Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 85

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn của các trường trên cả nước năm 2012.

I. Trắc nghiệm

Bài tập 1

Khoanh tròn vào chữ cái đầu dòng ghi các ý đúng :

1. Đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích thuộc phần nào của Truyện Kiều ?

A. Gặp gỡ và đính ước.

B. Gia biến và lưu lạc.

C. Đoàn tụ.

2. Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân,

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ bụi  hồng dặm kia.

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

(Trích : Kiều ở lầu Ngưng Bích- Truyện Kiều)

a) Đoạn thơ trên có nội dung :

A. Tả cảnh ở lầu Ngưng Bích.

B. Diễn tả tâm trạng cô đơn của Kiều.

C. Gồm cả hai nội dung trên.

b) Không gian trong đoạn thơ :

A. Mênh mông, hoang vắng, rợn ngợp.

B. Rộng lớn, tăm tối, rợn ngợp.

C. Cả hai nội dung trên.

c) Thời gian trong đoạn thơ :

A. Một ngày đêm.

B. Nhiều ngày đêm.

C. Lúc sáng sớm và đêm khuya.

d) Hình ảnh : vẻ non xa tấm trăng gần và mây sớm đèn khuya gợi :

A. Sắc màu của không gian.

B. Nỗi cô đơn tuyệt đối của Kiều.

C. Vẻ đẹp của lầu Ngưng Bích.

3. Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Bên trời góc bể bơ vơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng  ấp lạnh những ai đó giờ ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

(Trích : Kiều ở lầu Ngưng Bích - Truyện Kiều)

a) Trong đoạn thơ trên, Kiều nhớ tới ai ?

A. Nhớ cha mẹ và Thuý Vân.

B. Nhớ Kim Trọng và Thuý Vân.

C. Nhớ cha mẹ và Kim Trọng.

b) Nhớ Kim Trọng, Kiều nhớ tới :

A. Buổi du xuân tiết thanh minh, hai người gặp gỡ lần đầu.

B. Lời thề nguyền của đôi lứa.

C. Lần Kim Trọng gặp Kiều trả chiếc thoa rơi.

c) Nỗi nhớ cha mẹ của Kiều gắn liền với :

A. Nỗi lo.

B. Nỗi thương xót.

C. Cả A và B.

d) Cụm từ : sân lai, gốc tử là :

A. Các hình ảnh hoán dụ.

B. Các điển cố.

C. Các hình ảnh thực.

e) Nỗi nhớ chàng Kim và cha mẹ của Kiều cho ta thấy :

A. Kiều là một người tình chung thuỷ, người con hiếu thảo.

B. Kiều là một người có tấm lòng vị tha đáng trân trọng.

C. Kiều là một người giàu lòng trắc ẩn

D. Gồm A và B.

4. Tám câu thơ cuối của đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích :

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa ?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu ?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân  mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

a) Có nội dung gì ?

A. Tả cảnh.

B. Thể hiện tâm trạng và cảnh ngộ của Thuý Kiều.

C. Trong lúc buồn chán, Kiều suy nghĩ mông lung.

D. Gồm A và B.

b) Cảnh ở lầu Ngưng Bích :

A. Được nhìn từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm.

B. Âm thanh từ tĩnh đến động.

C. Được nhìn qua tâm trạng của Kiều.

D. Gồm cả ba nội dung trên.

c) Đoạn thơ thể hiện tâm trạng và cảnh ngộ của Kiều : sự cô đơn, thân phận nổi nênh vô định, nỗi buồn tha hương, niềm thương nỗi nhớ và cả sự bàng hoàng, lo sợ.

Nhận định trên :

  1. Đúng.
  2. Sai.

d) Câu thơ :  ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

A. Tả thực.

B. Tạo âm thanh làm cho cảnh thêm sôi động khiến lòng người vợi bớt nỗi buồn.

C. Gợi nỗi kinh hoàng, như báo trước bão tố sẽ vùi dập cuộc đời nàng.

5. Đoạn thơ Mã Giám Sinh mua Kiều thuộc phần nào của Truyện Kiều ?

A. Gặp gỡ và đính ước.

B. Gia biến và lưu lạc.

C. Đoàn tụ.

6. Ngôn ngữ của Mã Giám Sinh trong hai câu thơ :

Hỏi tên, rằng : “Mã Giám Sinh”,

Hỏi quê, rằng : “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.

A. Súc tích.

B. Giản dị.

C. Cộc lốc.

7. Cách trả lời trên cho thấy Mã Giám Sinh là người :

A. Biết tiết kiệm lời nói.

B. Thiếu văn hoá trong giao tiếp.

C. Gồm cả A và B.

8. Diện mạo của Mã Giám Sinh trong hai câu thơ :

Quá niên trạc ngoại tứ tuần

Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.

Cho biết y là một người :

A. Biết làm đẹp.

B. Chải chuốt kệch cỡm, không phù hợp với lứa tuổi.

C. Gọn gàng, lịch sự.

9. Từ lao xao trong câu thơ  Trước thầy sau tớ lao xao diễn tả :

A. Không khí vui vẻ của đoàn người đi hỏi vợ cho Mã Giám Sinh.

B. Cảnh đông vui của đám ăn hỏi.

C. Thầy tớ nhà anh chàng họ Mã là một lũ láo nháo, ô hợp.

D. Tất cả các ý trên.

10. Mã Giám Sinh là người như thế nào qua hai câu thơ sau ?

Mặn nồng một vẻ một ưa

Bằng lòng khách mới tuỳ cơ dặt dìu.

A. Thận trọng.

B. Thiếu quyết đoán.

C. Lọc lõi trong buôn bán.

11. Trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, nàng Kiều không nói lời nào vì :

A. Nàng e thẹn.

B. Nàng đau đớn vì mình trở thành món hàng trong tay người khác.

C. Cả hai ý trên.

12. Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều có ý nghĩa :

A. Tố cáo đồng tiền và các thế lực tàn bạo chà đạp con người.

B. Bộc lộ tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du.

C. Gồm A và B.

13. Tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều :

A. Tả cảnh ngụ tình.

B. Khắc hoạ tính cách nhân vật.

C. Kể chuyện.

Bài tập 2

Xác định nghĩa của yếu tố Hán Việt :

1. Thân (Hán Việt) có những nghĩa thông dụng nhất như sau:

-  Mình, thân thể – thể tích của vật.

- Thương yêu, gần gũi.

Cho biết nghĩa của yếu tố thân trong mỗi từ sau đây : thân tộc, thân mộc, thân cận, thân phận,  thân ái, thân thế, thân phụ. Giải thích nghĩa của những từ này.

2. Cho từ Hạ (Hán Việt) với những nghĩa như sau:

-   ở dưới, rơi xuống.

-  Mùa thứ hai trong một năm.

Cho biết nghĩa của yếu tố hạ trong mỗi từ sau đây : hạ bút, hạ chí, hạ đẳng, hạ lưu, hạ tuần. Giải thích nghĩa của những từ này.

3. Với mỗi yếu tố Hán Việt sau đây, hãy tìm hai từ ghép có yếu tố đó :

Chung (cuối cùng), hoả (lửa), nạn (tai vạ nguy hiểm), đại (đời), đại (lớn), tận (hết, tất thảy), bổ (bù vào), tiềm (chìm trong nước, ẩn dấu).

Bài tập 3

Điền vào chỗ trống :

1. Cho bốn từ : bóc trần, cô đơn, lên án, nội tâm, điền vào hai câu sau sao cho thích hợp :

a)   Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn trích miêu tả . . . . . . . .   nhân vật thành công nhất trong Truyện Kiều, đặc biệt là bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Đoạn thơ cho thấy cảnh ngộ . . . . . . . . . . . . . , buồn tủi và tấm lòng thuỷ chung, hiếu thảo của Thuý Kiều.

b) Bằng việc miêu tả ngoại hình, cử chỉ và ngôn ngữ đối thoại để khắc hoạ tính cách nhân vật trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, tác giả đã . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . bản chất xấu xa, đê tiện của Mã Giám Sinh, qua đó . . . . . . . . . những thế lực tàn bạo chà đạp lên sắc tài và nhân phẩm của người phụ nữ.

II. Tự luận

1. Phân tích tám câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.

2. Phân tích tâm trạng nhớ thương của Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.

3. Phân tích bức tranh thiên nhiên trong sáu câu đầu  đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích để làm nổi bật cảnh ngộ của Kiều.

Đáp án Đề số 31

I. Trắc nghiệm

 

Bài tập 1

Khoanh tròn vào các chữ sau :

Câu 2d :B. Câu 3a : C. Câu 3b : B. Câu 3c :  C.
Câu 3d :B. Câu 3e : D. Câu 4a : D. Câu 4b : D.
Câu 4c :A. Câu 4d : C. Câu  5 : B. Câu  6 : C.
Câu  7 : B. Câu  8 : B. Câu  9 : C. Câu10 : C.
Câu 11 : C. Câu 12 : C. Câu 13 : B.  

Bài tập 2

Xác định nghĩa của yếu tố Hán Việt :

1. tuyệt:

-  Mình, thân thể – thể tích của vật : thân mộc (thân cây bằng gỗ),  thân phận (địa vị và giai cấp hoặc cảnh ngộ của mình), thân thế (cuộc đời riêng của một người, thường là người có danh tiếng).

- Thương yêu, gần gũi : thân ái (yêu mến mật thiết), thân tộc (người trong họ nội), thân cận (thân thiết, gần gũi), thân phụ (cha đẻ ra mình).

2. hạ :

-   ở dưới, rơi xuống : hạ bút (đặt bút xuống để viết hay vẽ), hạ đẳng (bậc dưới), hạ lưu (chỗ gần cửa sông), hạ tuần(khoảng thời gian 10 ngày cuối tháng).

-  Mùa thứ hai trong một năm : hạ chí (giữa mùa hạ).

3. Giới thiệu một số từ sau :

- chung (cuối cùng) : chung kết, chung thuỷ, chung cục, chung qui …

hoả (lửa) : hoả hoạn, hoả xa, hoả pháo, hoả táng …

nạn (tai vạ nguy hiểm) : tị nạn, nạn dân, nạn kiều …

đại (đời) : hiện đại, cổ đại, thời đại …

đại (lớn) : đại tiệc, đại sự, đại cáo …

tận (hết, tất thảy) : tận tâm, tận lực, tận trung, tận hiếu…

– bổ (bù vào) : bổ ích, bổ túc, bổ dụng, bổ khuyết…

tiềm (chìm trong nước, ẩn dấu) : tiềm ẩn, tiềm lực, tiềm tàng, tiềm năng…

Bài tập 3

Điền vào chỗ trống :

1. Điền các từ  theo đúng thứ tự  vào các câu như sau :

a) nội tâm, cô đơn.

b) bóc trần, lên án.

II. Tự luận

1. Đây là đề nghị luận về một đoạn trích trong tác phẩm truyện thơ, phân tích 8 câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Ngoài yêu cầu chung của kiểu văn bản nghị luận về tác phẩm truyện (hay đoạn trích), cần phân tích để làm nổi bật tâm trạng buồn lo của Kiều qua nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Diễn tả tâm trạng Kiều, Nguyễn Du đã tìm cách thể hiện tình trong cảnh, cảnh trong tình. Cảnh vật chính là tâm trạng của Kiều. Cảnh được miêu tả từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động. Hình ảnh có cánh buồm thấp thoáng, có cánh hoa trôi man mácvà nội cỏ ràu rầu. Tất cả đều nhằm thể hiện tâm trạng cô đơn, thân phận nổi nênh vô định, nỗi buồn của kẻ tha phương, nỗi nhớ người yêu, cha mẹ và sự bàng hoàng đến lo sợ của Kiều. Câu kết như báo trước cơn dông bão sẽ nổi lên, xô đẩy, vùi dập cuộc đời nàng.

2. Đề bài yêu cầu phân tích tâm trạng nhớ thương của Kiều đối với chàng Kim và cha mẹ nàng. Nội dung cần đạt là :

Nhớ chàng Kim, Kiều nhớ tới lời thề nguyền đôi lứa, tưởng tượng cảnh chàng Kim đang hướng về mình, đêm ngày mong tin nhưng uổng công vô ích. Tâm trạng Kiều đầy xót xa, đau đớn. Nhớ tới cha mẹ, lòng Kiều đầy thương xót. Nàng thương cha mẹ sáng chiều tựa cửa ngóng tin con, mong sự đỡ đần ; nàng xót xa hiện thời cha mẹ không ai chăm nom và không được tự tay chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già sức yếu . . .

Qua phân tích tâm trạng nhớ thương của Kiều phải làm hiện lên một con người sống thuỷ chung trong tình yêu, hiếu thảo với cha mẹ và có tấm lòng vị tha đáng trân trọng.

3. Đề bài yêu cầu phân tích bức tranh thiên nhiên ở 6 câu thơ đầu trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích để thấy cảnh ngộ hiện tại của Kiều. Nghệ thuật tả cảnh ở đây của Nguyễn Du là tả cảnh ngụ tình cho nên không nên tách bạch cảnh và tình riêng biệt. Từ cảnh gợi lên cảnh ngộ của Kiều :

Không gian trong bức tranh mênh mông hoang vắng và đầy rợn ngợp. Hỉnh ảnh non xa, trăng gần gợi sự chơi vơi của Kiều trước trời nước mênh mông. Những cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia vừa làm tăng thêm cái mênh mông   của không gian vừa tô đậm sự trơ trọi, rợn ngợp của con người. Thời gian và không gian như giam hãm con người, Kiều một mình một bóng. Nàng rơi vào hoàn cảnh cô đơn tuyệt đối.

Viết bình luận: Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 85

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247