấn đề sức khỏe sinh sản, bạn nữ có thể bảo vệ mình trước những bệnh tật lây nhiễm qua đường QHTD, biết làm sao phòng tránh thai và lúc nào mình có thai….để bình tĩnh ứng xử những tình huống xảy ra. Chứ không phải đến lúc “lỡ”, đến lúc có mang đến năm, bảy tháng mới tá hóa nhận ra thì đã muộn. Việc sử dụng bao cao su đúng cách đối với các bạn nam để phòng tránh việc có thai ngoài ý muốn. Đương nhiên, chuyện giáo dục giới tính cũng cần cân nhắc, phải đúng lứa tuổi và đúng mức độ. Nếu không, chẳng khác gì “vẽ đường cho hươu chạy”.  

Mặt khác, sự quan tâm và giáo dục từ gia đình cũng là một yếu tố quan trọng. Gia đình chính là nền tảng, là căn cốt hình thành nhân cách con người. Cha mẹ luôn cãi chửi nhau, không quan tâm đến con cái sẽ dẫn đến cái nhìn lệch lạc của họ về hôn nhân. Họ coi hôn nhân chẳng khác gì “nhà tù phát xít”. Từ đó, chẳng tội gì giam mình vào nhà tù ấy, họ không có thái độ nghiêm túc với hôn nhân. Cần lắm những phút giây quan tâm của cha mẹ với con cái, nhất là tuổi chúng mới trưởng  thành-khi mà nhận thức và hành động còn non nớt, dễ lệch lạc. Giáo dục từ gia đình, chia sẻ thẳng thắn về tình dục và tuổi dậy thì giúp các em hiểu rõ để tránh hoặc để biết trách nhiệm và hậu quả nếu… “lỡ dại”.

Phải chăng, đã đến lúc cần nhìn thẳng vào sự thật để kết thúc những chuyện đau lòng về sống thử?

Theo Thethaohangngay

Viết bình luận: Sống thử: Tình dục là …số một

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247