Những đổi mới trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015

Theo đánh giá của thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga về việc tổ chức kỳ thi chung Quốc gia năm 2015 sẽ có những đổi mới tích cực hướng đến quyền lợi của thí sinh: Thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi.

Ngày 29/7, Bộ đã có hội nghị tham khảo ý kiến các sở GD- ĐT và dự kiến ngày 15/8 tới đây, Bộ sẽ tham khảo ý kiến của Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc. 

Sau đó, kết hợp với ý kiến đóng góp của dư luận xã hội qua các diễn đàn, Bộ sẽ chốt lại phương án cuối cùng cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015

Theo thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Kỳ thi  THPT quốc gia nếu được thực hiện sẽ tạo ra những đổi mới căn bản trong tuyển sinh ĐH, CĐ từ khâu đăng ký dự thi  của thí sinh đến công tác tổ chức thi và sử dụng kết quả thi để xét tuyển của các nhà trường. Nội dung thi trước mắt vẫn nằm trong chương trình THPT, chưa yêu cầu thay đổi gì nhiều trong cách học nên học sinh yên tâm học tập, không có gì phải lo lắng"

Những đổi mới hướng đến quyền lợi của thí sinh 

Thứ trưởng có thể phân tích kỹ hơn về nội dung rất mới trong dự thảo, đó là thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi?

- Đây là một đổi mới căn bản, tạo sự tách biệt giữa thi và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ từ trước đến nay, thí sinh phải đăng ký vào trường, ngành trước khi thi. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro cho thí sinh. Năm nào cũng có nhiều thí sinh điểm cao nhưng bị trượt do đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành hay trường không phù hợp. 

Theo quy định mới của đề án này thì sau khi có kết quả thi thí sinh mới phải đăng ký xét tuyển vào ngành, trường phù hợp với điểm thi mình đạt được, để chọn trường vừa sức hơn, hạn chế rủi ro. 

Từ kết quả của kỳ thi duy nhất này, thí sinh có thể sử dụng để xét tuyển cả vào ĐH lẫn CĐ, thay thế cho việc phải tổ chức ba đợt thi rất nặng nề như trước nay. Do đó, nếu triển khai kỳ thi quốc gia nghiêm túc, áp lực thi cử và sự tốn kém sẽ giảm đi rất lớn cho toàn xã hội. 

Bộ GD&ĐT đã lên những công việc cụ thể gì khi hoán đổi hai khâu thi và đăng ký xét tuyển, thưa Thứ trưởng?

Những vấn đề cụ thể mang tính kỹ thuật sẽ được quy định trong Quy chế của kỳ thi quốc gia được ban hành sau khi thống nhất phương án thi. 

Tuy nhiên, khi xây dựng đề án kỳ thi quốc gia, Bộ GD&ĐT cũng đã lường trước những công việc cụ thể sẽ thay đổi thế nào khi hoán đổi hai khâu thi và đăng ký xét tuyển so với kỳ thi "ba chung". 

Theo dự thảo, thời gian của kỳ thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 6. Do đó, các thủ tục đăng ký dự thi phải thực hiện ở thời điểm phù hợp trước thời điểm diễn ra kỳ thi. Qui chế cũng sẽ qui định rõ thủ tục đăng ký thi của thí sinh tự do.

Điều mà các thí sinh, phụ huynh và dư luận xã hội quan tâm là các thí sinh tự do sẽ thi như thế nào khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Thứ trưởng có thể nói rõ về điều này?

- Kỳ thi phổ thông quốc gia mới được tổ chức với các khâu ra đề thi, coi thi, chấm thi, dùng chung kết quả cho xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ với nhiều đổi mới chưa từng có tiền lệ. 

Tất nhiên, với những băn khoăn của thí sinh, Bộ cũng đã lường trước. Song xin được chia sẻ rằng những thí sinh tự do đã có bằng tốt nghiệp THPT rồi, nếu có nguyện vọng thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ thì năm tới chỉ thi những môn mình lựa chọn để xét tuyển vào các ngành, trường tương ứng. 

Kết quả thi của các thí sinh này không dùng để xét tốt nghiệp THPT, nên các em không nhất thiết phải thi các môn bắt buộc nếu các môn đó không phục vụ cho xét tuyển vào các ngành, trường ĐH, CĐ mà các em đã lựa chọn.

Nhung doi moi trong ky thi THPT Quoc gia nam 2015

Kỳ thi chung Quốc gia năm 2015 sẽ có nhiều lợi ích với thí sinh

Các trường linh hoạt xét tuyển, không theo khối thi

Từ năm 2011, trong quá trình thảo luận đổi mới tuyển sinh, đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ thi theo khối, tổ chức thi nhiều môn tùy chọn để các trường tổ hợp lại và tuyển sinh vào các ngành phù hợp. Quan điểm của Bộ GD&ĐT về vấn đề này là như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Trong kỳ thi quốc gia tới, cả ba phương án đề xuất thi theo môn thi, bài thi đều theo hướng đó, không còn khối thi. Các trường ĐH, CĐ thông báo trước những môn thi, bài thi sẽ được sử dụng kết quả để xét tuyển vào từng ngành khác nhau để thí sinh biết và lựa chọn phù hợp. 

Tuy nhiên, đây là kỳ thi quốc gia có hai mục đích, kết quả kỳ thi còn được dùng để xét tốt nghiệp THPT, nên cần có những môn bắt buộc để đánh giá kết quả học tập ở bậc phổ thông của học sinh. Ở kỳ thi này, ba môn cốt lõi bắt buộc là Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. 

Trước năm 2014, đây cũng là những môn thi tốt nghiệp bắt buộc. Các môn tự chọn còn lại nếu đề thi theo phương án 1 thì thời gian làm bài như truyền thống lâu nay, mỗi môn thi một buổi. Nếu đề thi theo phương án 2 thì thời gian làm bài rút ngắn, mỗi buổi có thể thi một bài gồm 2-3 môn. 

Kết quả các bài thi tổng hợp sẽ có điểm thành phần các môn (ví dụ bài thi khoa học tự nhiên sẽ có điểm thành phần các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học) để các trường ĐH, CĐ tham khảo trong xét tuyển.

Thưa Thứ trưởng, nếu theo những hướng đổi mới này, có thể hình dung trong thời gian tới, thí sinh sẽ thi cử nhẹ nhàng nhưng có nhiều cơ hội để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ?

Các trường sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để tuyển sinh phải công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường minh dựa trên kết quả các môn thi đã công bố, kể cả môn chính nhân hệ số. Chỉ những thí sinh đáp ứng đủ các điều kiện này mới nộp đơn xét tuyển vào trường. 

Tất nhiên, các trường sẽ xét tuyển thí sinh đạt từ điểm cao xuống cho đến hết chỉ tiêu. Một trong những ưu điểm của kỳ thi quốc gia là thí sinh có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường nếu đáp ứng đủ điều kiện do trường qui định. 

Do các trường tổ hợp các môn thi để xét tuyển nên thí sinh thi nhẹ nhàng hơn nhưng cơ hội trúng tuyển thì nhiều hơn. Hiểu một cách đơn giản, chẳng hạn, thí sinh thi tốt nghiệp 3 môn bắt buộc Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) thì có thể xét tuyển vào các ngành tương ứng với các khối A, A1, B, D trước đây. 

Ngoài ra khi áp dụng một kỳ thi quốc gia thì không còn khối thi, các trường có thể linh hoạt chọn tổ hợp các môn xét tuyển phù hợp nên thí sinh còn có nhiều sự lựa chọn hơn nữa.

Quan trọng nhất là tổ chức được kỳ thi nghiêm túc

Khi Bộ GD&ĐT đưa ra những phương án đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, sau những phân tích, lựa chọn phương án, các chuyên gia, dư luận xã hội thường nói đến việc tổ chức thi, để đổi mới thế nào nhưng phải đảm bảo được sự nghiêm túc, chính xác. Những ý kiến đóng góp về việc tổ chức thi gửi tới Bộ GD&ĐT hiện nay có tập trung vào hình thức chấm, cách thức thi nào không, thưa Thứ trưởng?

