Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 70

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn của các trường trên cả nước năm 2012.

I. trắc nghiệm

Bài tập 1

1. Chọn từ ngữ thích hợp điền vào chỗ trống để hoàn thành đoạn văn giới thiệu về tác giả Nguyễn Duy.

Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm (1)……………….. quê ở làng(2)……………………….. nay thuộc phường (3)…………………… thành phố (4)……..

……….. Năm 1966 Nguyễn Duy gia nhập quân đội, từng tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường. Ông là nhà thơ trưởng thành trong(5) ……………………………….

Nguyễn Duy đã được trao giải nhất cuộc thi thơ của báo văn nghệ năm (6) …… ………………………… Tập thơ (7)………………………….. của Nguyễn Duy đã dược tặng Giải A của hội nhà văn Việt Nam năm 1984.

2. Bố cục của bài thơ ánh trăng có đặc điểm gì ?

A. Bài thơ miêu tả hình ảnh vầng trăng từ lúc mọc cho đến lúc lặn.

B. Bài thơ như một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian.

C. Bài thơ như một vở kịch có nhiều xung đột, mâu thuẫn.

3. Hình tượng ánh trăng trong bài thơ có ý nghĩa gì ?

A. Là hình ảnh của thiên nhiên rừng núi

B. Là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình

C. Là lời tự nhắc nhở và nhắc nhở mỗi người về lẽ sống thủy chung.

D. Cả A, B, C.

4. a) Vầng trăng là hình ảnh trung tâm trong bài thơ. Vậy vầng trăng trong bài thơ được xem là gì ?

A. Trăng là người bạn tri kỉ, nghĩa tình

B. Vầng trăng bị xem như người dưng qua đường

C. Cả A, B đúng

b) Giải thích tại sao tác giả lại xem vầng trăng như vậy ?

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

5. Bài thơ kết hợp tự sự với trữ tình, vậy nhân vật trữ tình là ai ?

A. Vầng trăng của tuổi thơ, gắn với chiến tranh và hòa bình.

B. Người lính.

C. Cái tôi của tác giả.

D. Cái tôi trữ tình của bài thơ.

E. Không có ý nào đúng.

6. Trong những nhận xét sau, nhận xét nào nói về kết cấu của bài ánh trăng ?

A. Giọng thơ không hoa mĩ mà thủ thỉ tâm tình.

B. Vầng trăng gắn với mỗi giai đoạn đời tác giả : tuổi thơ, thời chiến tranh, thời bình.

C. Thể thơ năm chữ, mỗi khổ bốn dòng thơ và chữ đầu tiên mỗi dòng không viết hoa.

D. Cấu trúc song hành, nhịp thơ hối thúc, niềm vui òa vỡ khi kỉ niệm trở về vầng trăng soi sáng những con người lãng quên.

Bài tập 2

1. Đọc hai dị bản của câu ca sau và trả lời câu hỏi

-          Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon

-          Râu tôm nấu với ruột bù

Chồng chan vợ húp gật gù khen ngon

a) Trong trường hợp trên, gật đầu hay gật gù thể hiện thích hợp hơn ý nghĩa cần biểu đạt.

A. Gật đầu

B. Gật gù

b) Giải thích vì sao em lại chọn như vậy ?

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

………………………………………………………………………………………………………………….

2. Tìm những từ thuộc cùng một trường từ vựng chỉ các hoạt động đánh cá trên biển của đoàn thuyền đánh cá trong đoạn thơ sau :

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vây giăng

(Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá)

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

II. tự luận

Từ bài thơ ánh trăng của Nguyễn Duy hãy viết về những suy tư của người lính sau chiến tranh.

Đáp án

I. Trắc nghiệm

Bài tập Câu (ý) Nội dung trả lời
1 1 (1)1948 ; (2) Quảng Xá ; Đông Vệ ; (4)Thanh Hóa ; (5) Kháng chiến chống Mỹ ; (6) 1972 – 1973 ; (7) ánh trăng ; (8) 1978
2 B
3 D
4 a)   C

 

b)  Vầng trăng gắn với những kỷ niệm thân thuộc của tuổi ấu thơ nơi ruộng đồng, của một thời gian khổ chiến đấu. Ngoài ra vầng trăng mang vẻ đẹp trong sáng vĩnh hằng của thiên nhiên đã trở thành người bạn tri kỷ của con người

- Sống ở thành phố đầy đủ tiện nghi, ánh sáng hơn nữa trước cám dỗ của cuộc sống lòng người dễ quên quá khứ

5 D
6 C
1 1 a) chọn B

 

b) Vì gật gù có nghĩa là gật nhẹ và nhiều lần biểu  thị thái độ đồng tình, tán thưởng. Như vậy tuy món ăn đạm bạc nhưng đôi vợ chồng ăn rất  ngon miệng vì họ biết chia sẻ niềm vui đơn sơ trong cuộc sống

2 Lái, lướt, đậu, dò, vây, giăng

II. Tự luận

Từ bài thơ “ánh trăng” của Nguyễn Duy em hãy viết lại những suy tư của người lính sau chiến tranh.

Bài làm

Cuộc kháng chiến đã qua đi, người lính trong chiến tranh giờ đây đã về với cuộc sống hàng ngày. Tưởng như sự bận rộn hôm nay sẽ khiến người ta quên lãng quá khứ. Nhưng có một lúc nào đó trong đời thường những kỉ niệm chiến tranh lại như  những thước phim quay chậm hiện về. Nguyễn Duy gửi tới bạn đọc thi phẩm “ánh trăng” cũng chính là gửi tới bạn đọc thông điệp : Không nên sống vô tình, phải biết thủy chung nghĩa tình cùng quá khứ.

“Hồi nhỏ sống với đồng

Với sông rồi với bể

Hồi chiến tranh ở rừng

Vầng trăng thành tri kỉ”.

Hình ảnh những đồng, sông, bể, rừng nguyên sơ, thuần hậu trong khổ thơ đầu này là nơi đã nuôi dưỡng, che chở cho tuổi thơ và năm tháng chiến tranh, cả một quãng đường dài sống trong tình thương yêu, gắn bó với thiên nhiên, với những miền quê ấy, vầng trăng thành tri kỉ. Trăng như mái nhà, như người bạn thân thiết của tâm hồn. ở đó tâm hồn tình cảm con người cũng đơn sơ thuần phác như chính thiên nhiên. Trăng và người đã tạo nên mối giao tiếp, giao hoà thủy chung tưởng như không bao giờ có thể quên được.

“Từ hồi về thành phố

Quen ánh điện cửa gương

Vầng trăng đi qua ngõ

Như người dưng qua đường”.

Khi chiến tranh kết thúc. Người lính trở về bị hấp dẫn bởi đô thị, với ánh điện, cửa gương, những ánh sáng nhân tạo đã làm họ quên đi ánh sáng tự nhiên hiền dịu của trăng. Cuộc sống hiện đại với nhiều tiện nghi đã làm cho con người thờ ơ, vô tình với những ngày gian khổ, cùng đồng đội, đồng chí chung một chiến hào mà trăng là biểu tượng.

“Vầng trăng đi qua ngõ

Như người dưng qua đường”.

Từ hình ảnh vầng trăng “tri kỉ”, vầng trăng tình nghĩa trở thành người dưng qua đường, Nguyễn Duy đã diễn tả được cái đổi thay của lòng người, cái lãng quên, dửng dưng đến phũ phàng. Cái so sánh thật thấm thía: “như người dưng qua đường”.

Cũng như dòng sông có khúc phẳng lặng êm đềm, cũng có khúc ghềnh thác dữ dội. Cuộc đời vốn cũng nhiều biến động. Ghi lại một tình huống, cuộc sống nơi thị thành, của những con người từ rừng về thành phố, Nguyễn Duy đặt con người vào bối cảnh.

“Thình lình đèn điện tắt

Phòng buynh  đinh tối om

Vội bật tung cửa sổ

Đột ngột vầng trăng tròn”.

Khi ánh trăng nhân tạo vụt tắt, bóng tối bao trùm khắp không gian thì vầng trăng xuất hiện khiến con người ngỡ ngàng trứơc ánh trăng thân thương của tuổi thơ trên những nẻo đường ta sống và trong cuộc chiến gian khổ, ác liệt. Cuộc sống hiện đại làm cho lòng người thay đổi… Trước người bạn vô tình ấy, trăng chẳng nói, chẳng trách khiến người lính cảm thấy có cái gì rưng rưng. ánh trăng soi chiếu khiến người ta nhận ra độ lệch của nhân cách mình.

“Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình”.

ánh trăng trước sau vẫn vậy mộc mạc, giản dị và thủy chung. Trăng lặng lẽ tròn đầy một cách trong sáng, vô tư, mặc cho thời gian trôi, mặc cho bạn bầu xưa ai đó quay lưng dù trong quá  khứ trăng là tri kỉ. Nhưng trăng cũng khơi gợi niềm xúc động, đánh thức lương tâm ở con người. Cái giật mình được diễn tả trong khổ thơ “vô ngôn” thể hiện sự bình tĩnh đáng quí. Qua bài thơ Nguyễn Duy đã khám phá ra vẻ đẹp không bao giờ kết thúc. Dường như cuộc sống mới đầy đủ hơn khiến cho con người lãng quên ánh trăng. Hành trình đi tìm những hạt ngọc ẩn dấu trong tâm hồn con người không bao giờ ngơi nghỉ và việc hoàn thiện mình của chính mỗi con người cũng không phải một sớm một chiều.

Cuộc đấu tranh hướng thiện âm thầm mà khốc liệt, nó đòi hỏi lòng dũng cảm của con người. Người lính năm xưa đã dành trọn quá khứ soi mình trong hiện tại để đấu tranh loại bỏ sự vô tình vô nghĩa của bản thân, hướng tới sự cao cả, tốt đẹp.

ánh trăng” là bài thơ không quên về quá trình hướng thiện, quá trình hoàn thiện mình của mỗi con người trong cuộc sống hôm nay.

Viết bình luận: Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 70

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247