Vùng cao nhọc nhằn ngày khai giảng

Để học cái chữ trẻ em vùng cao vẫn không quản khó khăn, vượt đường xa nguy hiểm. Ở các em là nghị lực phi thường đáng khâm phục.

Cô giáo Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Toong, huyện Mường Nhé, Điện Biên bước vội qua nền đất sân trường, nơi bộn bề nguyên vật liệu sửa chữa, xây dựng nhà bán trú cho năm học mới.

Năm học 2013 - 2014, UBND tỉnh Điện Biên có quyết định đưa học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 về điểm trường trung tâm. Đây là một chính sách giúp học sinh miền núi có điều kiện học tập tốt hơn, nhưng nó cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các trường phổ thông ở các huyện nghèo.

Thiếu trường, thiếu giáo viên, nhưng câu chuyện của các cô giáo và học trò ở đây đã để lại nhiều suy nghĩ về sự học và chính sách giáo dục cho miền núi.

Đánh đổi tính mệnh lấy con chữ

Đường đến trường với trẻ em vùng cao Mường Nhé ngoài tình yêu con chữ thì các em còn có một nghị lực phi thường. Để biết chữ, hằng ngày các em phải vượt qua thử thách có thể liên quan đến sinh tử.

Câu chuyện gian nan vượt suối đến trường của 3 anh em Mùa A Chúng, ở bản Mường Toong 2 khiến chúng tôi cảm phục. Các em năm nay học lớp 5 Trường Tiểu học Mường Toong, từ nhà tới trường phải vượt qua 2 con suối nên sáng nào 3 anh em cũng phải dậy từ tinh mơ.

Dòng suối Nậm Nhé và Nậm Hà ngày thường thì hiền hòa là thế, nhưng vào mùa mưa lũ thì nước dâng cuồn cuộn, đỏ ngầu hung dữ. Suối Nậm Nhé sâu hơn, bình thường thì tới bụng các em. Nếu mưa thì dòng suối này nước cao quá đầu nên 3 anh em buộc phải nghỉ học.

Làm thế nào mà những đứa trẻ này bền bỉ vượt suối đến được trường? “Cháu cho quần áo vào túi, khi nào qua được suối thì lại mặc vào”, Chúng bẽn lẽn kể.

Học sinh phải lội suối tới trường ở huyện vùng cao Mường Nhé là bình thường. Cô bé có nước da đen, mái tóc vàng hoe Giàng Thị Tuyết, lớp 5A Trường Tiểu học Mường Toong khoe với chúng tôi: “Ngày nào đi học cháu cũng phải lội qua suối Nậm Hà. Ngày mưa lũ cũng vẫn đi”.

Tình yêu con chữ của cô bé có lẽ lớn hơn nỗi sợ hãi khi mưa lũ về. Đây cũng là điều khiến giáo viên và Ban giám hiệu Trường Tiểu học Mường Toong lo lắng nhất.

Bởi lẽ, để vận động được các em tới trường đã là khó, nhưng để các em vượt qua được những rào cản về địa lý, địa hình của miền núi mà tới được lớp còn khó khăn gấp bội. “Cháu đều nhịn đói tới trường, bố mẹ không đưa mà tự đi”, câu nói ngây thơ của cô bé Giàng Thị Tuyết khiến chúng tôi nao lòng.

Trường Tiểu học Mường Toong có 4 điểm trường 100% là nhà tranh, tre, nứa lá do bà con dân bản đóng góp ngày công. Có điểm vách bằng tre nứa, mái gianh hoặc lợp bạt nên một năm phải thay vài lần. Sau mỗi trận mưa, cô trò đều rất vất vả vì hầu hết điểm trường bị tốc mái.

Vung cao nhoc nhan ngay khai giang

Những học sinh Trường Tiểu học Mường Toong phải lội suối đến trường.

Chính vì điều này mà năm học 2013-2014, UBND tỉnh Điện Biên đã có quyết định đưa học sinh lớp 3 đến lớp 5 về học ở điểm trường trung tâm. Chính vì thế mà năm học này nhà trường có 42 lớp, trong đó có 11 lớp ở trung tâm (nhiều hơn năm học trước 5 lớp), còn lại là ở các điểm bản. Các cháu khi về học ở đây sẽ được ăn ở bán trú, tránh nguy cơ tai nạn thương tích và ổn định việc học.

Trăn trở đầu tư cho giáo dục vùng cao

Đưa được học trò vùng cao đến trường đã là một kỳ tích của các thầy cô giáo. Nhưng, đáng khâm phục hơn cả chính là tinh thần bám bản của những cô giáo vùng xuôi. Cắm bản 9 năm ở miền núi, nhắc đến học trò của mình, cô giáo Bùi Thị Huệ, quê ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cũng ứa nước mắt.

“Em xem qua tivi, cũng biết ở vùng núi khó khăn đủ thứ nhưng không thể nghĩ rằng khi nhận việc ở đây lại khó khăn đến thế. Năm 2002, đường đi thuận lợi từ Điện Biên vào mới chỉ đến xã Chà Cang, còn cách xã Mường Toong cả trăm cây số”. Vậy mà cô gái trẻ chưa lập gia đình ấy phải nhờ đồng bào, đi nhờ sức trâu, ngựa để vào bản Huổi Lếch, dạy bọn trẻ tại Trường Mường Toong 2.

Huệ kể: “Bọn trẻ cũng muốn đi học lắm. Nhưng ngặt nỗi đường xa, khó đi nên là rào cản khó khăn. Khi em nhận lớp, trình độ của chúng rất “đồng đều”. Rồi cô cười: “Tức là trẻ học lớp 5 và lớp 1 bằng nhau”.

Cô Hiệu trưởng Lê Thị Hồng cho chúng tôi biết, hầu hết giáo viên trong trường đều ở miền xuôi lên. Do vậy, đã có nhiều chính sách thu hút, ưu tiên cho các thầy cô giáo để động viên họ bám bản gieo chữ.

Tuy nhiên, ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết, huyện cơ bản vẫn thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học và điểm trường. Mường Nhé có 11 xã và các xã đều có các điểm trường nhưng hầu hết đều là nhà tạm, tranh tre nứa lá. Tỷ lệ trường, lớp được kiên cố hóa hơn 50%, còn lại là nhà tạm. Nhà công vụ cho giáo viên vùng xuôi chỉ đáp ứng được một phần, các cô phải tự làm nhà để ở.

Năm nay, việc đưa học sinh lớp 3 đến lớp 5 xuống các điểm trường trung tâm để học là một nỗ lực lớn của các ban, ngành và Sở Giáo dục tỉnh Điện Biên. Các em về đây được ăn ở bán trú, điều kiện học tập tốt hơn nhiều so với các điểm trường tạm bợ.

Tuy nhiên, theo cô giáo Lê Thị Hồng, việc đưa học sinh lớp 3 đến lớp 5 về điểm trường trung tâm đang là một thách thức rất lớn với nhà trường. Vì Mường Toong vẫn là trường phổ thông, chưa đủ điều kiện trường bán trú nên lương và phụ cấp giáo viên chưa có, không được tuyển nhân viên phục vụ để nấu ăn cho các cháu. Các cháu còn nhỏ, nhiều thành phần dân tộc, phải có người chăm sóc, quản lý làm sao để có tiếng nói chung.

Cô Hồng lo lắng cho biết: “Hiện nay, chế độ chính sách cho học sinh bán trú chưa có. Phụ huynh vận chuyển thực phẩm từ bản về để các cháu tự nấu ăn nên rất khó khăn. Nhà trường phải cắt cử giáo viên chăm sóc cho các cháu. Năm học mới tới rồi mà chúng tôi chưa tìm ra giải pháp”.

Theo CAND

Từ khóa: vung cao, khai giang

Viết bình luận: Vùng cao nhọc nhằn ngày khai giảng

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247