Thi đại học 2013: Cảnh báo những lò luyện siêu tốc

Cuối tháng 5, đầu tháng 6 là thời điểm hàng ngàn sĩ tử đổ về các lò luyện thi đại học để luyện thi cấp tốc. Trong khi đó, nhiều chuyên gia giáo dục và các thủ khoa đều cảnh báo, nếu không nắm vững kiến thức nền tảng thì việc nhồi nhét kiến thức “siêu tốc” trong khoảng thời gian ngắn không thể mang lại hiệu quả.

Vẫn chuộng luyện thi cấp tốc

Tại một lò luyện thi trên phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội), Hoàng Thái - học sinh một trường THPT quận Đống Đa – Hà Nội nói, mặc dù vẫn đang bận ôn thi tốt nghiệp song em tìm đến lò luyện sớm để mong tìm được chỗ luyện cấp tốc tốt. Sở dĩ phải tìm lớp ôn thi cấp tốc sớm bởi giờ này học sinh các tỉnh lân cận Hà Nội vẫn đang ôn thi tốt nghiệp chưa kịp tràn lên, lớp sẽ bớt đông. Em cùng 3 bạn nữa cùng lớp đã tìm và quyết định học cùng một trung tâm. Học phí năm nay có vẻ cao hơn chút ít song em hy vọng em sẽ tự tin hơn và tiếp thu được phương pháp làm bài thi đại học tốt nhất. 

Thi dai hoc 2013: Canh bao nhung lo luyen sieu toc
Gửi niềm tin vào lò luyện cấp tốc. AMH

Qua tìm hiểu các học sinh tại lò luyện cho thấy, phần nhiều học sinh ngoại tỉnh tìm về các lò ôn luyện cấp tốc tại Hà Nội sau kỳ thi tốt nghiệp. Họ cảm thấy thiếu tự tin, cần luyện thi cấp tốc để xem mình còn thiếu những mảng kiến thức nào đồng thời làm quen với những xu hướng, kiểu đề thi hay ra trong các kỳ thi. Còn học sinh tại Hà Nội lại tìm đến lò luyện dù đã nắm chắc kiến thức trong năm học bởi các em muốn hệ thống lại kiến thức đã học. Và cũng qua tìm hiểu tại một số lò luyện thi, bên cạnh những học sinh đến với lò luyện cấp tốc nhằm củng cố vững vàng hơn về tâm lý, về kiến thức thì cũng không ít học sinh tìm đến các lò luyện như một chiếc “phao” cứu sinh cuối cùng. Trong cả năm học họ học rất ít, chỉ tập trung học mỗi khi bước vào những kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học... Dù kiến thức cơ bản không vững nhưng với những khoá luyện cấp tốc, họ vẫn hy vọng mình sẽ đỗ vào đại học.  

Cá biệt, có học sinh còn cho biết, mặc dù kiến thức đã nắm kha khá, có gia sư riêng, nhưng bố mẹ vẫn chưa yên tâm nên nhờ người đăng ký cho một chỗ tại trung tâm luyện cấp tốc. Thế nên “Em đi để “mua” sự yên tâm cho bố mẹ, chứ học ở trường, ở nhà rồi lại đến lò luyện, em mệt chẳng còn sức đâu mà nghe giảng”. 

Đằng sau tấm biển quảng cáo

Không khí các lò luyện thi đại học cấp tốc đang nóng lên theo từng ngày. Nhiều “chiêu” quảng cáo hút sĩ tử của các trung tâm luyện thi đã được tung ra. Tại Hà Nội, các lò luyện thi cấp tốc tập trung chủ yếu ở khu vực Tạ Quang Bửu, đường Xuân Thuỷ, Chùa Bộc, Đại học Y, Cửa Bắc... và thường được mở ra từ đầu tháng 6 để hút học sinh sau khi thi tốt nghiệp.

 

Thi dai hoc 2013: Canh bao nhung lo luyen sieu toc
Lò luyện thi cấp tốc sẵn sàng đợi sĩ tử

Hầu hết những lò luyện kiểu này đều có quảng cáo, lịch học kèm theo hàng loạt tên tuổi của một số thầy cô, cùng đó là những lời đảm bảo kiểu: Đội ngũ giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm luyện thi, nhiệt tình; Lớp ít người, thoáng mát; giá cả hợp lý; Đảm bảo đỗ; Chất lượng cao; Giáo viên giảng dạy là những giáo sư, tiến sĩ... Thậm chí, để hút được tối đa lượng học sinh theo học, nhiều trung tâm còn vận hành theo cả nhiều “chiêu” hấp dẫn khác: “hỗ trợ, giới thiệu tìm phòng trọ”; “miễn phí tài liệu”; “Tăng tiết học nếu chưa ôn hết chương trình”; “Kiểm tra bài thi miễn phí”... 

Tuy nhiên, đằng sau những chiêu quảng cáo là sự thật không thể ngờ tới. Giáo viên có khi chỉ là những sinh viên năm cuối hoặc sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm. Để thí sinh yên tâm, các trung tâm thường cung cấp tài liệu giáo trình có sẵn và các giáo viên được gắn thương hiệu này nọ chỉ việc nghiên cứu và làm theo. 

Tại nhiều lò luyện, vì quá đông mà học sinh vẫn phải đến trước 30 phút – 1h đồng hồ để có chỗ ngồi học hợp lý mặc dù lời hứa ban đầu là lớp ít người, có chỗ ngồi tử tế, thầy giáo sát sao từng học sinh nên đảm bảo học đến đâu hiểu đến đó... Thầy giáo chủ yếu chữa bài trên bảng không quan tâm học sinh ở dưới tiếp thu đến đâu, làm gì... Chẳng thế mà tình trạng thầy cứ giảng, HS ngồi dưới cứ nghe nhạc, chơi game, nói chuyện, người ra người vào thoải mái. 

Lò luyện không phải chiếc đũa thần

Theo nhiều thầy cô giáo có kinh nghiệm, học sinh và phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng ký luyện thi cấp tốc bởi cách luyện thi này đang tồn tại nhiều điểm trừ. Trước tiên, học sinh hoàn toàn có thể loạn kiến thức bởi các lò luyện thi đại học cấp tốc thường được tổ chức vào tháng 6 sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Thời điểm này học sinh đã được trang bị vốn kiến thức không nhỏ sau nhiều tháng ôn luyện, vì vậy với kiến thức đã ổn định, thời gian của tháng cuối cùng cần được sử dụng để tổng hợp, củng cố lại. Lao vào các lớp luyện cấp tốc và phải làm quen với các tiếp cận kiến thức mới, phương pháp làm bài mới hoàn toàn có thể khiến kiến thức của HS bị lộn xộn. Từ đó HS không thể tự tin hơn mà còn thêm lo lắng. 

Trao đổi về kinh nghiệm ôn luyện thi đại học, một sự trùng hợp thú vị là đa số thủ khoa, á khoa thú nhận... không đi học ở trung tâm.

Đinh Quang Cường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia sư thủ khoa (Hà Nội) cho biết: “Em dành phần lớn thời gian để tự học ở nhà. Hồi thi đại học, em từng học lò luyện một thời gian ngắn nhưng không phù hợp nên lại thôi. Em nghĩ cái chính là do mình”. Còn Hoàng Thị Thao, Á khoa Đại học Sư phạm Hà Nội cũng khẳng định: Không cần đến lò luyện thi. “Từ bé đến giờ, em chưa đi học thêm buổi nào. Kể cả khi ôn thi đại học cũng chỉ ở nhà tự học thôi. Lò luyện thi giúp hệ thống hóa và khắc phục lỗ hổng kiến thức, nhưng cũng có thể “ngốn” không ít tiền và thời gian của người học. Thậm chí, còn gây áp lực cho bạn, làm hỏng cả kiến thức đúng đắn mà bạn đã có”. Tự học là điều cần thiết nhất để mỗi người rút ra những kinh nghiệm cho mình, rèn khả năng tư duy và giúp ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Đó chính là bí quyết ôn luyện của Nguyễn Chí Long, Thủ khoa ĐH Y Thái Nguyên, Á khoa ĐH Ngoại Thương Hà Nội. 

Thầy giáo Nguyễn Hữu Mười - Giảng viên một trường ĐH cũng cho rằng: Để ôn luyện hiệu quả, học sinh phải tìm hiểu kỹ lưỡng trung tâm luyện thi và người dạy, sao cho phù hợp trình độ và khả năng tiếp thu của bản thân. Đề thi những năm gần đây rất cơ bản. Thay vì đến lò luyện thi, học sinh có thể theo học chính thầy cô giáo dạy mình ở trung học phổ thông nếu thấy phương pháp giảng dạy đó vẫn phù hợp với mình. Thầy Mười cũng phân tích: Lượng kiến thức trong mỗi buổi ôn cấp tốc ở lò luyện không nhiều. Vì thế, học sinh phải có kế hoạch cụ thể. Phải tự đánh giá mình đang ở trình độ nào, từ đó đưa ra kế hoạch ôn thi cụ thể hàng ngày, hàng tuần. Cái gì đã đạt được, cái gì chưa biết, muốn có cái gì ở lò luyện thi... Đến lò luyện để hỏi chứ không phải để nghe. Phải trao đổi với bạn bè và nhờ thầy giáo làm rõ những điều mình chưa biết. Cái chính vẫn là tự học.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhã - Giáo viên Trường THPT Minh Khai – Hà Nội cũng đưa ra lời khuyên: Nếu học sinh không nắm chắc kiến thức cơ bản thì vào lò luyện cũng không mang lại kết quả. Học thật chắc kiến thức, vào lò luyện mới nhanh vỡ vạc. Đến tháng 5, 6 mà vẫn chưa nắm chắc kiến thức thì có vắt chân lên cổ vào lò luyện thi cấp tốc cũng chỉ lãng phí thời gian!

Rõ ràng, việc ôn thi ở các lò luyện không phải là sai hoàn toàn nhưng nó không phải là con đường tối ưu nhất để các sĩ tử lựa chọn. Lò luyện chỉ thực sự có ích khi người học chăm chỉ, chú tâm nghe giảng. Song song với việc học ở lò, về nhà, mỗi học sinh phải chủ động học, trau dồi thêm thì mới có kết quả như mong muốn.

Thái Hằng

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Viết bình luận: Thi đại học 2013: Cảnh báo những lò luyện siêu tốc

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH