Tuyển sinh ngành y dược 2012: Dễ “đầu vào”, lo chất lượng “đầu ra”

Thời điểm này, các trường Đại học ngoài công lập vẫn đang tiếp tục chiêu sinh cho đủ chỉ tiêu. Trong xu hướng đua nhau mở ngành điều dưỡng, kỹ thuật y học, dược sĩ, bác sĩ đa khoa…, có trường điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành này chỉ bằng điểm sàn. Giữa lúc "đầu ra" Đại học gần như bị "thả nổi", mà "đầu vào" dễ như vậy, thì chất lượng bác sĩ, dược sĩ… sẽ đi đến đâu?

 

 Tuyen sinh nganh y duoc 2012: De “dau vao”, lo chat luong “dau ra”

Để có việc làm ổn định là điều khó khăn cho nhiều trình dược viên mới ra trường. Ảnh:  Quỳnh Anh

Tuyển tràn lan

Điểm chuẩn trúng tuyển ngành bác sĩ đa khoa năm nay ở các trường ĐH công lập đều khá cao: Trường ĐH Y Hà Nội 26 điểm, ĐH Y dược TP. HCM, khoa Y (ĐHQG TP. HCM) 24 điểm, ĐH Y dược Cần Thơ 23,5 điểm... Trong khi đó, các trường ĐH ngoài công lập đào tạo nhóm ngành liên quan đến sức khỏe con người lại có điểm chuẩn trúng tuyển thấp đến không ngờ. Cụ thể, ĐH Hồng Bàng, ngành điều dưỡng và kỹ thuật y học (xét nghiệm y khoa) bậc ĐH có điểm chuẩn nguyện vọng (NV) 1 bằng điểm sàn khối B (14 điểm). ĐH Thăng Long (Hà Nội) ngành điều dưỡng, y tế cộng đồng điểm trúng tuyển khối A, A1 là 14 điểm. Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) ngành dược sĩ ĐH (khối A, B) và điều dưỡng (khối B) đều có điểm chuẩn trúng tuyển bằng sàn.

Việc các trường tuyển sinh đầu vào các ngành học liên quan tới sức khỏe với mức điểm quá thấp khiến nhiều người lo ngại. Có ý kiến cho rằng, ngành y, dược sau này gắn trực tiếp với công tác khám chữa bệnh, do đó đòi hỏi người học có kiến thức chắc chắn. Vì thế, việc đào tạo ngành y không thể chạy theo số lượng, tuyển sinh tràn lan, vô tội vạ như hiện nay.

Thực tế tuyển sinh và đào tạo cho thấy, sự tăng vọt chỉ tiêu các ngành y dược có liên quan với sự phát triển nhanh chóng các trường ngoài công lập. Ngành y dược có thể thu học phí cao và điều này cũng chỉ dễ thực hiện ở trường tư. Như phân tích của TS Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức: "Ngoại trừ các trường được Nhà nước đầu tư chuyên đào tạo ngành y dược, các trường công không dám mở rộng đào tạo ngành này".Khó đảm bảo chất lượng

Đề cập đến chất lượng đào tạo ngành y, nhiều người tỏ ra bức xúc trước hiện tượng một số trường ĐH, CĐ chạy theo lợi nhuận, chạy theo tâm lý thí sinh để tuyển sinh những lĩnh vực "hot", trong khi đó những ngành nghề thiếu bác sĩ lại không đào tạo. Đối với hệ ngoài công lập, những ngành được các trường chú trọng đào tạo thường rơi vào lĩnh vực được coi là "dễ" như dược, kỹ thuật viên, điều dưỡng… Nhưng theo các chuyên gia y tế, đã học y, không có lĩnh vực nào được phép gọi là "dễ" vì đều liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh.

Vấn đề bất cập hiện nay là Bộ Y tế chưa kiểm định được chất lượng giáo dục ĐH ngành y, dược. Bà Nguyễn Minh Đức, Tổng hội Y học Việt Nam thẳng thắn, hiện có chuyên ngành chỉ có vài giáo viên nhưng lại đào tạo hàng ngàn sinh viên, đào tạo như thế là tràn lan, đào tạo ẩu.

Trước kỳ thi đại học vừa rồi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định, sẽ kiểm tra lại năng lực của các trường để siết chặt công tác đào tạo. Tuy nhiên, cho đến nay, không riêng hệ ngoài công lập, mà hầu hết các trường đạo tạo y, dược trên cả nước vẫn "mạnh ai nấy làm", thích mở ngành gì đều được.  Việc nhiều trường "khát" thí sinh, tuyển sinh ồ ạt cả những trường hợp dưới điểm sàn, cũng khiến một lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng "không thể chấp nhận".

Vậy nhưng, với cơ chế tự chủ khá thoáng như hiện nay, nhiều trường vẫn bất chấp chất lượng, chạy theo số lượng, hệ quả là trong tương lai sẽ có những đội ngũ y, bác sĩ kém tài đảm trách nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

Nhật Nguyên - Trung Đức

 

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Viết bình luận: Tuyển sinh ngành y dược 2012: Dễ “đầu vào”, lo chất lượng “đầu ra”

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH