Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 58

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn của các trường trên cả nước năm 2012.

I. trắc nghiệm

1. Đề cập, bàn luận, thuyết minh, miêu tả, đánh giá… những vấn đề, những hiện tượng gần gũi, bức thiết đối với đời sống trước mắt của con người và cộng đồng, là biểu hiện cho tính chất gì của văn bản nhật dụng ?

2. Hãy sắp xếp lại hệ thống luận cứ trong văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hoà bình” (G.Mac-ket) sao cho chính xác nhất với cách trình bày của tác giả.

A. Cuộc chạy đua vũ trang làm mất đi khả năng cải thiện đời sống cho hàng tỉ người.

B. Kho vũ khí hạt nhân đang được tàng trữ có khả năng huỷ diệt cả trái đất và các hành tinh khác trong hệ mặt trời.

C. Tất cả chúng ta phải có nhiệm vụ ngăn chặn cuộc chiến tranh hạt nhân, đấu tranh cho một thế giới hoà bình.

D. Chiến tranh hạt nhân không chỉ đi ngược lại lí trí của loài người mà còn ngược lại với lí trí của tự nhiên, phản lại sự tiến hoá.

3. Chọn Đúng hoặc Sai cho nhận định sau : Bài học quan trọng được rút ra từ văn bản “Phong cách Hồ Chí Minh” là : cần phải hoà nhập với khu vực và quốc tế nhưng cũng cần phải giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

A. Đúng                                              B. Sai

II. tự luận

Một số người làm cha, làm mẹ thường xuyên đánh đập, chửi mắng con cái và cho rằng : “thương cho roi cho vọt”…

Hãy trình bày những suy nghĩ của em về hiện tượng này.

Đáp án

I. trắc nghiệm

Câu 1: Tính cập nhật.

Câu 2: B -> A -> D -> C

Câu 3: A

II. tự luận

Dàn bài

Mở bài :

Con cái muốn trưởng thành phải nhờ sự giáo dưỡng của cha mẹ. Các bậc làm cha, làm mẹ có nhiều cách giáo dục con cái khác nhau, trong số đó có nhiều người chọn cách mắng chửi, thậm chí đánh đập như là một biện pháp dạy dỗ tốt nhất đối với con em mình.

Thân bài :

1. Rất nhiều đứa trẻ từ những năm tháng ấu thơ cho đến khi trưởng thành hiếm khi, thậm chí chưa bao giờ được nghe một lời bảo ban, khuyên nhủ dịu dàng của cha mẹ. Bất kì lúc nào, trong bất cứ chuyện gì, cha hoặc mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ đều có một hình thức duy nhất đối với các em : quát tháo, mắng chửi bằng những lời lẽ hết sức gay gắt, thô bạo ; hay nặng hơn là dùng roi vọt và đánh đập. Biện pháp này được áp dụng trong tất cả mọi việc, mọi tình huống, chỉ cần cha mẹ không cảm thấy hài lòng, thì dù là chuyện nhỏ như cái nhà chưa được sạch, quần áo chưa được gọn gàng, đến những chuyện lớn hơn, như bị điểm kém, đi học về muộn, bị cô giáo phê bình, đánh nhau, cãi lộn… cha mẹ đều ngay lập tức dạy dỗ con mình bằng cách này. Đối với họ, đấy là cách giáo dục con cái tốt nhất, bởi vì làm như vậy các em sẽ sợ và không bao giờ dám phạm lỗi nữa. Theo họ đó còn là cách để thể hiện tình yêu thương, bởi vì “thương cho roi cho vọt”…

2. Thực chất, cách giáo dục này không phải là một biện pháp tích cực và có hiệu quả. Điều này đã được minh chứng bằng thực tế. Rất nhiều đứa trẻ bước ra khỏi những năm tháng ấu thơ với nỗi ám ảnh không bao giờ mất về cách đối xử thô bạo của cha mẹ đối với bản thân mình. Làm bất cứ việc gì cũng có thể bị chửi mắng và khi lỡ phạm lỗi thì bị đánh đập thậm tệ. Cứ ròng rã liên tục như vậy, cuối cùng những đứa trẻ không tiến bộ lên chút nào mà thậm chí là còn ngược lại : từ ngoan thành hư, từ hiền thành dữ, từ thông minh lanh lợi hoá ra lì lợm, chậm chạp… Nhìn chung, có hai xu hướng phát triển cơ bản : hoặc là quậy phá nghịch ngợm, hoặc là trở nên trầm cảm khó gần. Trước mặt cha mẹ, các em dường như ngoan hơn, nhưng thực chất cái ngoan đó chỉ là đối phó. Thậm chí, nhiều em đã có những phản ứng rất tiêu cực : bỏ nhà đi, hoặc tự vẫn. Tất cả những biến đổi như vậy đều là biểu hiện của sự tổn thương trầm trọng về mặt tinh thần. Đối với những đứa trẻ này, tuổi thơ tươi đẹp trở thành những năm tháng u ám kinh hoàng ; tổ ấm gia đình có thể trở thành địa ngục trần gian và cha mẹ trong mắt các em là những con người nào đó hết sức xa lạ và độc đoán. Các em mất đi cảm giác được yêu thương, che chở, lúc nào cũng thon thót lo sợ và lâu dần có thể trở nên trơ lì. Đó là điều rất nguy hiểm, bởi lẽ nó sẽ để lại một dấu ấn trong nhân cách, tâm hồn của các em sau này.

Giáo dục con cái bằng cách này sẽ để lại những hậu quả lớn, không chỉ đối với trước mắt mà còn là về lâu dài trong tương lai của các em, của xã hội.

3. Cha mẹ, ai cũng yêu thương con cái, ai cũng muốn những đứa con của mình trưởng thành nên người. Thế nhưng, giáo dục con cái như thế nào để các em vừa cảm nhận được tình yêu thương đó vừa có sự tiến bộ trong nhân cách là điều rất quan trọng. Đứa trẻ nào cũng có thể dễ dàng mắc sai lầm. Và đằng sau mỗi sai lầm đó bao giờ cũng có một nguyên nhân, một lí do. Cha mẹ muốn dạy dỗ các em một cách có hiệu quả thì phải bắt đầu từ những nguyên nhân đó. Tìm hiểu nguyên nhân, phân tích cặn kẽ phải trái, khuyên răn nhẹ nhàng nhưng cương quyết, thêm một chút cảm thông độ lượng… thiết nghĩ không có đứa trẻ nào mà lại không nghe, không trở nên tiến bộ. Kiềm chế cơn nóng giận là điều quan trọng khi giáo dục trẻ em. Nhiều đứa trẻ rơi vào cảm giác oan ức, rồi đâm ra oán giận cha mẹ vì họ không bao giờ để ý đến nguyên nhân vì sao các em làm như vậy mà ngay lập tức xỉ vả, thượng cẳng chân hạ cẳng tay cho hả cơn giận mà thôi.

“Thương cho roi cho vọt”, điều đó không có nghĩa là bất cứ lúc nào cũng có thể sử dụng bạo lực đối với trẻ em. Đến một mức độ nào đó, chính những người làm cha, làm mẹ đã và đang xâm phạm đến quyền trẻ em ngay trong gia đình của mình – điều mà cả xã hội đang quan tâm và bảo vệ.

Kết bài :

Cha mẹ luôn là hiện thân của tình yêu thương, của lòng nhân từ bao dung, là nơi những đứa con tìm về sau những sai lầm vấp ngã. Đừng làm mất đi trong các em tất cả những điều quí giá và thiêng liêng ấy.

Viết bình luận: Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 58

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247