Tư vấn tuyển sinh: Thủ tục đăng ký hồ sơ thi đại học có gì thay đổi?

Thủ tục đăng ký hồ sơ thi ĐH năm nay có gì khác? Thí sinh tự do mua hồ sơ đăng ký dự thi ĐH và nộp hồ sơ ở đâu? Các nguyện vọng khác nhau chỗ nào?

* Năm nay, thủ tục đăng ký hồ sơ thi ĐH có gì khác so với mọi năm không? Mã ngành có gì thay đổi không? Căn cứ vào đâu để ghi hồ sơ?

Kiến Thiết (quận 3 - TPHCM)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, trả lời:  Theo dự kiến, năm nay, thủ tục hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh ĐH-CĐ không khác gì so với những năm trước. Các mốc thời gian cần lưu ý liên quan đến hồ sơ ĐKDT là: Thí sinh đang học lớp 12 tại các trường THPT sẽ nộp hồ sơ ĐKDT tại trường từ ngày 11-3 đến 11-4. Thí sinh tự do nộp hồ sơ ĐKDT tại các điểm do sở GD-ĐT quy định cũng trong thời gian từ ngày 11-3 đến ngày 11-4 hoặc tại các trường ĐH-CĐ có tổ chức thi từ ngày 12 đến ngày 19-4.

Các thông tin về tuyển sinh có thể tham khảo trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 theo dự kiến sẽ do NXB Giáo dục tổng hợp từ các thông tin chính thức của các trường ĐH-CĐ. Thí sinh cũng có thể theo dõi các thông tin về tuyển sinh, giới thiệu ngành nghề, chương trình đào tạo, hướng dẫn kê khai hồ sơ ĐKDT, trắc nghiệm định hướng chọn ngành, chọn trường thi.... trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang web của các trường ĐH-CĐ.

* Năm ngoái, em thi ĐH nhưng không đậu. Năm nay, em thi tiếp ĐH thì nộp hồ sơ ở đâu? Thủ tục làm hồ sơ như thế nào, có khác với năm ngoái khi em thi năm đầu tiên và nộp tại trường hay không?

Nguyễn Thị Lan Anh (huyện Bình _Chánh - TPHCM)

- Ông Nguyễn Quốc Cường, phụ trách Phòng Tuyển sinh, Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, trả lời: Năm 2013, đăng ký dự thi vào ĐH ở dạng thí sinh tự do, em có thể nộp hồ sơ tại Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM (số 3 Công trường Quốc tế, P.6, Q.3) hoặc tại Sở GD-ĐT TPHCM (68 Lê Thánh Tôn, P.Bến Nghé, Q.1). Em mua hồ sơ tại các địa điểm trên, sau đó khai đầy đủ thông tin trên hồ sơ, mang ra UBND phường, xã nơi em đang ở để đóng dấu xác nhận, sau đó mang đi nộp. Em cũng có thể mang hồ sơ trực tiếp đến trường có nguyện vọng ĐKDT. Em có thể liên hệ với đường dây nóng về tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh của Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM theo số điện thoại: 08.38295173.

* Năm nay ngành sư phạm của Trường ĐH Sài Gòn vẫn chỉ tuyển sinh với yêu cầu phải có hộ khẩu tại TPHCM? Em muốn dự thi ngành sư phạm tiếng Anh của trường thì cần những yêu cầu gì?

An Minh (huyện Long Thành - Đồng Nai).

- ThS Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Sài Gòn, trả lời: Từ năm 2011, các ngành sư phạm không còn yêu cầu hộ khẩu TPHCM nữa. Để dự thi vào ngành sư phạm Anh nói riêng, các ngành sư phạm nói chung, thí sinh phải chú ý quy định: Các ngành đào tạo sư phạm không tuyển thí sinh bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp. Ngoài ra, thí sinh phải yêu nghề giáo để thi vào ngành sư phạm. Trường còn có ngành ngôn ngữ Anh (chuyên ngành thương mại - du lịch, cũng thi khối D1). Thí sinh có thể theo học ngành này, sau khi ra trường nếu có nhu cầu tham gia giảng dạy, có thể học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Ngành nữ công gia chánh có hệ trung cấp không? (Phạm Thị Thu, THPT Lương Thế Vinh, Bình Thuận)

Nếu yêu thích ngành nghề nữ công gia chánh, khéo tay hay làm… bạn có thể dự thi vào ngành kinh tế gia đình (trước đây là ngành kỹ thuật nữ công) Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Điểm chuẩn ngành này “khá mềm”, chỉ cao hơn điểm sàn khoảng 1 điểm.

Ở bậc trung cấp hiện chưa có ngành nữ công gia chánh. Bạn có thể học một số ngành có liên quan như công nghệ thực phẩm (theo hướng chế biến các loại thực phẩm) hoặc theo học các khóa học nấu ăn, làm bánh… Nếu có năng khiếu, chỉ sau vài năm bạn có thể sống được với nghề phụ bếp, đầu bếp, mở quán ăn, tiệm bánh, shop quà tặng…

* Em nghe thông tin tuyển sinh năm nay bỏ các nguyện vọng, vậy là sao? Các nguyện vọng khác nhau chỗ nào? Tuần trước quý báo có về trường em tư vấn tuyển sinh, có một bạn hỏi nếu không đậu nguyện vọng 1 thì làm sao để biết trường nào tuyển nguyện vọng 2, và các thầy cô trả lời là cần theo dõi những thông tin tuyển sinh sau kỳ thi ĐH-CĐ để biết chỉ tiêu các trường. Vào khoảng tháng 3, tụi em làm hồ sơ thi ĐH, vậy ghi các nguyện vọng như thế nào? (canon.in.d.7@...)

- Kỳ thi tuyển sinh năm nay cơ bản vẫn theo hình thức ba chung như các năm trước. Với việc các trường dùng chung kết quả tuyển sinh, những thí sinh có điểm thi bằng điểm sàn CĐ trở lên sẽ còn nhiều cơ hội xét tuyển các nguyện vọng 2, 3… (ngoài nguyện vọng 1 - nguyện vọng đã ghi vào hồ sơ).

Đầu tháng 8, sau khi bộ công bố điểm sàn các khối thi, các trường sẽ công bố điểm chuẩn nguyện vọng 1 và thông tin về chỉ tiêu, mức điểm xét tuyển NV2 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những thí sinh có điểm thi ĐH, CĐ bằng điểm sàn trở lên nhưng không đủ điểm trúng tuyển NV1 vào ngành mình đã chọn sẽ nhận được hai giấy chứng nhận kết quả thi. Trên giấy chứng nhận này có in đầy đủ thông tin về thí sinh (họ tên, số báo danh, khối thi, điểm thi, đối tượng và khu vực ưu tiên…). Thí sinh dùng giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký NV 2, 3 vào các trường, các ngành có xét tuyển thêm chỉ tiêu.

Vào tháng 3, thí sinh cả nước sẽ bắt đầu làm hồ sơ thi ĐH. Trong hồ sơ này, thí sinh sẽ ghi ngành và trường mình có nguyện vọng học (đây là NV1). Thí sinh không ghi NV2, 3 (vì đến tháng 8 sau khi có kết quả thi mới biết trường nào có tuyển NV2, 3). Lời khuyên của các thầy cô luôn xem NV1 (nguyện vọng ghi trong hồ sơ) là “nguyện vọng vàng” của thí sinh. Về lý thuyết, thí sinh có điểm thi cao sẽ còn nhiều cơ hội vào trường khác, ngành khác nhưng không ai có thể biết trước ngành nào, trường nào còn chỉ tiêu cho NV2, 3.

Thực tế tuyển sinh hằng năm cho thấy ở những trường công lập “tốp trên”, nhiều trường, nhiều ngành chỉ tuyển NV1, rất hiếm khi tuyển NV2 (nếu có, điểm trúng tuyển cũng rất cao). Những trường còn chỉ tiêu NV2, 3 là các trường ĐH ở tỉnh và các trường ngoài công lập.

Trước mắt, thí sinh nên chọn ngành, trường vừa sức mình để không phải rớt oan uổng nguyện vọng 1 và tập trung học để có kết quả thật tốt. Chưa cần phải lo lắng nhiều đến các nguyện vọng 2, 3.

* Tôi là học sinh lớp 12 chuẩn bị thi ĐH, CĐ. Tôi dự định đăng ký nguyện vọng 1 ở khối B vào Trường ĐH Võ Trường Toản nhưng muốn thi tại ĐH Sài Gòn. Vậy có được không? (nguyendiemngan1995@...)

- Nếu Trường ĐH Võ Trường Toản không tổ chức thi tuyển, bạn có thể dự thi khối B ở một trường ĐH khác (tốt nhất là trường gần nhà để đỡ vất vả khi đi thi). Bạn có thể dự thi tại ĐH Sài Gòn hoặc một trường khác tại TP.HCM có tổ chức thi khối B (nếu bạn ở TP.HCM). Còn nếu bạn ở tỉnh thành khác, tốt nhất chọn trường gần nhà.

* Em dự định thi vào Đại học Kinh tế Huế, ngành kế toán. Hiện nay trên các báo đều có thông tin Bộ GD-ĐT không cho phép các trường đại học mở mới các ngành có liên quan đến kinh tế. Vậy cụ thể của quyết định này là như thế nào? Các trường có giảm chỉ tiêu đối với những ngành sẵn có không? Điểm chuẩn theo đó liệu có tăng lên nhiều không? (thaonguyenxanh101195@...)

Sau nhiều năm các trường ồ ạt tuyển sinh các ngành kinh tế, thông tin từ thực tế tuyển dụng các ngành ngân hàng, quản trị kinh doanh đang dư thừa lao động, SV tốt nghiệp rất khó xin việc làm… Năm nay, chủ trương của bộ sẽ không mở rộng chỉ tiêu các ngành kinh tế ở những trường mới nhưng vẫn có chỉ tiêu cho các ngành này ở nhiều trường. Những trường đào tạo ngành kinh tế cũng đang cân đối lại chỉ tiêu đào tạo các ngành nghề, có thể giảm bớt chỉ tiêu các ngành tài chính - ngân hàng, QTKD để thêm chỉ tiêu cho các ngành marketing, hệ thống thông tin kinh tế.

Có thể số lượng thí sinh dự thi vào nhóm ngành kinh tế năm nay sẽ không đông như mọi năm nhưng điểm chuẩn  cao hay không là điều chưa thể biết trước. Số lượng người dự thi chỉ quyết định một phần đến điểm chuẩn, quan trọng là học lực của những thí sinh này. Có một thực tế là điểm chuẩn các trường tốp trên trong nhóm ngành kinh tế như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP.HCM, Khoa kinh tế ĐHQG TP.HCM… luôn ở mức 19-20 trở lên nhưng cũng có nhiều trường đào tạo nhóm ngành này với mức tuyển bằng sàn. Và cơ hội việc làm tốt sẽ luôn ưu tiên cho những ai giỏi nhất sau 4 năm ĐH.

* Thí sinh tự do mua hồ sơ đăng ký dự thi ĐH và nộp hồ sơ ở đâu? Khoảng tháng mấy thì bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi? Tìm hiểu thông tin trên mạng em thấy có trường ĐH điểm đầu vào là 20,5 (với đối tượng đóng học phí như các trường công lập) và 14 điểm (với đối tượng tự túc học phí đào tạo). Vậy xin hỏi hai đối tượng này có điểm gì khác biệt? Về bằng cấp thì có chênh lệch không? (spatacus125@...)

Thí sinh tự do có thể mua hồ sơ vào khoảng ngày 15-3 tại các điểm thu nhận hồ sơ thuộc sở GD-ĐT nơi cư trú. Một số nhà sách lớn cũng có bán mẫu hồ sơ này. Thời hạn nộp hồ sơ đến hết ngày 17-4.

Ngoài chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định, trước đây một số trường ĐH công có tuyển thêm chỉ tiêu ngoài ngân sách. SV hệ ngoài ngân sách phải đóng mức học phí rất cao nhưng điểm trúng tuyển thấp hơn. Bằng tốt nghiệp không phân biệt SV trong hay ngoài ngân sách. Tuy nhiên, chỉ tiêu diện này không nhiều (chỉ có ở một số ngành) và không phải trường nào cũng có.

Tuyensinh247 Tổng hợp

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Viết bình luận: Tư vấn tuyển sinh: Thủ tục đăng ký hồ sơ thi đại học có gì thay đổi?

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH