Thay thế sách giáo khoa bằng máy tính bảng cho học sinh tiểu học

Đề án của Sở Giáo dục TPHCM: "Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1,2,3" theo đó học sinh tiểu học lớp 1,2,3 sẽ phải mua máy tính bảng để phục vụ cho việc học đang là vấn đề được phụ huynh tại TPHCM quan tâm.

Kinh phí thực hiện khoảng 4.000 tỉ đồng

Theo đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014 - 2015”, toàn bộ nội dung của sách giáo khoa truyền thống được đưa vào sách điện tử dưới dạng 3D kết hợp với âm thanh, hình ảnh và cài đặt vào máy tính bảng, tạo ra sự tương tác, giúp học sinh dễ học, dễ hiểu, không phải di chuyển nặng nề...

Trong số 327.127 học sinh lớp 1 đến lớp 3 có 5.334 học sinh thuộc diện chính sách sẽ được ngân sách TP hỗ trợ, số còn lại phụ huynh tự trả kinh phí mua sắm bộ thiết bị bao gồm một bút chấm đọc điện tử và một máy tính bảng có giá từ 3 - 5 triệu đồng, tùy kích thước và cấu hình.

5 điều kiện để thực hiện

Trước buổi hội thảo “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” do Sở GD-ĐT tổ chức vào ngày 18.8, đã có một buổi hội thảo với nội dung tương tự diễn ra đúng một tháng trước. Tại buổi hội thảo ngày 18.7, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng muốn làm thành công đề án này phải có 5 yếu tố.

Thứ nhất có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước thúc đẩy phát triển giáo dục tạo ra nguồn lao động chất lượng cao. Đó là một trong 6 chương trình đột phá của thành phố theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 9 là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo sự phát triển bền vững của thành phố. Thứ hai, muốn làm được phải đào tạo và có được đội ngũ thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục am hiểu, được huấn luyện kỹ, thành thạo về chuyên môn để truyền thụ cho học sinh. Thứ ba, phải có nội dung đảm bảo chất lượng, đúng quy định về chương trình giáo dục quốc gia do Bộ GD-ĐT ban hành. Thứ tư mới nói đến công nghệ, đó là công cụ để huấn luyện, truyền thụ kiến thức cho học sinh. Thứ năm, phải có sự đồng thuận cao trong nhân dân, trong phụ huynh học sinh.

“Nếu 5 yếu tố này không hoàn thiện thì sẽ không thành công. Nó là mối liên kết, liên hệ, hỗ trợ, hỗ tương để hoàn thiện đề án này”, ông Thuận khẳng định. Cũng theo ông Hứa Ngọc Thuận, đề án cần phải gửi các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, tiếp thu hết tất cả các ý kiến. “Sau khi hoàn thiện, thấy yên tâm thì vào đầu năm học mới 2014 - 2015, lấy ý kiến của phụ huynh, cái này rất quan trọng. Phụ huynh có đồng thuận không, con em họ học như thế có chi trả nổi không, học sinh nghèo thế nào… Rất nhiều nội dung cần phải cụ thể và phải được sự đồng thuận rất cao”, ông Thuận kết luận.

Thay the sach giao khoa bang may tinh bang cho hoc sinh tieu hoc

Theo đề án sở GD&ĐT TPHCM đưa ra thì mỗi học sinh đều phải mua máy tính bảng có giá từ 3-5 triệu đồng

Lo lắng kinh phí thực hiện và sức khỏe học sinh

Trước những thông tin này, đa số lãnh đạo các phòng giáo dục và hiệu trưởng các trường tham gia hội thảo vào ngày 18.8 đều tỏ ra lo lắng về kinh phí thực hiện và sức khỏe của học sinh. Bà Đinh Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chính Nghĩa, Q.5, cho hay: “Nhiều phụ huynh khi biết về chương trình này đã đặt câu hỏi dạy học bằng máy tính bảng có hạn chế các hoạt động kỹ năng sống, ngoại khóa của các em không? Trẻ tiếp xúc nhiều với trang thiết bị công nghệ liệu có ảnh hưởng đến thị lực, sức khỏe không? Đây là những điều bắt buộc phải nghiên cứu và trả lời với phụ huynh”.

Đặt vấn đề xã hội nhiều lần lên tiếng về tình trạng "lớp VIP" trong trường công, bà Mai Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, lo ngại: “Nhà trường rất khó khi chọn học sinh để đưa vào thí điểm. Nếu thí điểm ở một số lớp, Sở GD-ĐT cần có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các trường để thành lập những lớp học thực hiện đề án này trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh”.

Nhất thiết phải nghiên cứu thật kỹ

PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng để triển khai một mô hình, phương pháp hay công cụ giảng dạy mới, nhất là cho bậc mầm non và tiểu học, cần phải được nghiên cứu thử nghiệm, phân tích những ưu điểm và hạn chế, những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực trước khi triển khai đại trà. Ông Quân cũng thông tin, theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, trẻ dưới 2 tuổi không nên cho tiếp xúc với máy tính. Với trẻ lớn hơn, thời gian sử dụng tối đa chỉ 2 tiếng/ngày. Nhưng quan trọng nhất là cha mẹ cần giám sát nội dung mà trẻ tiếp xúc.

Cùng quan điểm, PGS-TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), khẳng định phải có nghiên cứu đầy đủ trước khi áp dụng đại trà. “Việc áp dụng như hiện nay giáo viên đã sẵn sàng chưa? Muốn triển khai, giáo viên phải có phương pháp giảng dạy khác. Quy mô lớp học, kết cấu lớp học cũng phải thay đổi cho phù hợp”, ông Đức phân tích. “Chúng ta không thể phủ nhận được sự phát triển của công nghệ giúp ích cho cuộc sống, cho việc học. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt tốt và xấu”, ông Đức nói.

Giáo viên công nghệ thông tin đang dạy tại một trường chuyên ở TP.HCM phân tích rằng học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 có thể tiếp xúc được với máy tính bảng. Nhưng quan trọng là việc triển khai và sử dụng như thế nào. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Khi giáo viên chưa quen với bảng tương tác thì liệu có sử dụng và giảng dạy được trên máy tính bảng không? Người dạy rất quan trọng, họ có nắm bắt được công nghệ hay không, bài giảng như thế nào? Cần để giáo viên tự soạn bài giảng, hướng dẫn học sinh, có như vậy mới phát huy được tính sáng tạo của giáo viên.

Trong mấy ngày qua, hàng trăm ý kiến của bạn đọc thể hiện sự bất đồng với đề án mà Sở GD-ĐT TP.HCM vừa đưa ra.

Bạn Khôi Nguyễn đưa ra ý kiến và được hơn 4000 bạn đọc đồng tình:

"1. Tội cho phụ huynh phải lo toan thêm để mua máy tính bảng.

2. Tội cho học sinh lúc nào cũng kè kè cái máy tính.

3. Lại tội cho phụ huynh vì các em còn nhỏ, nghịch -> dễ làm hư máy -> lại tốn thêm tiền mua. Một năm phải mua vài cái.

4. Tội cho giáo viên vừa dạy, vừa phải kiêm nhân viên hướng dẫn, bảo trì máy tính bảng.

5. Tội cho phụ huynh phải đóng thêm tiền cơ sở vật chất để nhà trường lắp thêm ổ điện để sạc pin

6. Mừng cho mấy nhà sản xuất máy tính bản vì bán được hàng. Chả thấy thực tế gì với tình hình của đất nước hiện tại, nhiều phụ huynh đã vất vả lắm mới đủ tiền cho con đi học giờ bắt gánh thêm cái này. Nếu muốn triển khai thì nhà trường phải tự trang bị, và xem đó là dụng cụ học tập chứ ko thể để phụ huynh è cổ gánh cho cái THỬ NGHIỆM."

Trong khi đó, bạn Thọ tỏ ra lo ngại: "Tôi tin chắc rằng ,nếu áp dụng đề án này : chữ viết các cháu ngày càng xấu ,bệnh lý về mắt các cháu sẽ tăng ,bố mẹ lại gánh thêm các khoản phí phát sinh ,cùng nhiều hệ lụy khác ..........!!!"

Thực tế hơn về vấn đề kinh tế của phụ huynh học sinh bạn có nick là missa lên tiếng: "Mong bộ giáo dục bác bỏ đề án lãng phí này. thu nhập bình quân đầu người tại VN chưa đến 2000USD/năm. Mỗi phụ huynh phải trả 1/10 thu nhập của năm (tương đương hơn 1 tháng thu nhập) để mua máy tính bảng cho con, nhà nào có 2 con thì sao. Xin các vị hãy nhìn xem cuộc sống của những người dân thường chúng tôi, những người bán hàng, bảo vệ, công nhân... rồi hãy quyết định"

Theo Thethaohangngay


Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

Viết bình luận: Thay thế sách giáo khoa bằng máy tính bảng cho học sinh tiểu học

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247