 - Bộ GD&ĐT hiểu rất rõ điều xã hội lo lắng và quan tâm nhất đối với kỳ thi quốc gia là sự trung thực, độ tin cậy, khách quan. Đặc biệt, với các trường ĐH, CĐ có chủ trương sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển thì độ tin cậy của kết quả thi chính là điều quan trọng hàng đầu. 

Luật Giáo dục ĐH đã qui định các trường ĐH, CĐ được tự chủ trong tuyển sinh, nên các trường có thể tự chọn hình thức thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Nếu tổ chức một kỳ thi tốn kém mà không đảm bảo được độ tin cậy khiến các trường ĐH, CĐ không sử dụng được kết quả này để xét tuyển, mà từng trường vẫn buộc phải tự tổ chức thi riêng thì rõ ràng kỳ thi quốc gia không đạt được mục tiêu mong muốn. 

Để đảm bảo được độ tin cậy, kỳ thi quốc gia cần được tổ chức nghiêm túc- ít ra cũng tương tự như kỳ thi “ba chung” đã tổ chức hơn 10 năm qua. Do đó, theo tôi việc góp ý kiến cho đề án kỳ thi quốc gia nên tập trung vào công tác tổ chức các điểm thi, công tác coi thi, chấm thi... 

Trong những ngày qua, tôi thấy có nhiều ý kiến góp ý, tranh luận về thi theo môn thi hay theo bài thi, mà còn ít những bàn luận, phân tích về nhiệm vụ quan trọng là làm thế nào để tổ chức được kỳ thi nghiêm túc. 

Theo Thứ trưởng, đâu là tính khả thi và gọn nhẹ trong công tác tổ chức kỳ thi quốc gia theo dự thảo mà Bộ GD&ĐT đưa ra?

- Trong đề án một kỳ thi quốc gia, Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức các hội đồng thi theo các cụm thi ở từng tỉnh, tạo thuận lợi cho thí sinh dự thi. 

Riêng công tác chấm thi được tổ chức thành các cụm liên tỉnh cho từng vùng nhằm bảo đảm cao nhất tính nghiêm túc, khách quan. Cán bộ coi thi, chấm thi gồm giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên phổ thông. 

Thực tế, phương thức này không có gì mới mẻ so với việc tổ chức thi tuyển sinh lâu nay của các trường ĐH, CĐ. Trong hơn 10 năm thi “ba chung”, các trường ĐH, CĐ vẫn mời giáo viên phổ thông cùng tham gia công tác coi thi, chấm thi. 

Tuy nhiên, đúng là đối với các Sở GD&ĐT- cơ quan chủ trì công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương như lâu nay- thì đây là vấn đề mới vì có sự tham gia trực tiếp của giảng viên ĐH, CĐ. Còn việc chấm thi tập trung ở các cụm liên tỉnh cho từng vùng là vấn đề mới đối với cả sở GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ, nhưng hoàn toàn khả thi. 

Những điểm mới trong công tác tổ chức thi dự kiến cùng với việc tăng cường thanh tra, giám sát sẽ giúp cho kỳ thi nghiêm túc, khách quan, đảm bảo kết quả tin cậy sử dụng cho các mục đích đề ra cho một kỳ thi quốc gia duy nhất.

Việc tổ chức thi theo dự thảo này phát sinh chi phí di chuyển cán bộ của các trường ĐH, CĐ đến các địa điểm thi để coi thi và một số cán bộ đến các cụm chấm thi. 

Tuy nhiên, so với chi phí cần cho việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi ĐH, CĐ hiện nay cùng với chi phí cho hàng triệu lượt dịch chuyển của thí sinh và người nhà mỗi mùa thi, thì tổng chi phí của kỳ thi quốc gia chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều.

Nguồn Báo Giáo Dục & Thời Đại

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

101 bình luận: Những đổi mới trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH