Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 65

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn của các trường trên cả nước năm 2012.

I. trắc nghiệm

1. Hình ảnh trung tâm nhất trong bài Đoàn thuyền đánh cá là gì ?

A. Hình ảnh con thuyền

B. Hình ảnh người  dân lao động

C. Cảnh thiên nhiên biển cả

D. Cả A, B, C.

2. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá được bố cục theo trình tự nào ?

A. Trình tự thời gian từ hoàng hôn tới bình minh.

B. Trình tự một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá.

C. Cả A, B.

3. Trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá có rất nhiều từ hát được lặp đi lặp lại. Vậy nội dung các câu hát có ý nghĩa như thế nào ?

A. Biểu hiện sức sống căng tràn của thiên nhiên.

B. Biểu hiện niềm vui, sự phấn chấn của người lao động.

C. Thể hiện sức mạnh vô địch của con người.

D. Thể hiện sự bao la hùng vĩ của biển cả.

4. Con thuyền đánh cá trong bài thơ mang vẻ đẹp kì vĩ, khổng lồ, hòa nhập với thiên nhiên rộng lớn. Hãy tìm trong bài thơ khổ thơ mang nội dung đó ?

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

5. Điền Đ (đúng), hoặc S (sai) vào ô trống cuối mỗi dòng sau về các loài cá được nhắc đến trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá :

A. Cá bạc, cá thu, cá nhụ, cá chim, cá đé.

B. Cá bạc, cá nhụ, cá thu, cá đuối, cá song.

C. Cá bạc, cá thu, cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song.

6. Huy Cận kể tên nhiều loài cá như vậy trong bài Đoàn thuyền đánh cá nhằm mục đích gì ?

A. Ca ngợi sự giàu có, phong phú đa dạng về các loài cá của biển cả.

B. Nhấn mạnh sự nhộn nhịp của cảnh đánh cá.

C. Thể hiện niềm vui sướng của người dân miền biển.

7. Để thể hiện các nội dung trên, tác giả đã sử dụng nghệ thuật nào ?

A. Lời thơ dõng dạc, điệu thơ như khúc hát say mê, hào hứng.

B. Hình ảnh đặc sắc kết hợp bút pháp lãng mạn và sức tưởng tượng phong phú.

C. Sử dụng nhiều biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh.

D. Giọng thơ khỏe khoắn, sôi nổi, bay bổng.

E. Tất cả các ý trên.

8. Đọc bài thơ sau của Hồ Chí Minh và thực hiện các yêu cầu ở phía dưới.

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

(Cảnh khuya)

a) Em hãy chuyển bài thơ trên thành một đoạn văn miêu tả không sử dụng phép so sánh cũng như các biện pháp nghệ thuật khác.

………………………………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………………………………….

b) So sánh bài thơ của Bác với đoạn văn vừa viết, rồi khoanh tròn vào chữ cái trước nhận xét đúng :

A. Đoạn văn viết không giúp cho người đọc hình dung cảnh rừng về khuya và nỗi lo lắng cho vận mệnh đất nước của Bác.

B. Bài thơ của Bác giúp em hình dung cụ thể hơn thiên nhiên ở núi rừng Việt Bắc về đêm khuya và đặc biệt là hình ảnh Bác.

C. Đoạn văn giúp người đọc hình dung cụ thể hơn.

9. Điền các từ : tết, xanh, hồng, trắng, vào chỗ trống trong khổ thơ sau cho thích hợp :

Dải mây …………… đỏ dần trên đỉnh núi,

Sương ……………….. lam ôm ấp nóc nhà gianh,

Trên con đường viền trắng mép đồi…………….

Người các ấp tưng bừng ra chợ…….…………….

(Đoàn Văn Cừ, Chợ Tết)

II. tự luận

1. Hãy chọn một số câu thơ có giá trị nghệ thuật độc đáo trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận để viết một bài văn có tên đề :

Những hình ảnh thơ tráng lệ và lãng mạn

2. Viết lời bình cho khổ thơ sau đây :

Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

(Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận)

 

Đáp án 

I. trắc nghiệm

Câu Nội dung trả lời
1 B
2 C
3 B
4 Thuyền ta lái gió với buồm trăng

 

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vây giăng

5 A,B  (Sai)  ;       C (Đúng)
6 A
7 E
8 a) Về khuya cảnh rừng Việt Bắc có tiếng suối chảy róc rách, có trăng soi bóng vào cây cổ thụ, vào hoa rừng. Đặc biệt là hình bóng Bác đêm khuya đang lo lắng cho vận mệnh đất nước.

 

b) Chọn B

9 Điền lần lượt : Trắng, hồng, xanh, tết

II. Tự luận

1. Hãy chọn một số câu thơ trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận để viết một bài văn có tên đề : Những hình ảnh thơ tráng lệ và lãng mạn.

Bài làm

Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận là bài ca tuyệt đẹp của con người lao động mới hăng say, khỏe khoắn giữa thiên nhiên kì ảo. Gam màu chủ yếu của bức tranh thơ này là màu sáng lóng lánh. Để rồi, khi đọc thi phẩm ta cảm tưởng lạc vào đêm hoa đăng chiến thắng trên biển – Hào hùng, tráng lệ và lãng mạn.

Như bao bài thơ khác, thiên nhiên xuất hiện trong Đoàn thuyền đánh cá thật quen thuộc : mặt trời, trăng, sao, gió, mây… Tuy nhiên, bằng cái nhìn của một con người mới XHCN, đi giữa miền Bắc hòa bình với ngòi bút miêu tả theo phong cách ấn tượng đầy tài năng của Huy Cận, thiên nhiên đã trở nên chân thực, sống động mà tráng lệ, rực rỡ kì vĩ, lớn lao mà tinh tế. Bên cạnh hình ảnh thiên nhiên ấy, con người hiện lên khoáng đạt, lãng mạn, tin yêu cuộc sống và tinh thần hăng hái lao động. Đặt mình vào tư cách con người lao động trên biển khơi mênh mông, Huy Cận đã lắng nghe được sự hòa hợp tuyệt diệu giữa thiên nhiên và con người.

Bài thơ miêu tả hành trình ra khơi và trở về trong thắng lợi của đoàn thuyền đánh cá gắn với hình ảnh mặt trời tráng lệ : “Mặt trời xuống biển như hòn lửa” – “Mặt trời đội biển nhô màu mới”. Trong câu thơ đầu tác giả sử dụng hình ảnh ví von vô cùng biểu cảm, giàu sức gợi và chuẩn xác. Khi mặt trời xuống biển là lúc có hình dáng quả cầu đỏ sẫm. Những tia sáng phản chiếu dưới mặt nước, lung linh như hoa lửa. Vẫn mang nét tráng lệ, nhưng khác với hình ảnh mặt trời hoàng hôn ở phần đầu bài thơ, hình ảnh mặt trời ở cuối bài thơ lại là linh hồn của bình minh và đồng hiện cùng với sự cập bến đầy tốt lành của đoàn thuyền đánh cá.

Hình ảnh bao quát bài thơ cho ta cảm giác về vũ trụ bao la thơ mộng. Đó là mối quan hệ tương hợp giữa con người với thiiên nhiên trong lao động, với mặt trời tráng lệ, với đêm trăng huyền ảo, với mây trời, sóng nước và với  – sinh lực, tinh lực của biển.

Những hình ảnh thơ tráng lệ và lãng mạn trong bài chủ yếu là những hình ảnh miêu tả trực tiếp thiên nhiên nhưng đã gián tiếp làm rõ vẻ đẹp khỏe khoắn, khoáng đạt, tinh thần lao động hăng say, nhiệt tình của con người. Chúng ta hãy đọc những vần thơ :

… Câu hát căng buồm cung gió khơi

… Thuyền ta lái gió với buồm trăng

… Ta hát bài ca gọi cá vào

… Đêm thở : sao lùa nước Hạ Long

Hàng loạt các hình ảnh thiên nhiên hiện ra cùng với hoạt động và tiếng hát của con người cùng đưa con thuyền lao động tiến vào trùng dương. Trăng, sao, điểm tô cho bức vẽ con người xông pha vào đại dương bao la thêm phơi phới hơn. Nhịp điệu lao động của con người đã mang nhịp thiên nhiên, vũ trụ một cách nhịp nhàng, hài hòa. Trong bài thơ : trời, mây, biển cả được tráng lệ hóa để mang hồn lao động, con người lao động được cao cả hóa  để mang tầm vũ trụ.

Gấp trang thơ của Huy Cận lại, những hình ảnh thơ tráng lệ và lãng mạn vẫn còn mãi trong trí tưởng tượng của chúng ta. Với cách sử dụng màu sắc, với cách vận dụng các thủ pháp ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa và thậm xưng, Huy Cận đã sáng tạo nhiều hình ảnh đẹp, đầy ý nghĩa. Một không gian tráng lệ tràn ngập niềm vui và câu hát, một rạng đông trên biển và một rạng đông trong lòng người, vì đối với Huy Cận “Trời mỗi ngày lại sáng”  và “biển đang hát” .

2. Viết lời bình cho khổ thơ sau đây :

Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

(Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận)

Bài làm

Đoàn thuyền đánh cá là bài thơ nổi tiếng của Huy Cận sau cách mạng Tháng Tám, được in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng“. Đây là bài thơ có kết cấu độc đáo : đoàn thuyền đánh cá xuất phát khi đêm xuống trên biển và trở về khi bình minh đón chào một ngày mới trên biển. Cả bài thơ là bức tranh lao động lung linh sáng đẹp trên biển, vừa là tiếng hát lạc quan của những chủ nhân biển khơi.

Khổ thơ cuối khép lại bài thơ bằng âm hưởng của tiếng hát vui say lao động vẫn ngân nga trong lòng người :

Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi

Câu đầu tiên của khổ thơ này được lặp lại gần như nguyên vẹn câu thứ tư của khổ thơ đầu bài thơ, chỉ thay một chữ “cùng” bằng “với“, nó có ý nghĩa diễn tả : tạo ra cảm giác tuần hoàn, câu hát căng buồm đưa thuyền đi thì giờ đây vẫn câu hát căng buồm lại đưa thuyền về. Nhưng bây giờ đoàn thuyền trở về trong một tư thế mới “chạy đua cùng mặt trời “. Màu nắng chan hòa làm thành quả lao động thêm rực rỡ. Hình ảnh mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi là sự kết hợp giữa màu sắc của mắt cá và ánh sáng chan hòa của mặt trời. Câu thơ kết là hay nhất bởi cách dùng chữ thật tài tình : Mặt trời đội biển nhô màu mới – Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi. Huy Cận miêu tả chính xác chuyển động của mặt trời, chuyển động từ từ, ban đầu là ánh sáng nhô lên, sau đó mặt trời mới ló ra, mặt trời nhô lên kết thúc một đêm tương xứng với mặt trời xuống biển – kết thúc một ngày ở đầu bài thơ. Và thành quả tốt đẹp (mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi) chính là cao trào của bài ca lao động.

Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận là một bài ca ngợi ca lao động, ngợi ca biển trời quê hương giàu đẹp và những chủ nhân của đất nước. Sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, tấm lòng và tình cảm của Huy Cận cùng với trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ tạo thêm sức hấp dẫn, ấn tượng về cuộc sống mới và con người mới.

1 bình luận: Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 65

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247