Đề án tuyển sinh riêng 2013: Phải đảm bảo được chất lượng đầu ra

Đề án tuyển sinh riêng của 4 đại học ngoài công lập cũng đã nhận được ý kiến đồng tình. Tuy nhiên điều quan trọng vẫn là phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đào tạo, đảm bảo được chất lượng đầu ra của sản phẩm đào tạo.

De an tuyen sinh rieng 2013: Phai dam bao duoc chat luong dau ra

NGƯT Hoàng Thế Vinh – Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh: Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực trao quyền cho các trường được tự chủ tuyển sinh. Năm 2012, nhiều trường ĐH, CĐ gặp khó khăn trong nguồn tuyển nên những kiến nghị bỏ điểm sàn hay mới đây là việc 4 trường đưa ra phương án xét tuyển riêng cho thấy các trường này đang hy vọng rất nhiều vào việc này.

Tuy nhiên, Luật cho phép các trường có quyền tổ chức tuyển sinh, như vậy các trường hoàn toàn có thể tự chủ động xây dựng các phương án xét tuyển. Nhưng vấn đề ở đây là phải kiểm soát được chất lượng đào tạo. Luật cho phép các trường tự chủ nhưng không được phép làm bừa.

Tôi đồng ý với phương án tuyển sinh riêng được 4 trường ngoài công lập xây dựng, nhưng cần phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đào tạo, đảm bảo được chất lượng đầu ra của sản phẩm đào tạo.

TS Phạm Văn Hồng -  Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics Hải Phòng:  Không thể “tháo khoán” hoàn toàn cho các trường tự chủ tuyển sinh khi chưa đủ điều kiện đảm bảo vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Quan trọng hơn người học, xã hội sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Muốn được tự chủ khâu này thì các trường lập phương án và đủ các điều kiện bảo đảm tuyển sinh nghiêm túc, các trường phải chứng minh được sản phẩm mình đào tạo ra được xã hội chấp nhận. Có thể hiểu rằng, muốn được tự chủ xét tuyển thì các trường này phải đảm bảo đủ số lượng giảng viên, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp cho hoạt động giảng dạy. Đã có khóa sinh viên nào ra trường và được doanh nghiệp, xã hội đánh giá về hiệu quả đào tạo một cách khách quan chưa?

Nhìn ở khía cạnh xã hội, ở các nước phát triển, hình thức xét tuyển được thực hiện khi tính tự chịu trách nhiệm của các trường này rất cao. Còn ở Việt Nam, điều này rất xa vời. Các quy chế ràng buộc trách nhiệm có, nhưng việc thực hiện thì rất mông lung, chưa đâu vào đâu.

Có lẽ một phần do những khác biệt về văn hóa, con người ... Theo tôi, cần phải có một tổ chức kiểm định giáo dục độc lập đánh giá một cách khách quan thì hãy nên triển khai cho các trường tự chủ xét tuyển, vì nếu không, xã hội và chính người học sẽ gánh chịu hậu quả.

Nhà dân tộc học, TS Trần Đức Chủng: Tôi ủng hộ chủ trương giao cho các trường tự chủ trong tuyển sinh với hình thức xét tuyển như vậy. Tuy nhiên phải gắn với điều kiện kinh tế  - xã hội của từng vùng, miền. Cách thức tuyển sinh theo hình thức xét tuyển như các trường ngoài công lập đề xuất chỉ nên thực hiện với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh miền núi, vùng dân tộc.

Thực tế cho thấy, ở những vùng miền này áp dụng hình thức xét tuyển là hợp lý, vì học sinh có khi đi thi đại học chỉ đạt được tổng điểm là 7 -8. Nhiều khi các em cũng không tha thiết với việc học nên thực hiện xét tuyển ở khu vực này sẽ góp phần thực hiện lấp chỗ trống nguồn nhân lực cho khu vực này.

Còn với các vùng đồng bằng, các tỉnh thành có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thì việc đồng ý cho xét tuyển dưới mức điểm sàn thi đại học là không nên. Cho dù các phương án tuyển sinh riêng được Bộ GD&ĐT kiểm soát chặt, nhưng ai dám đảm bảo là không có sơ xuất nào xảy ra. Khi đó, các trường đào tạo không đạt chuẩn thì ai chịu trách nhiệm? 

 Theo GDTD

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Viết bình luận: Đề án tuyển sinh riêng 2013: Phải đảm bảo được chất lượng đầu ra

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH