Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 26

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn của các trường trên cả nước năm 2012.

Câu 1: 5 điểm.

Phân tích hình ảnh chiếc lược ngà trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Quang Sáng để thấy được nét đẹp về tình cảm của cha dành cho con.

(Lưu ý: Chỉ giới hạn kiến thức qua đoạn trích trong sách Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục).

Câu 2: 5 điểm.

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

[…]

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan ?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới ?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng ?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật ?

- Than ôi ! Thời oanh liệt nay còn đâu ?

[…]

(Trích Nhớ rừng – Thế Lữ)

(Theo sách Ngữ văn 9, Tập hai, trang 78 – 79, NXB Giáo dục, 2005)

_____________________ Hết ___________________

Họ tên thí sinh :. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .Phòng thi :. . . . . . Số báo danh : . . . . . . .

Lưu ý : – Thí sinh không chép đề vào giấy thi.

Giám thị không giải thích gì thêm.

 

 

ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM

I. Yêu cầu chung:

1. Trong quá trình làm bài, học sinh có thể cảm nhận theo cách riêng sáng tạo của bản thân, nhưng phải đạt được những nội dung cơ bản về kiến thức ở phần yêu cầu cụ thể.

2. Về kỹ năng : Bố cục bài viết rõ ràng, hành văn mạch lạc, lập luận chặt chẽ, lý luận sắc sảo, ít mắc lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.

II. Yêu cầu cụ thể:

Câu 1: 5 điểm.

ĐÁP ÁN

Đề chỉ yêu cầu phân tích hình ảnh chiếc lược ngà, vì thế học sinh khi làm bài cần hiểu và nêu được những nét cơ bản sau:

a. Tóm tắt về hình ảnh chiếc lược ngà trong truyện.

- Tuy chiếc lược ngà được lấy làm nhan đề của tác phẩm, nhưng chỉ xuất hiện khi cha con ông Sáu chia tay, bé Thu dặn khi nào về “Ba mua cho con chiếc lược nghe ba”.

- Ông Sáu không mua lược. Nhưng khi tìm được khúc ngà, ông hớn hở vui mừng, sung sướng. Lúc rảnh, ông dồn hết công sức vào việc làm cây lược.

b. Tình cảm của ông Sáu được thể hiện qua việc chăm chút làm cây lược cho con.

(Học sinh cần trích dẫn những động tác, chi tiết, suy nghĩ… khi ông Sáu làm cây lược để thấy tình cảm của ông Sáu dành cho con. Gợi ý về nội dung trích dẫn để giám khảo xem xét chấm bài như:

- Ông “cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc”. Cẩn thận và chăm chút đến mức mỗi ngày ông chỉ cưa được một răng, cho đến khi cây lược hoàn thành, rồi gò lưng tỉ mẫn khắc từng nét hàng chữ nhỏ: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”.

Chiếc lược ngà đã trở thành báu vật thiêng liêng đối với ông Sáu. Nó làm dịu đi bao nỗi ân hận trong lòng – ân hận vì ông đã đánh con trong bữa ăn khi bé Thu tỏ ra ngang ngạnh với ông – nó chứa đựng bao nhiêu tình cảm yêu mến, nhớ thương mong đợi của người cha đối với đứa con xa cách. Mỗi đêm nhớ con, ông lấy cây lược ra “ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt”. “Có cây lược”, ông “càng mong gặp lại con”).

c. Nhưng chiến tranh, dữ dội và ác liệt, chưa gặp lại được con, ông Sáu đã hi sinh. Nhân vật kể chuyện đã nhận lời ông Sáu, sau này trong một chuyến công tác tình cờ, đã gặp lại bé Thu và trao cho cô chiếc lược ngà ấy. Tuy ông Sáu hi sinh, nhưng tình cha con không bao giờ chết. Có thể xem đó là tình cảm của người cha dành cho con vô cùng cao đẹp và rất xúc động.

BIỂU ĐIỂM

– Điểm 5 :

+ Bài làm đáp ứng được các yêu cầu ở đáp án.

+ Văn viết có cảm xúc.

+ Ít mắc lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.

– Điểm 3 :

+ Bài làm tập trung kiến thức ở nội dung b, nhưng trích dẫn minh chứng cho luận điểm thể hiện tình cảm qua việc làm chiếc lược chủ yếu là gián tiếp.

+ Mắc khoảng ba, bốn lỗi chính tả và lỗi diễn đạt thông thường.

– Điểm 1 :

+ Tỏ ra chưa hiểu yêu cầu đề. Rơi vào phát biểu chung chung. Chữ viết cẩu thả.

+ Mắc nhiều lỗi chính tả và lỗi diễn đạt thông thường.

– Điểm 0:

+ Bài làm hoàn toàn lạc đề.

Câu 2 : 5 điểm.

ĐÁP ÁN

Khi chấm bài, giám khảo lưu ý: Bài Nhớ rừng của Thế Lữ học ở chương trình lớp 8, nhưng trong sách Ngữ văn 9, đoạn trích ở đề  in lại đến hai lần, trong đó một lần đưa vào phần “Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ”, nên học sinh đã được ôn lại nhiều lần. Đây là một đoạn thơ hết sức đặc sắc về nội dung và nghệ thuật. Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 9, bài làm chỉ cần đạt được những ý cơ bản sau:

a. Hiểu được ý chung bài thơ Nhớ rừng là lời của con hổ trong vườn bách thú. Tác giả mượn lời con hổ bị nhốt chặt trong lồng sắt ở vườn bách thú nhằm gửi gắm tâm trạng u uất của một thế hệ – nhất là thanh niên trí thức, được thức tỉnh, cảm thấy bất hòa với một xã hội tù túng, ngột ngạt, giả dối đương thời (trước 1945).

b. Về cảm nhận đoạn thơ cần nêu được: Nỗi nhớ da diết của hổ về cảnh núi rừng (giang sơn) hùng vĩ, tráng lệ mà một thời trong dĩ vãng huy hoàng hổ đã làm chúa tể với tư thế uy nghi, lẫm liệt.

Khổ thơ có bốn cảnh:

- Cảnh đêm vàng bên bờ suối đầy chất lãng mạn.

- Cảnh những ngày mưa hổ xuất hiện như một đế vương.

- Cảnh bình minh chan hòa ánh sáng, rộn rã âm thanh ru giấc ngủ chúa sơn lâm.

- Cảnh chiều dữ dội và huyền bí.

Cảnh nào cũng mang vẻ đẹp vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ và con hổ cũng nổi bật lên với tư thế kiêu hùng, lẫm liệt của một chúa tể sơn lâm đầy uy lực.

c.  Điệp ngữ nào đâu, đâu những… lặp đi lặp lại cho thấy sự nhớ tiếc khôn nguôi của hổ về những cảnh không bao giờ còn gặp lại nữa để khép lại với lời than đầy uất hận: Than ôi ! Thời oanh liệt nay còn đâu ?.

BIỂU ĐIỂM

– Điểm 5 :

+ Bài làm đáp ứng được các yêu cầu ở đáp án.

+ Văn viết có cảm xúc.

+ Ít mắc lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.

– Điểm 3 :

+ Bài làm tập trung kiến thức ở nội dung b – không yêu cầu phải nói đó là bốn bức tranh, nhưng tỏ ra cảm nhận được vẻ đẹp của hình ảnh thơ.

+ Hoặc có đề cập đến ba nội dung a, b, c, nhưng cảm nhận chưa sâu, chưa thật tinh tế, có một vài nhầm lẫn về kiến thức nhưng không lớn.

+ Mắc khoảng ba, bốn lỗi chính tả và lỗi diễn đạt thông thường.

– Điểm 1 :

+ Tỏ ra chưa hiểu được ý thơ, cảm nhận sai lệch. Chữ viết cẩu thả.

+ Mắc nhiều lỗi chính tả và lỗi diễn đạt thông thường.

–  Điểm 0:

+ Bài làm hoàn toàn lạc đề.

Lưu ý : Cho cả câu 1 và câu 2.

– Đáp án và biểu điểm đã cân nhắc để đánh giá yêu cầu tuyển sinh, nên giám khảo không được tự ý thay đổi. Nghĩa là giám khảo không được tự ý yêu cầu cao hơn hoặc hạ thấp hơn so với đáp án và biểu điểm.

– Bài làm của học sinh không yêu cầu phải viết dài, chỉ yêu cầu căn cứ vào sự chính xác và đầy đủ những nội dung cơ bản ở đáp án để cho điểm.

– Những bài có nội dung chưa thật đầy đủ theo yêu cầu ở từng mốc điểm, nhưng văn viết trong sáng, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, dùng từ chính xác, chữ viết sạch đẹp, giám khảo cần xem xét kỹ để cho con điểm hợp lý nhất. Những bài viết đủ ý so với từng mốc điểm, nhưng chữ viết cẩu thả, mắc quá nhiều lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, giám khảo cần xem xét cho con điểm ở giới hạn thấp hơn mốc điểm.

– Điểm lẻ của bài Làm văn là 0,25.

– Khi cộng điểm toàn bài, điểm lẽ không làm tròn số.

Ví dụ : 5,25 vẫn giữ nguyên 5,25.

Viết bình luận: Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 26

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247