Công bố đề thi thử nghiệm theo dạng bài thi vào tháng 5/2017

Theo ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, đề thi của bài thi thử nghiệm sẽ theo hình thức bài thi chứ không theo đề thi của các môn độc lập như đề thi minh họa

Ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên xung quanh việc chuẩn bị và cách thức ra đề thi kỳ thi THPT quốc gia.

 

Thưa ông, công tác chuẩn bị ngân hàng đề thi đến thời điểm này đã được thực hiện ra sao?

Tính đến thời điểm hiện tại, công tác đề thi đã được Bộ chuẩn bị đúng thời gian theo kế hoạch đã ban hành. Các bước của quy trình xây dựng câu hỏi thi được tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng đúng theo kỹ thuật xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Bộ đã tổ chức biên soạn được hơn 60.000 câu hỏi thô và đã tổ chức chọn lọc, biên tập được tất cả các câu hỏi này. Với số lượng câu hỏi như vậy, đảm bảo đáp ứng tốt cho ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ kỳ thi.
 
Để biên soạn số lượng lớn các câu hỏi thô, Bộ đã tổ chức huy động hơn 1.000 thầy cô giáo, chuyên gia làm đề được lựa chọn từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 10 trường ĐH có đào tạo sư phạm tham gia tại 10 địa điểm trên toàn quốc. Đây là những giáo viên có chuyên môn giỏi, các giảng viên am hiểu về chương trình THPT làm việc với quy trình chặt chẽ trong suốt một thời gian dài từ tháng 10 - 12.2016.
 
Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ sẽ lựa chọn những chuyên gia, giáo viên giỏi có kinh nghiệm đã tham gia biên soạn, biên tập câu hỏi thi tiếp tục thẩm định và lựa chọn câu hỏi thi, tiến hành thử nghiệm và tinh chỉnh, chỉnh sửa các câu hỏi thi sau thử nghiệm để hoàn thiện các bước tiếp theo của hoạt động xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ cho kỳ thi.
 
Dự kiến Bộ sẽ công bố 2 lần đề thi thử nghiệm. Tại sao phải làm việc này, thưa ông?

Ngay đầu năm học 2016 - 2017, khi công bố phương án thi, Bộ đã xây dựng các đề thi minh họa của tất cả các môn học và đến cuối tháng 1.2017 khi các học sinh đã kết thúc học kỳ 1, Bộ tiếp tục công bố đề thử nghiệm nhằm tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên có định hướng trong quá trình học tập và ôn luyện. Dự kiến vào đầu tháng 5.2017, thời điểm học sinh đã học cơ bản đầy đủ kiến thức của lớp 12, Bộ sẽ công bố các đề thi của các bài thi thử nghiệm, giúp thí sinh ôn luyện và làm quen với hình thức của các bài thi. Điểm khác biệt so với đề thi minh họa và đề thi thử nghiệm đã công bố vừa rồi là đề thi của bài thi thử nghiệm sẽ theo hình thức bài thi chứ không theo đề thi của các môn độc lập.
 
Việc thử nghiệm đề thi được tiến hành ra sao? Cách thức và nội dung có gì thay đổi với lần thử nghiệm trước và so với đề thi minh họa được công bố vào tháng 10.2016?

Quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa được thực hiện theo 8 bước nghiêm ngặt. Mỗi bước lại bao gồm rất nhiều quy trình nhỏ để chuẩn hóa câu hỏi trong ngân hàng đề thi. Từ việc ra câu hỏi thô, rồi từ thô sang câu hỏi được chuẩn hóa, qua các vòng biên tập, thẩm định, thử nghiệm, tinh chỉnh... Như vậy, thử nghiệm chỉ là một khâu trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa. Tuy nhiên, 100% số câu hỏi đã biên tập, lựa chọn và thẩm định được tiến hành thử nghiệm và đặc biệt có bước thử nghiệm đề thi vào cuối tháng 4 khi học sinh đã hoàn thành chương trình học tập toàn khóa để chuẩn hóa các đề thi.
 
Mẫu thử nghiệm sẽ được chọn đa dạng đối tượng, vùng miền. Kết quả bài làm của học sinh qua các đợt thử nghiệm sẽ được phần mềm khảo thí chuyên dụng phân tích các thông số định chuẩn của các câu hỏi và các đề thi. Những câu hỏi không đạt độ tin cậy (do quá sức thí sinh, không nằm trong chương trình, sai kiến thức không giải được…) sẽ được hiển thị trên kết quả phân tích và lập tức được xem xét lại hoặc loại bỏ.
 
Như vậy, việc thử nghiệm các câu hỏi thi và các đề thi với chính đối tượng thí sinh lớp 12 sẽ dự thi năm 2017 là để chuẩn hóa các câu hỏi thi và đề thi, với mục đích xác định các thông số định chuẩn của các câu hỏi thi và xác định độ tin cậy, độ giá trị của các đề thi nhằm đo lường, đánh giá đúng các cấp độ của các câu hỏi theo ma trận đã được cố định chứ không làm thay đổi cấu trúc của đề thi.
 
Đề thi có tính toán tỷ lệ dành để xét tốt nghiệp và để phân loại thí sinh, phục vụ xét tuyển sinh ĐH, CĐ không, thưa ông?

Đề thi nằm trong chương trình lớp 12. Việc phân định cấu trúc của đề thi đảm bảo có khoảng 60% các câu hỏi ở mức độ cơ bản, phục vụ mục đích xét tốt nghiệp THPT và khoảng 40% các câu hỏi nhằm phân hóa kết quả thi, phục vụ mục đích tuyển sinh ĐH, CĐ.
 
Theo thethaohangngay

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Viết bình luận: Công bố đề thi thử nghiệm theo dạng bài thi vào tháng 5/2017

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH