Học phí đại học, cao đẳng năm học 2013-2014 giữ ở mức ổn định

Năm 2013, để ứng phó với những khó khăn tài chính chung, Bộ GD-ĐT và một số trường đã xử lý linh hoạt vấn đề học phí với động thái đầu tiên là xu hướng tăng học phí ồ ạt đã giảm rõ rệt.

Trường tư: Đa dạng học phí

Thông tin tuyển sinh năm nay ghi nhận không có xu hướng tăng học phí ồ ạt từ phía các trường ĐH, CĐ ngoài công lập như một vài năm trước. Lý do dễ hiểu là bởi các trường đang rất khó khăn về nguồn tuyển nên nếu tiếp tục tăng học phí thì càng khiến thí sinh thêm phần e ngại. Tuy nhiên, do được phép tự quyết định mức thu nên học phí của các trường ngoài công lập lại rất đa dạng.

 
Mức học phí luôn là mối quan tâm của phụ huynh và sinh viên.	Ảnh: Khánh Nguyên
Mức học phí luôn là mối quan tâm của phụ huynh và sinh viên. Ảnh: Khánh Nguyên


Nhìn chung, học phí của gần 20 trường ngoài công lập phía Bắc chia làm 3 nhóm chính. Nhóm thấp nhất nằm trong khoảng 500.000-650.000 đồng/tháng cho học phí ĐH. Nhóm thứ hai dao động từ 650.000 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Nhóm thứ ba từ 1,5 triệu đến 1,85 triệu đồng/tháng.
 
Học phí của Trường ĐH Đông Đô từ 800 đến 820 nghìn đồng/tháng. Trường ĐH Đại Nam giữ nguyên mức năm ngoái, cụ thể là ngành Tài chính ngân hàng (1,18 triệu đồng/tháng), ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Quan hệ công chúng (1,08 triệu đồng/tháng), các ngành còn lại 980.000 đồng/tháng; hệ CĐ 800.000 đồng/tháng. Trong khi đó, Trường ĐH Thăng Long đưa ra thông tin khá chung chung so với mọi năm: Trung bình 17,5 triệu đồng/năm. Trường ĐH Nguyễn Trãi thu học phí theo tín chỉ 3 kỳ/năm, tính bình quân chung cho các ngành khoảng 1,65 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà đưa ra mức học phí "nhẹ" hơn năm 2012: Năm đầu tiên hệ ĐH ở khối ngành Xây dựng và kỹ thuật là 1,1 triệu đồng/tháng; khối ngành Kinh tế 1 triệu đồng/tháng. Ở hệ CĐ, khối ngành Xây dựng và kỹ thuật 800 ngàn đồng/tháng, khối ngành Kinh tế thấp hơn 100 nghìn đồng. Tuy nhiên học phí sẽ tăng dần 10% trong các năm học tiếp theo. Mức học phí "khủng" của Trường ĐH FPT vẫn giữ nguyên từ năm ngoái là 23 triệu đồng/học kỳ với chương trình ĐH gồm 9 học kỳ. Thí sinh nên tham khảo kỹ trên website của các trường cũng như các thông tin tuyển sinh để nắm rõ thông tin cụ thể về học phí.

Việc không ồ ạt tăng học phí như mọi năm cho thấy các trường ngoài công lập đã có sự cân nhắc kỹ càng, ngoài mục đích giữ nguồn tuyển, còn phần nào để san bớt gánh nặng cho thí sinh.

Trường công: Không tăng đồng loạt


Cân nhắc những khó khăn chung về tài chính, Bộ GD-ĐT cũng đã có những động thái để vấn đề học phí ở các trường công lập vào đầu mùa tuyển sinh không có tác động lớn tới xã hội. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga công nhận, một trong những chi tiêu quan trọng của mọi gia đình chính là học phí của con em trong độ tuổi đi học, nên việc tăng học phí tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng, nhất là vào tháng 9 hằng năm, khi các địa phương và các cơ sở đào tạo thực hiện thu học phí năm học mới.

Những năm gần đây, các trường công lập đưa ra mức học phí cụ thể đối với từng loại đối tượng, từng trình độ đào tạo, căn cứ vào trần học phí từng năm, đặc điểm và yêu cầu phát triển của ngành đào tạo, hình thức đào tạo, hoàn cảnh của học sinh, sinh viên từng trường. Mức thu học phí đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học và tăng dần từng năm theo lộ trình.

Theo lộ trình đó, mức trần học phí đối với đào tạo trình độ ĐH tại trường công lập theo các nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà áp dụng cho năm học 2013-2014 sẽ là: Ngành Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật, Nông, Lâm, Thủy sản (nhóm 1): 485 nghìn đồng/tháng (năm 2012 là 420 nghìn đồng); Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Khách sạn, du lịch (nhóm 2): 565 nghìn đồng/tháng (năm 2012 là 480 nghìn đồng); Y dược (nhóm 3) 685 nghìn đồng/tháng (năm 2012 là 570 nghìn đồng).

Tuy nhiên, năm học này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: "Để góp phần thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, trong đó mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 6,0-6,5%, Bộ đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp công lập xây dựng tiến độ điều chỉnh mức học phí một cách hợp lý. Mức học phí phải phù hợp với nhóm ngành nghề đào tạo và hình thức đào tạo". Đặc biệt, học phí được thu định kỳ hằng tháng, các trường không được ép buộc học sinh, sinh viên đóng học phí một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học, nhất là vào đầu năm học mới, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp và có ý kiến với các bộ chủ quản và các cơ sở đào tạo để quyết định việc điều chỉnh học phí nhằm bảo đảm không để nhiều tỉnh, thành phố và các cơ sở đào tạo cùng tăng học phí vào đầu năm học mới.

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Viết bình luận: Học phí đại học, cao đẳng năm học 2013-2014 giữ ở mức ổn định

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH