Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 74

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn của các trường trên cả nước năm 2012.

I. trắc nghiệm

Bài tập 1

Trả lời về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa

1. Nhân vật chính trong truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là ai ?

A. Ông họa sĩ

B. Cô kĩ sư nông nghiệp

C. Anh thanh niên

D. Bác lái xe

2. Câu nào sau đây nêu đúng chủ đề của truyện Lặng lẽ Sa Pa ?

A. Truyện ca ngợi những con người lao động bình dị, lặng lẽ âm thầm cống hiến cho đất nước

B. Anh thanh niên làm công tác khí tượng và cả thế giới những người như anh

C. Vẻ đẹp bình dị của các nhân vật, nhất là anh thanh niên.

3. Nhân vật anh thanh niên được nhà văn giới thiệu bằng cách nào ?

A. Tự giới thiệu về mình

B. Tác giả miêu tả trực tiếp

C. Hiện ra qua sự nhìn nhận, đánh giá của nhân vật khác.

D. Được giới thiệu qua lời kể của ông họa sĩ già.

4. Truyện “Lặng lẽ Sa Pa” được trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn và ý nghĩ của nhân vật nào ?

A. Ông họa sĩ

B. Bác lái xe.

C. Anh thanh niên.

D. Cô kĩ sư.

5. Đọc đoạn văn sau và cho biết phương thức biểu đạt.

“Những nét hớn hở trên mặt người lái xe chợt duỗi ra rồi bẵng đi một lúc, bác không nói gì nữa. Còn nhà họa sĩ và cô gái cũng nín bặt, vì cảnh trước mắt bỗng hiện lên đẹp một cách kì 1ạ. Nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe.”

(Lặng lẽ Sa Pa)

A. Tự sự , miêu tả.

B. Miêu tả, biểu cảm.

C. Tự sự, biểu cảm.

D. Biểu cảm, nghị luận

6. Nhận xét sau đúng hay sai ?

Một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và góp vào thành công của truyện “Lặng lẽ Sa Pa” là chất trữ tình.

A. Đúng.                                             B. Sai.

7. Câu văn nào sau đây không sử dụng lời dẫn trực tiếp ?

A. “Âý thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói : “Đấy, bác cũng chẳng “thèm” người là gì ?”

B. Họa sĩ nghĩ thầm : “khách tới bất ngờ, chắc cu cậu chưa kịp quét dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn chẳng hạn”

C. Ông rất ngạc nhiên khi bước chân lên bậc thang bằng đất, thấy người con trai đang hái hoa.

8. Câu văn nào sau đây sử dụng lời dẫn gián tiếp ?

A. Sao người ta bảo anh là người cô độc nhất thế gian ?

B. Người con trai mừng quýnh cầm cuốn sách còn đang cười cười nhìn khắp khách đi xe bây giờ đã xuống cả.

C. Tuổi già cần nước chè : ở Lào Cai đi sớm quá

9. Giá trị nghệ thuật góp phần tạo nên thành công của truyện “Lặng lẽ Sa Pa”

A. Xây dựng tình huống truyện  hợp lí.

B. Cách kể chuyện tự nhiên.

C. Kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận.

D. Cả A, B, C.

Bài tập 2

1. Trong tác phẩm Lặng lẽ SaPa, nhà văn không đặt tên cụ thể cho nhân vật là vì :

A. Cuộc gặp của các nhân vật trong truyện quá bất ngờ, vội vã, không cần xưng tên

B. Nhà văn muốn nói họ chẳng là ai nhưng lại là tất cả.

C. Chi phối cách viết truyện : họ là những con người vô danh, sống đẹp có mặt ở khắp nơi.

D. Cần tìm một hướng lí giải khác.

2. Cảm hứng âm vang từ Lặng lẽ Sa Pa có thể là gì ? Đánh dấu X vào ô vuông ý sai.

a) Nơi nghỉ mát và đầy cảm hứng nghệ thuật.

b) Sa Pa không hề lặng lẽ bởi âm vang tình người

c) Nơi những con người âm thầm cống hiến mà không đòi hưởng thụ.

d) Âm vang từ cuộc gặp, nảy nở một tình yêu lứa đôi

3. Vấn đề “thèm người” của anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa có thể hiểu là gì ?

A. Đây là con người hết sức cô đơn.

B. Đây là con người tình cảm.

C. Một chi tiết “giật gân”.

D. Một chi tiết thừa .

4. Khi đọc xong Lặng lẽ Sa Pa, các bạn đã thốt lên :

A. Cuộc đời đẹp thật.

B. Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.

C. Quá lý tưởng, không có thật.

D. Một nơi nghỉ mát tuyệt vời.

Khoanh tròn vào chữ cái câu em cho là đúng.

II. tự luận

1. Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long để thấy được vẻ đẹp trong cách sống, tâm hồn và những suy nghĩ của nhân vật.

2. Cảm nhận của em về những điều âm vang từ “Lặng lẽ Sa Pa”

 

Đáp án Đề số 20

I. Trắc nghiệm

Bài tập Câu (ý) Nội dung trả lời
1 1 A
2 C
3 C
4 A
5 B
6 A
7 C
8 A
9 D
1 1 C
2 Đánh dấu X các ô : a, d
3 B
4 A, B

II. Tự luận

1. Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” (Nguyễn Thành Long) để thấy được vẻ đẹp trong cách sống, tâm hồn và những suy nghĩ của nhân vật.

Bài làm

“Trong cái im lặng của Sa Pa [...], Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Có những người làm việc và lo nghĩ cho đất nước, đó là những con người lao động thầm lặng, hi sinh hạnh phúc cá nhân, tìm hạnh phúc trong lao động. Nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” (Nguyễn Thành Long) là một bức chân dung kí hoạ đẹp đẽ về con người này.

Nhân vật anh thanh niên – nhân vật chính của truyện, được xuất hiện từ lời giới thiệu của bác lái xe với ông hoạ sĩ và cô kĩ sư : hai mươi bảy tuổi. người cô độc nhất thế gian, một mình trên trạm khí tượng ở đỉnh núi cao 2.600 m,rất “thèm người…” Giữa mênh mông đất trời, sương tuyết, anh thanh niên yêu đời, yêu nghề, có trách nhiệm với công việc của mình. Trong cuộc sống, hạnh phúc mà người ta có được là tự bản thân mình biết tạo ra, tìm ra hạnh phúc từ chính cuộc sống riêng mình, công việc mình đang làm. Anh thanh niên biết làm chủ, sắp xếp, lo toan cho cuộc sống riêng mình. Anh nuôi gà, trồng hoa, đọc sách, biết xuống đường tìm gặp bác lái xe, hành khách để trò chuyện. Anh đã tìm được hạnh phúc cho cuộc sống riêng. Đó là động lực giúp anh vượt qua nỗi cô đơn vắng vẻ, quanh năm trên đỉnh núi cao, không có bóng người. Anh chiến thắng hoàn cảnh, tìm hạnh phúc trong cuộc sống. Với anh “khi làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được”. Quan niệm sống, niềm say mê nghề nghiệp giúp anh vượt qua thử thách cuộc sống, thử thách trong nghề. Nửa đêm, đúng giờ “ốp” thì dù mưa tuyết, giá lạnh thế nào cũng phải trở dậy ra ngoài trời làm công việc đã qui định.

ở người thanh niên này còn có những nét tính cách và phẩm chất rất đáng mến nữa. Đó là sự cởi mở, chân thành, quí trọng tình cảm, khát khao được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người. Sự chu đáo, tình cảm chân thành, giản dị trong từng lời nói, cách quan tâm. Một củ tam thất đào được, một ổ trứng gà, một bó hoa và những câu chuyện làm quà… Tất cả gửi gắm tình cảm chân thành của người lao động trẻ tuổi – thế hệ thanh niên trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước ta.

Với những người đã gặp anh, tiếp xúc với anh, anh thanh niên không chỉ đáng yêu vì cách sống mà đáng yêu ở cả những suy nghĩ, quan niệm về “người cô độc”, về “nỗi thèm người”, về vị trí cuộc sống, về ấn tượng mà mỗi người tạo ra trong đời, anh luôn cảm thấy mình nhỏ bé, bình thường so với những người khác. Khi ông hoạ sĩ già phác thảo chân dung anh vào sổ tay, anh rất ngượng ngùng, tìm một chân dung khác cho tác phẩm của ông hoạ sĩ mà anh cho là có ý nghĩa hơn anh. Nào là ông kĩ sư vườn rau, ngày này sang ngày khác rình xem ong thụ phấn cho su hào để nâng cao năng xuất cây trồng, cho đời củ su hào to và ngọt hơn ; một người làm công tác nghiên cứu khoa học, mười năm không một ngày xa cơ quan, luôn trong tư thế sẵn sàng đợi sét để lập ra bản đồ sét người tìm racủa chìm dưới lòng đất cho đất nước.

Anh đã gửi gắm tới mọi người ý nghĩ : trong im lặng của Sa Pa, nơi người ta nghĩ tới nghỉ ngơi còn có những người làm việc, lo nghĩ cho đất nước.

Chỉ bằng một số chi tiết và sự xuất hiện của anh thanh niên trong khoảnh khắc của truyện – cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa nhân vật ông hoạ sĩ, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên làm công tác khí tượng ở Sa Pa, tác giả đã phác hoạ được chân dung nhân vật chính với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và cả những suy nghĩ về cuộc sống, ý nghĩa công việc.

2. Cảm nhận của em về những điều âm vang từ Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long

Bài làm

“Chất thơ của văn xuôi thấm vào hồn ta như hương vị ngọt ngào của trái táo”- Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là một truyện ngắn như vậy. Ngay cái tiêu đề đã mang đầy chất thơ. Sa Pa lặng lẽ nhưng tình người ấm áp nhân hậu. Tình người ấy sẽ tạo ra những âm vang như một sức quyến rũ đặc biệt khi đọc xong truyện ngắn này.

Trước hết là những âm vang từ một cuộc đời đẹp. Đó là câu chuyện về chàng trai đáng yêu có cái tên thật ấn tượng: anh thanh niên. Nhân vật này hiện lên sinh động, có cá tính, có đời sống nội tâm, dù không mang tên cụ thể mà người đọc sẽ  mãi nhớ về anh. Chàng trai “cô độc nhất thế gian” này làm nghề khí tượng, một mình sống trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 m và âm thầm lặng lẽ với công việc. Vẫn yêu đời, nuôi gà, trồng hoa, đọc sách và lấy sự chờ đợi, gặp gỡ những chuyến xe lên làm niềm vui.

Sống âm thầm nhưng anh không lạnh lùng, vô cảm, trái lại, anh rất nhạy cảm, luôn hướng về cuộc sống, luôn nhớ người, thèm người. Con người này biết hi sinh những lợi ích cá nhân. Trong câu chuyện với mọi người, anh tiết kiệm từng phút thời gian, chỉ sợ niềm vui gặp gỡ sẽ qua nhanh. Và khi phải tiễn khách thì thật cảm động, một bó hoa tưoi, một làn trứng gà cho khách. Tâm hồn anh đẹp, trong sáng, một cuộc đời đẹp không chỉ là hình thức mà đẹp ở nội tâm. Anh thanh niên còn đẹp trong những suy nghĩ. Đó là những âm vang từ suy nghĩ đẹp : anh không tự đánh giá cao cá nhân, khước từ họa sĩ vẽ về mình, anh ngợi ca những người khác như ông kĩ sư vườn rau và anh cán bộ bản đồ sét. Suy nghĩ từ anh về Sa Pa : Nơi mà mới nghe tên, người ta đã nghĩ tới sự hưởng thụ, nhưng lại có những con người âm thầm không hề lặng lẽ, làm việc và cống hiến… Tất cả cuộc sống và suy nghĩ của chàng trai đã tạo nên chất thơ, chất nhạc âm vang sâu lắng của truyện.

Cùng với chàng trai, còn có những nhân vật khác như bác lái xe, ông già họa sĩ, cô kĩ sư… họ đều là những tâm hồn đồng cảm cách sống đẹp.

Lặng lẽ Sa Pa là một câu chuyện về tình yêu công việc, nơi gặp gỡ của lí tưởng sống và lòng nhân ái trong một xã hội mới tốt đẹp. Câu chuyện đã tác động sâu sắc đến mỗi chúng ta, thắp sáng lên ngọn lửa nhiệt tình và lòng đam mê công việc. Cuộc đời có những con người như thế sẽ làm ta vững tin hơn, sống đẹp hơn.

Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn

Bữa cơm dù dưa muối đầy vơi

Chân lí chẳng cần chi đổi bán

Tình thương vô hạn để cho đời

(Tố Hữu)

Viết bình luận: Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 74

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247